Tôi trong những ngày đại dịch - làm phận sự của một người mang ơn Sài Gòn
Một thống kê khác cũng đau không kém: hàng ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động, hàng ngàn nhà hàng khách sạn văn phòng công xưởng đóng cửa im lìm, hàng triệu người lao động không còn thu nhập...
Là doanh nhân, người lái thuyền của những doanh nghiệp trong và sau đại dịch, chúng tôi phải chọn cho mình một thái độ, một hành động.
Vào cuộc
Hứa Tấn Vinh là chủ nhà hàng Đông Nguyên, quận 7. Đây là nhà hàng mới, kế thừa thương hiệu Đông Nguyên vốn đã quá nổi tiếng ở TP.HCM. Anh ký hợp đồng xây dựng với công ty tôi và chúng tôi thành bạn bè.
Vinh đầu tư nhà hàng theo mô hình hiện đại nước ngoài, từ khâu bếp, xử lý mùi, xử lý nước thải... cho đến đội ngũ quản lý và nhân viên được đào tạo bài bản. Nhà hàng vận hành được vài tháng, chỉ vừa kịp quen việc thì dịch bùng lên. Dịch vụ ăn uống bị đóng cửa đầu tiên.
Nghĩ chắc chỉ hai tuần hay chậm lắm là một tháng sẽ ổn, một số nhân viên được bố trí bám trụ chờ ngày bán lại.
Nào ngờ đợt dịch thứ tư dữ dội quá, Vinh không thể thu mình ngồi yên. Nhà hàng Đông Nguyên mở bếp, nấu những phần cơm thật ngon chuyển đến tuyến đầu, phục vụ y bác sĩ đang ngày đêm cắm trại chống dịch.
Bốn tháng liền không có doanh thu, nhà hàng vẫn hoạt động hết công suất, bếp đỏ lửa liên tục mỗi ngày 700 - 800 phần cơm. Mỗi khi tôi hỏi thăm "Ổn không anh?", Vinh cười bảo: "Làm được gì thì làm".
Ngày Đông Nguyên mở cửa trở lại, giấu nỗi lo lắng trong nụ cười, anh khoe với tôi bằng khen hoạt động nấu cơm thiện nguyện của Đông Nguyên, anh tặng thưởng những nhân viên kiên trì bám trụ suốt mùa dịch.
Mất mát bao nhiêu tiền không làm nụ cười trên gương mặt Vinh bớt tươi vui, hào hứng trở lại như ngày mới khai trương.
Bác sĩ Cao Xuân Minh - giám đốc phòng khám đa khoa Ngọc Minh - luôn bận rộn. Là bác sĩ, anh lúc nào cũng giữ thái độ lạc quan tích cực, thường xuyên tư vấn hỗ trợ cho mọi người các vấn đề về y tế.
Thành phố tổ chức tiêm vắc xin, anh đăng ký phòng khám của mình thành những đội tiêm vắc xin tình nguyện ở các quận 6, 11, Bình Tân.
Hơn 40 nhân viên y tế của Ngọc Minh chưa nghỉ ngày nào kể từ lúc bắt đầu: huấn luyện, chuẩn bị, tổ chức điểm tiêm, vận chuyển vắc xin, phối hợp tổ chức khám sàng lọc, tiêm và theo dõi sức khỏe sau tiêm..., tất cả đều tự nguyện.
Tôi tham gia cung cấp suất ăn trưa miễn phí từ bếp Cà Mèn của Nhật Thuận đến đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu và dành riêng 45 phần cơm trưa cho đội ngũ của Ngọc Minh.
Mỗi khi gặp bác sĩ Minh, dù rất lạc quan và tích cực nhưng anh tỉnh táo khi nhìn nhận về tình hình dịch bệnh. Đội ngũ y tế tình nguyện của Ngọc Minh làm việc miệt mài, chu đáo, không quản khó khăn để ngày đêm tham gia phủ vắc xin cho thành phố.
Họ làm việc cho đến ngày lệnh giãn cách được dỡ bỏ và lại tiếp tục quay lại công việc thường nhật của phòng khám. Tôi hỏi bác sĩ Minh: "Mấy tháng không doanh thu mà anh đưa hết nhân lực vật lực đi phủ vắc xin như vậy có lỗ nhiều không?", anh lại cười: "Thành phố thiệt hại nhiều quá, cả con người lẫn kinh tế, mình phải làm hết sức. Còn người là còn tất cả".
Tác giả ĐÀM HÀ PHÚ
Đứng lên - Đi tiếp
Tôi cũng vậy, Công ty xây dựng Không Gian Đẹp của tôi có bốn văn phòng, một nhà máy nội thất với tổng cộng hơn trăm nhân sự.
Chúng tôi bắt đầu đóng cửa từ đầu tháng 7, tất cả các công trình đang thi công đều phải tạm ngưng, hàng trăm công nhân mắc kẹt trong công trình không thể về quê hay đi đâu được. Chúng tôi tổ chức các đội cung cấp nhu yếu phẩm cho họ, vận động công nhân tiêm vắc xin để sớm được hoạt động.
Chúng tôi có một nhóm tình nguyện gọi là "Chợ Lạc Xoong". Mỗi ngày chúng tôi phát hàng ngàn phần thực phẩm, nhu yếu phẩm đến bà con khó khăn trong những khu cách ly, phong tỏa. Xe của tôi thành xe chở hàng, đầy mùi nước tương, nước mắm, rau củ...
Lúc đó thực sự tôi cũng không biết liệu dịch sẽ kéo dài bao lâu và thiệt hại tới đâu nữa, chỉ biết làm những gì có thể để cố gắng tồn tại và góp chút sức cùng thành phố chiến đấu với đại dịch.
Rồi ngày trở lại cũng đến, nhưng ngành xây dựng của tôi là ngành dịch vụ sau cùng, nên ngoài những công việc dang dở thì chúng tôi không có nhiều hợp đồng, chi phí vẫn như cũ, thậm chí còn tăng lên.
Để duy trì hoạt động, chúng tôi phải tính toán lại quy mô, hình thức nhằm tiết kiệm chi phí, tìm thêm doanh thu khác cho nhân viên.
Khi được hỏi về nỗ lực trở lại sau đại dịch, Lê Tấn Hùng - giám đốc một doanh nghiệp bao bì - cười qua điện thoại: "Còn thở là còn gỡ nha anh".
Tất cả chúng tôi - Vinh, bác sĩ Minh, tôi, Hùng, Thuận và rất rất nhiều doanh nhân khác nữa - đều cười và thống nhất với nhau: chọn đứng lên và đi tiếp. Sau lưng chúng tôi còn cả chục, cả trăm người lao động.
Trở lại nhịp sống hối hả thường nhật, dù bóng ma dịch bệnh vẫn còn, nhưng thành phố chúng ta phải vươn mình đứng dậy, mạnh mẽ như đã từng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận