Cẩu Tinh (bìa trái) trong bức ảnh chụp từ nhiều năm trước - Ảnh: CCTV
Trang Trung Quốc Nhật Báo ngày 27-6 tường thuật câu chuyện gần đây một phụ nữ đến từ tỉnh Sơn Đông đăng lên mạng xã hội cho biết cách đây nhiều năm, cô đã bị con gái của giáo viên chủ nhiệm lớp 12 mạo danh để được nhận vào một trường đại học.
Người phụ nữ tên Cẩu Tinh (một họ rất hiếm ở Trung Quốc) đến từ quận Nhiệm Thành thuộc thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông. Đầu tuần này, Cẩu Tinh cho biết cô đã bị mạo danh hai năm liên tiếp trong các kỳ thi đầu vào đại học năm 1997 và 1998.
Cẩu Tinh cho biết mãi đến năm 2002, cô mới nhận ra rằng có thể ai đó đã sử dụng các thông tin của cô để được nhập học, sau khi cô biết tin một người khác trùng cả tên và quê quán với cô đang theo học tại một trường đại học ở Bắc Kinh lúc đó.
Bởi vì họ Cẩu rất hiếm nên người phụ nữ này bắt đầu đặt nghi vấn có người đã mạo danh cô. Đến năm 2003, bất ngờ Cẩu Tinh nhận được một bức thư "sám hối" từ giáo viên chủ nhiệm của cô.
Giáo viên này viết: "Con gái của thầy không thông minh được như em, nên thầy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc để con gái thầy thay thế vị trí của em tại đại học năm 1997. Là một nhà giáo, thầy biết những gì thầy làm là trái đạo đức nhưng thầy hi vọng em có thể tha thứ cho thầy".
Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của Cẩu Tinh - Ảnh: CCTV
Cẩu Tinh cho biết lúc nhận được lá thư này, cô đã kết hôn và có một đứa con gái. Cẩu Tinh và cha mẹ cô đã không truy cứu chuyện cũ. Người phụ nữ này cho biết trong lòng cô không được dễ chịu, nhưng lúc đó không còn cách nào để lật ngược tình thế.
Nhiều năm sau đó, Cẩu Tinh đã chọn cách không nhắc đến chuyện này. Còn về câu chuyện thi đại học năm 1998 thì không rõ thực hư ra sao. Cẩu Tinh chỉ nói rằng cô thi lần hai và đạt được kết quả cao nhưng vẫn không được cho nhập học.
Tuy nhiên mọi chuyện thay đổi vào tháng 6 năm nay, khi Trần Xuân Tú - con gái của một nông dân ở huyện Quan (cũng thuộc tỉnh Sơn Đông) - bị một người khác mạo danh để vào đại học.
Vụ việc gây phẫn nộ dư luận của cô gái này đã tạo động lực để Cẩu Tinh tiết lộ về trường hợp của mình. Và cô đã quyết định đăng lên mạng xã hội những gì đã diễn ra cách đây 23 năm.
"Tôi không cố làm tổn thương thầy giáo của mình, mà là để sửa chữa những sai lầm tương tự. Tôi không cần lời xin lỗi hay sự bồi thường nào. Tôi chỉ muốn tìm ra sự thật" - Cẩu Tinh chia sẻ.
Trang Tân Kinh Báo tường thuật sau khi vụ việc trên gây sự chú ý của dư luận, giáo viên chủ nhiệm của Cẩu Tinh - ông Khưu, giờ đã 80 tuổi - đã đến gặp gia đình cô ở Sơn Đông, mang theo quà cáp và số tiền mặt 10.000 nhân dân tệ (hơn 32 triệu đồng).
Tuy nhiên, ông đã bị từ chối hòa giải. Sau đó, ông cùng một vài người đàn ông khác tìm đến nơi làm việc của Cẩu Tinh ở tỉnh Chiết Giang (cách Sơn Đông hơn 700km) với hi vọng được gặp cô. Nhưng Cẩu Tinh đã từ chối gặp ông.
Nhà của Cẩu Tinh ở thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc - Ảnh: Sina
Trang Thời báo Hoàn Cầu cho biết vụ việc đã gây làn sóng lo ngại của công chúng. Người dùng mạng Trung Quốc thúc giục chính quyền các địa phương tìm ra sự thật và trừng phạt những người đã vi phạm sự công bằng của các kỳ thi đầu vào đại học.
Hôm 24-6, chính quyền quận Nhiệm Thành thuộc thành phố Tế Ninh đã phát một thông báo cho biết các cơ quan liên quan đã lập một đội điều tra chung và đã liên hệ với Cẩu Tinh để điều tra vụ việc. Kết quả điều tra sẽ được công bố sớm.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), Sở Giáo dục tỉnh Sơn Đông đã phát hiện 242 người bị nghi mạo danh để được vào học tại các trường đại học trong giai đoạn 2002-2009.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận