11/08/2013 10:06 GMT+7

Công bố kết quả kiểm nghiệm thực phẩm: siết hay mở?

L.ANH - M.HƯƠNG - Q.KHẢI ghi
L.ANH - M.HƯƠNG - Q.KHẢI ghi

TT - Phát biểu mới đây của GS Chu Phạm Ngọc Sơn - chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM, phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM - một lần nữa đặt lại câu hỏi: Ai được quyền công bố thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm?

Câu hỏi này càng cần thiết phải có đáp án sau những rắc rối nảy sinh khi Hội Bảo vệ người tiêu dùng công bố kết quả khảo sát “bún phát sáng”.

yMEcxF6o.jpgPhóng to
Khi có kết quả khảo sát, các tổ chức nên thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước công bố, còn nếu thông báo rồi mà các cơ quan chức năng không công bố thì tổ chức đó có quyền công bố. Ông Trần Quang Trung - Ảnh: Thúy Anh

Tại hội nghị chuyên đề về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TP.HCM diễn ra ngày 7-8, trước khi đưa ra những thông tin giật mình về thực phẩm nhiễm độc, GS Chu Phạm Ngọc Sơn đã thẳng thắn bộc bạch: “Những số liệu tôi sắp nói ra chỉ có tính chất tham khảo vì đó là kiểm nghiệm của một đơn vị độc lập chứ chưa phải kết quả khảo sát của cơ quan chức năng. Nhưng tôi, với tư cách người làm khoa học, xin khẳng định những thông tin này hoàn toàn trung thực”. Nhà khoa học, các tổ chức xã hội hay các cơ quan công quyền, ai được quyền công bố thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm? Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến một số chuyên gia, người trong cuộc.

Ông Trần Quang Trung (cục trưởng Cục An toàn thực phẩm): Gửi kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước thông báo

Tôi cho rằng nên khuyến khích sự tham gia của các tổ chức như Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng việc lấy mẫu giám sát phải đúng quy định về lấy mẫu ở đâu, phương pháp kiểm nghiệm và quy trình lấy mẫu có đúng không… Nếu không, doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất sẽ không tâm phục khẩu phục. Quy định về lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm đã có trong thông tư 14. Với các món như bún, bánh canh, bánh ướt, các viện chuyên môn cũng đã thống nhất quy trình kiểm nghiệm.

Cơ quan chức năng nhận được thông tin phải có trách nhiệm kiểm tra và thông báo ngay nếu labo kiểm nghiệm đủ năng lực, phương pháp kiểm tra phù hợp và mẫu lấy đúng quy trình.

8RG29ZgS.jpgPhóng to
Chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện khảo sát, kiểm nghiệm các sản phẩm, hàng hóa, nếu xuất hiện vấn đề sẽ đưa ra thông tin để cảnh báo. Ông Đỗ Ngọc Chính - Ảnh: MAI HƯƠNG

Ông Đỗ Ngọc Chính (phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN): Phải ưu tiên quyền lợi của hàng chục triệu người tiêu dùng

Ngay từ năm 2007 chúng tôi đã thực hiện việc khảo sát, lấy mẫu, phân tích và cảnh báo kết quả phân tích cho cơ quan chức năng và người tiêu dùng về một số sản phẩm như sữa bột không đảm bảo dinh dưỡng, nước tương nhiễm hóa chất, thịt nhiễm chất tăng trọng... Lúc đó cũng đã có ý kiến tranh cãi là việc làm của hội như thế có vượt chức năng hay không, công bố như thế có lợi hay không vì làm ảnh hưởng đến nhà sản xuất và cả hàng triệu nông dân... Nhưng còn quyền lợi của hàng chục triệu người tiêu dùng thì sao, nhất là khi việc sử dụng sản phẩm, thực phẩm độc hại không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn ảnh hưởng nòi giống?

Ở nước ngoài hoạt động của các tổ chức kiểm định độc lập rất phổ biến, họ có nhiều kinh nghiệm hơn ta trong việc này. Kinh phí hoạt động của các hội này cũng được đảm bảo từ nguồn ngân sách của nhà nước (nhà nước cấp khoảng 1/3 kinh phí). Còn hội của chúng tôi hiện nay nguồn kinh phí vẫn còn hạn chế, chưa được sự hỗ trợ của Nhà nước nên những việc làm của hội vẫn còn tính chất hạn hẹp. Tuy nhiên, trong phạm vi khả năng có thể, sắp tới đây chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện khảo sát, kiểm nghiệm các sản phẩm, hàng hóa, nếu xuất hiện vấn đề sẽ đưa ra thông tin để cảnh báo cho người tiêu dùng và cả cơ quan chức năng.

GS Chu Phạm Ngọc Sơn (chủ tịch Hội Hóa học TP, phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP): Cần chặt chẽ nhưng phải nhanh

Theo quy định hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền được pháp luật quy định mới được quyền công bố thực phẩm nhiễm hóa chất. Để công bố được thực phẩm nào, nhiễm hóa chất gì, hàm lượng bao nhiêu cũng phải tuân thủ quy trình lấy mẫu, xét nghiệm. Quy trình này phải làm chặt chẽ, phải tiến hành xét nghiệm chéo hai ba lần, có khi phải gửi mẫu cho các đơn vị thuộc các bộ liên quan kiểm tra lại kết quả trước khi công bố. Việc làm chặt chẽ này là cần thiết, tránh việc xử lý sai, oan cho các đơn vị sản xuất, mua bán thực phẩm, xác định đúng nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm nhiễm hóa chất.

Quy trình kiểm tra, công bố thực phẩm nhiễm hóa chất hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào thời gian xét nghiệm cũng như năng lực của đơn vị xét nghiệm nên việc công bố có thể không nhanh như mong đợi. Vì vậy để đẩy nhanh quy trình xét nghiệm làm cơ sở công bố thực phẩm nhiễm hóa chất thì phải thành lập một trung tâm phân tích, xét nghiệm độc lập. trung tâm này phải đáp ứng việc phân tích, xét nghiệm một cách nhanh nhất khi có yêu cầu chứ không mang tính chất dịch vụ như hiện nay. Còn việc thông tin thực phẩm nhiễm hóa chất của một số cơ quan khoa học, các hội hoặc qua thông tin trên báo chí chỉ mang tính chất tham khảo. Tuy nhiên nó cũng cung cấp một lượng thông tin để người tiêu dùng cẩn trọng hơn trong việc chọn mua thực phẩm.

Ông nguyễn Văn Tiên (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội): Nhà nước không thể ba đầu sáu tay

Khi tiếp nhận thông tin sản phẩm độc hại từ các tổ chức xã hội, cơ quan công quyền nên kiểm tra lại xem quy trình lấy mẫu và phương pháp kiểm nghiệm có đúng hay không, nếu đúng thì sử dụng số liệu của người ta để công bố thông tin. Không có những tổ chức xã hội như Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Nhà nước không thể ba đầu sáu tay kiểm tra, giám sát được hết thực phẩm độc hại. Phải trông chờ cả vào thông tin từ người tiêu dùng, báo chí và các tổ chức như Hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Về quyền công bố thông tin, các tổ chức xã hội cũng có thể công bố nhưng phải đầy đủ thông tin kèm theo về số lượng mẫu, quy trình lấy, địa điểm kiểm nghiệm chứ không được quy chụp, áp đặt ý kiến chủ quan. Chỉ bằng phương pháp khoa học và minh bạch, kết quả kiểm tra ấy mới thuyết phục được công chúng.

Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM): Đáng hoan nghênh, phù hợp với pháp luật

Việc những tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ và thông tin cảnh báo cho người tiêu dùng là đáng hoan nghênh, phù hợp với pháp luật. Tôi cho rằng xu hướng này nên được khuyến khích vì hiện nay, dù đã có Luật bảo vệ người tiêu dùng nhưng người tiêu dùng vẫn luôn là nhóm yếu thế.

Dĩ nhiên, về mặt quy trình thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm, công bố, các tổ chức này cần bảo đảm chặt chẽ về thủ tục, chứng cứ, các công đoạn phải bảo đảm chính xác, khoa học thì kết quả càng có sức thuyết phục, tránh bị nhà sản xuất kiện ngược lại. Tôi cho rằng thông tin cảnh báo về hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng càng được công khai bao nhiêu thì càng có lợi cho những cơ sở làm ăn chân chính và khuyến khích phát triển sản xuất.

GS.TS Trịnh Quân Huấn (chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế): Nên huy động các tổ chức xã hội cùng giám sát thực phẩm

Rất nên huy động các tổ chức cùng tham gia giám sát thực phẩm, đây là một cách để huy động cộng đồng cùng bảo vệ người tiêu dùng. Như việc Hội Bảo vệ người tiêu dùng tham gia khảo sát và công bố kết quả giám sát bún, bánh canh, bánh ướt vừa rồi, tôi cho rằng nhiều nơi cùng tham gia giám sát với cơ quan nhà nước thì sẽ tăng thêm tính khách quan, minh bạch cho thông tin về an toàn thực phẩm. Nhưng vấn đề cần chú ý là tính chính xác của kết quả khảo sát, nếu mẫu kiểm nghiệm được làm tại các labo được công nhận, quy trình lấy mẫu đúng quy định... thì kết quả khảo sát mang tính pháp lý cao.

Xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh bún, bánh tươi vi phạm

Sáng 10-8, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM đã chính thức công bố bằng văn bản tới các cơ quan báo chí về kết quả kiểm nghiệm bún và bánh tươi của các cơ sở sản xuất trên địa bàn TP. Trong khi đó trên website của mình, Sở Công thương thông tin xử phạt các cơ sở vi phạm.

Theo đó, từ đầu năm đến nay Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã lấy mẫu và xét nghiệm đối chứng với Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, phát hiện sáu mẫu sản phẩm vi phạm. Cụ thể, có bốn mẫu do hộ kinh doanh Hoàng Thành (751/40H/15 Hồng Bàng, P.6, Q.6) sản xuất gồm: hai mẫu bánh hỏi có chứa tinopal, một mẫu bánh hỏi có natri sulfite vượt mức cho phép và một mẫu bánh lọt có natri sulfite vượt mức cho phép. Một mẫu bún bò có chứa tinopal (hàm lượng 0,35mg/kg) do hộ kinh doanh Phương Dung (71/486E Phan Huy Ích, P.12, Q.Gò Vấp) sản xuất và một mẫu bánh phở có chứa acid oxalic do Công ty TNHH Cát Tường (P.14, Q.Gò Vấp) phân phối.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Công thương TP.HCM đã có quyết định xử phạt hộ kinh doanh Hoàng Thành 33 triệu đồng, cơ sở Phương Dung 30 triệu đồng. Riêng Công ty Cát Tường, thanh tra sở đang xử lý vụ việc.

Đến nay, các đoàn kiểm tra chức năng đã thực hiện kiểm tra 241 lượt/212 cơ sở sản xuất các sản phẩm từ bột, tinh bột đang quản lý trên địa bàn, lấy 166 mẫu gửi đi kiểm nghiệm, phân tích các chỉ tiêu tinopal, acid oxalic, natri sulfite và natri benzoat.

* Cùng ngày, ông Trần Hữu Bình - chánh Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ - cho biết đã ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh bún TKT (P.An Bình, Q.Ninh Kiều). Trước đó, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu kiểm nghiệm và phát hiện bốn mẫu do cơ sở này sản xuất gồm bún, bánh lọt và hai mẫu hóa chất làm bún dương tính với chất tẩy trắng tinopal.

D.Tuấn - T.Lũy

SbPQWgSG.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Tiên - Ảnh: V.DŨNG
4B1HFHge.jpgPhóng to
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: M.H.
takH7EJT.jpgPhóng to
Ông Trịnh Quân Huấn - Ảnh: Thúy Anh

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Số mẫu bún nhiễm chất phát sáng giảm mạnhLại hứa công khai cơ sở làm thực phẩm “bẩn”Tích cực xét nghiệm để chứng minh bún, bánh an toànChưa làm sáng tỏ bún có độc tốHoang mang với búnBún có chất độc: Cần giải quyết từ gốc

L.ANH - M.HƯƠNG - Q.KHẢI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên