16/09/2013 04:32 GMT+7

Con tôi giúp bạn

TRỊNH MINH GIANG (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
TRỊNH MINH GIANG (Q.Thủ Đức, TP.HCM)

TT - Năm học lớp 3, con gái tôi được cô giáo giao cho nhiệm vụ kèm một bạn nam học hơi yếu. Nghe con kể, tôi hơi băn khoăn, vì sức học con tôi tuy khá nhưng hay chủ quan, ít tập trung...

Tôi dặn con là phải chú ý bài vở cho kỹ, đừng vì lo cho bạn mà không làm tốt phần bài của mình, cũng đừng vì lo bài của mình mà không giúp bạn... Được vài tuần, tôi hỏi dò thì con tôi bảo: “Bạn đó học dốt quá ba à! Con chỉ hoài mà bạn cũng không hiểu, còn giận con nữa!”. Tôi nghiêm mặt phê bình: “Con không được nói với bạn như thế. Mỗi bạn có một năng lực riêng, con tuy học tốt nhiều môn hơn bạn nhưng có thể môn nhạc, họa hay vi tính bạn lại hơn con thì sao? Con chỉ bạn cũng phải lịch sự, tôn trọng bạn, chứ con nạt nộ thì sao bạn nghe được?”. Con gái gãi đầu, ra chiều biết lỗi và hiểu ý...

Hôm họp phụ huynh đầu học kỳ II, tôi đem chuyện con tôi được phân công giúp bạn nói riêng với cô giáo. Không ngờ cô khen ngay: “Bé ngoan lắm anh à! Chỉ bài cho bạn rất tận tình. Kết quả kiểm tra học kỳ I em đó tiến bộ rõ rệt. Mà bé nhà mình cũng hay lắm nghen, chỉ bài thì chỉ nhưng nhất định không cho coi đáp án, lần nào kiểm tra em cũng để ý thấy vậy!”. Tôi cảm ơn cô giáo đã tin tưởng con tôi và cũng dặn thêm: “Con bé hay lơ là, cô chú ý giùm. Đừng vì được phân công giúp bạn mà ỷ lại, chủ quan...”. Cô giáo nói sẽ quan tâm thêm. Đến cuối năm học, trong lần họp phụ huynh cuối, tôi lại hỏi việc đó với cô giáo thì cô vẫn dành cho con tôi những lời khen ngợi... Tôi cũng thấy vui.

Từ việc này tôi nghĩ rằng các giáo viên nên xem xét năng lực, điều kiện cụ thể mà có thể phân công các bạn học khá giúp bạn học chưa khá, hình thành “đôi bạn học tốt”, “nhóm học tốt”... Việc giúp đỡ đó có lợi cho bạn được giúp, bạn giúp và cho giáo viên nữa. “Học thầy không tày học bạn” là thế, việc giúp đỡ nhau sẽ tạo ra động lực học tập tốt hơn cho học sinh, đồng thời xây dựng tinh thần trách nhiệm, gắn kết lẫn nhau, lâu dài hình thành nên ý thức trách nhiệm đối với tập thể, với cộng đồng, tránh tình trạng ai biết nấy. Quá trình đó cần chú ý thái độ, cách ứng xử giữa các bên, chẳng hạn bạn được phân công có tỏ ra “ta đây” không, có nhiệt tình giúp bạn không, có phương pháp giúp hiệu quả không, có thuyết phục được bạn không... Còn với bạn được giúp, có vì “mắc cỡ” mà học tốt hơn không, có hứng thú với việc được bạn chỉ bài không, có tập trung và tiến bộ hơn không... Nếu phát sinh những vấn đề bất ổn cần được điều chỉnh ngay. Việc này hẳn sẽ tác động đến khả năng hình thành nhân cách, thái độ sống của trẻ. Vì vậy, các giáo viên nên quan tâm nhiều hơn đến điều này trong quá trình giảng dạy, làm chủ nhiệm...

TRỊNH MINH GIANG (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên