05/08/2020 14:25 GMT+7

'Con thèm học, thèm chơi, nhưng thôi ráng bán vé số phụ mẹ đã'

MỘC LAM
MỘC LAM

TTO - Trưa. Nắng gắt gỏng. Ngô Quốc Thống (học sinh lớp 5 Trường tiểu học số 1 Hòa Phú, H.Tây Hòa, Phú Yên) tay cầm xấp vé số rảo bước dọc đường Hồ Xuân Hương (Q.3, TP.HCM).

Con thèm học, thèm chơi, nhưng thôi ráng bán vé số phụ mẹ đã - Ảnh 1.

Hai mẹ con chị Chiến và Thuận hằng ngày mưu sinh bằng việc bán vé số - Ảnh: M.L.

Cứ thấy đông người là Thống ghé lại. "Chú ơi, chú mua vé số giúp cháu đi chú", "Cô ơi, cô mua giúp con tờ vé số nghen cô".

Có người móc ví ra mua. Có người xua tay từ chối. Nét mặt của cậu bé 11 tuổi này, theo đó, có lúc nhoẻn cười, có lúc buồn thiu.

Những lúc con đi qua các trường học, con thấy thèm đi học thôi. Nhưng con không biết bao giờ được đi học lại.

Như Hồng Thanh Thuận

"Cha mẹ con cực quá"

Thống kể không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu được vào TP.HCM. "Chắc 5 hay 6 lần gì đó. Vì cứ hễ hè là vô đây bán vé số với mẹ. Mẹ cháu bán vé số trong này được 10 năm rồi. Mỗi lần cháu vô được vài tháng, nhưng chỉ đi bán vé số thôi chứ không có đi chơi đâu cả", Thống nói.

Thống không phải là ngoại lệ. Bởi những đứa trẻ như Thống, hè là vào thành phố để mưu sinh, có rất nhiều. Vì lẽ đó mà vào lúc hè chưa đến, tuyến đường Hồ Xuân Hương hay các nẻo đường khác ở TP.HCM không nhiều trẻ em bán vé số. Đến thời điểm này, hằng ngày, những tiếng rao "vé số đây!", những lời mời mọc "mua vé số giùm con" xuất hiện rất nhiều.

Đồng hương với Thống là Nguyễn Đình Phú (học sinh lớp 7 Trường THCS Trường Chinh, H.Đông Hòa, Phú Yên). Phú 13 tuổi mà người nhỏ thó, gầy gò. Phú cũng "được" vào TP.HCM để phụ gia đình kiếm thêm bằng việc bán vé số.

"Cha mẹ con cực quá. Cha mẹ con cũng bán vé số trong này. Bán lâu lắm rồi. Nên hè là con vào bán cùng. Bán được tờ nào hay tờ đó. Có thêm vài đồng để cha mẹ con trang trải chi phí trong này". Lời Phú tâm sự đầy tràn những lo lắng cho gia đình, biết thương cha mẹ, đã khiến người nghe không thể cầm lòng, không thể không mua giúp.

Mỗi ngày "lội bộ" 15, 20km

Trong nhóm "vé số đây" còn có cả những đứa trẻ từ Sóc Trăng, Vĩnh Long, Quảng Ngãi, Bình Định... Nếu như Phú, Thống chỉ bán vé số khi hè sang, thì nhiều trường hợp đã nghỉ học hẳn.

Như Hồng Thanh Thuận (7 tuổi, ở H.Kế Sách, Sóc Trăng) được mẹ dẫn theo đi bán vé số hơn một năm. Thuận khoe: "Con rành rẽ hết các con đường ở Q.3".

Lâm Văn Vũ (11 tuổi, ở Mang Thít, Vĩnh Long) nghỉ học từ một năm nay. Bà Trương Thị Bảy (39 tuổi), mẹ Vũ, kể lại: "Nhà ở quê nghèo quá, nên lúc Vũ vừa xong lớp 2, hai vợ chồng quyết định cho con ở lại đây đi bán vé số kiếm ăn luôn".

Trần Tấn Khôi (ở H.Long Phú, Sóc Trăng) dẫu mới 9 tuổi nhưng đã có "thâm niên" bán vé số được gần 4 năm. Theo mẹ mưu sinh, Khôi không được đến trường. Lúc còn nhỏ, Khôi được mẹ bế đi cùng. 2 năm nay, cậu bé tự đi bán.

"Hai mẹ con cháu ở trọ trên đường Bàn Cờ. Đợt đầu đi bán không có mẹ, cháu bị lạc đường hoài. Có khi lạc tới... vòng xoay Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh). Cháu khóc ré lên, nên người ta hỏi thăm rồi dẫn cháu về được. Còn bây giờ, cháu rành đường lắm rồi chú ơi. Thả cháu ở đâu cháu cũng biết đường về nhà trọ", Khôi khoe.

Vũ tâm sự, hầu như tuyến đường nào ở Q.3 và Q.10 Vũ cũng đã từng ít nhất một lần đi qua. "Mỗi ngày được giao cho 200 tờ vé số. Cứ mỗi tờ bán được lời 1.000 đồng. Nhưng chưa hôm nào hết. Có ngày đi mỏi chân luôn, dạo từ Q.3 tuốt qua Q.1, dạo ngược về Q.10 mới được 100 tờ. Phải chịu khó đi nhiều thì mới may ra bán hết chú ạ", Vũ nói.

Còn Phú thì nhẩm đếm: "Tụi con đi bán từ 6h30 sáng, tới trưa về nhà trọ ăn cơm. Rồi đi bán tiếp đến 8h tối. Chắc mỗi ngày tụi con lội bộ cũng 15, 20km đó chú".

Mẹ của Thuận, chị Thạch Thảo Chiến (43 tuổi), cho biết gia đình cực quá, hai vợ chồng bám trụ ở thành phố này đã 5 năm. Chồng chạy xe ôm, còn chị "thủy chung" với nghề bán vé số. Hằng ngày, chị đi bộ khắp nơi với mong muốn xấp vé trên tay vơi dần. 

"Có Thuận đi bán cùng, cũng đỡ lắm, người ta thấy thương nên mua nhiều, vé số bán ra được gấp đôi", chị Chiến tâm sự.

Những ước mơ giản đơn

Hỏi ước mơ lớn nhất là gì? Thuận bảo: "Những lúc con đi qua các trường học, con thấy thèm đi học thôi. Nhưng con không biết bao giờ được đi học lại".

Vũ bảo muốn quay lại trường. Vũ nhớ lại, cách đây nửa năm, đã từng bị giật túi xách có 40 tờ vé số và 150.000 đồng trên đường Ngô Thời Nhiệm. Đêm đó, cả nhà Vũ nhịn đói. Thời điểm đấy, Vũ muốn xin cha mẹ về quê đi học lại.

Nhưng rồi cậu bé này nhận ra: "Mà không được, bây giờ con phải phụ giúp cha mẹ đã. Ba bệnh, không có làm gì được. Một mình mẹ bán, mỗi ngày được 100 tờ thôi. Có con bán cùng, thêm 100 tờ nữa, cũng có thêm tiền trả tiền nhà trọ, tiền ăn với lo cho ba". Để rồi giờ đây, Vũ có những người bạn mới, hằng ngày cùng nhau bán vé số trên khắp các nẻo đường.

Còn Phú thì chia sẻ, nhiều lúc thấy bạn cùng trang lứa ở TP.HCM đi chơi bóng rổ ở nhà thi đấu Hồ Xuân Hương: "Nhìn vào, con thấy thích lắm. Trong khi con đi bán vé số, nghĩ cũng tủi thân. Nhưng giờ con ráng bán vé số phụ mẹ đã. Rồi sau này, có điều kiện con sẽ chơi trò đó".

Thống thì không ước mơ gì lớn lao. Thống bảo: "Con mong ngày nào cũng bán hết vé số cho mẹ con vui là được rồi".

Nói xong, cả nhóm vội vàng rời đi. Mỗi đứa mỗi hướng. Những lời rao "vé số đây" lại vang vọng khắp khu phố...

Phơi mình mưu sinh lam lũ dưới trời nắng thiêu đốt 40 độ ở Hà Nội Phơi mình mưu sinh lam lũ dưới trời nắng thiêu đốt 40 độ ở Hà Nội

TTO - Dưới cái nắng gần 40 độ C, thời tiết Hà Nội nóng như đổ lửa. Thợ điện, công nhân, người bán hàng rong, thu mua phế liệu... vẫn lam lũ làm việc dưới cái nắng rát da.

MỘC LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên