Sáng 21-11, thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An cho biết đơn vị đang giải quyết nguồn tin về tội phạm của ông V.D.L. và công dân ở huyện Yên Thành tố giác vợ chồng ông Nguyễn Vĩnh Tám và bà Đậu Thị Nhâm - ngụ xã Công Thành, huyện Yên Thành (chủ doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Tám Nhâm) - có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm bằng "sổ tiết kiệm" với lãi suất 9,6%/năm.
Điều tra vụ tiệm vàng ở Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng rồi tuyên bố vỡ nợ - Video: DOÃN HÒA
Tuy nhiên đến thời hạn trả lại tiền gốc và tiền lãi mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng vợ chồng ông Tám cố tình không trả nhằm chiếm đoạt tài sản. Vụ việc xảy ra vào năm 2015-2016 tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An thông báo cho người dân ai là người đã gửi tiền thông qua hình thức ghi "sổ tiết kiệm" tại doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Tám Nhâm chưa trả lại đủ số tiền gốc gửi tiết kiệm đến Công an huyện Yên Thành và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An để gửi đơn tố giác về tội phạm và làm việc ghi lời khai.
Đây là vụ việc mà Tuổi Trẻ Online từng phản ánh trong bài viết "Tiệm vàng mở 'sổ tiết kiệm' như ngân hàng, các cụ già bật khóc vì mất tiền" vào ngày 5-1-2024.
Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng, nhiều người dân ở huyện Yên Thành trình bày: Từ năm 2017 trở về trước, do tin tưởng cửa hàng kinh doanh vàng bạc Tám Nhâm huy động vốn với lãi suất cao nên họ gửi tiền và được chủ tiệm vàng trao lại "sổ tiết kiệm".
Tuy nhiên, đến hạn người dân rút tiền ghi trong "sổ tiết kiệm" thì chủ tiệm vàng này tuyên bố vỡ nợ.
Điểm chung của các "sổ tiết kiệm" mà tiệm vàng Tám Nhâm đưa cho người dân đều không có số sổ, nội dung bên trong là quỹ tiết kiệm đóng dấu đỏ của doanh nghiệp kèm thông tin của khách hàng gửi, lãi suất, kỳ hạn… giống như sổ tiết kiệm của ngân hàng.
Thời điểm đó, trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Vĩnh Tám - chủ doanh nghiệp tư nhân Tám Nhâm - cho rằng ông cũng là bị hại trong vụ việc này.
Do một số cá nhân khác vay từ vợ chồng ông vỡ nợ, bỏ trốn dẫn đến việc doanh nghiệp của ông mất khả năng thanh khoản.
Gia đình ông đã bán tài sản, đất đai khắc phục trả lại cho 196 người với số tiền hơn 22 tỉ đồng và vẫn còn nợ người dân khoảng hơn 9 tỉ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, đối chiếu với giấy phép hoạt động của doanh nghiệp Tám Nhâm vào năm 2005 cho thấy doanh nghiệp này không được cấp phép trong hoạt động ngân hàng.
Do vậy doanh nghiệp này phát hành sổ tiết kiệm, huy động tiền gửi trong dân là trái phép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận