27/06/2018 15:51 GMT+7

'Con tàu miền Tây' ra khơi

TRẦN HỮU HIỆP
TRẦN HỮU HIỆP

TTO - Địa hình Tây Nam Bộ như một con tàu 3 mặt giáp biển với bờ biển dài 750 km, chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước, hơn 360 ngàn km2 vùng ven biển và đặc quyền kinh tế, có gần 200 đảo và quần đảo.

Con tàu miền Tây ra khơi - Ảnh 1.

Ngư dân ở Phú Quốc (Kiên Giang) sau chuyến ra khơi. Ảnh: CHÍ QUỐC

Địa hình Tây Nam Bộ như một con tàu 3 mặt giáp biển với bờ biển dài 750 km, chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước, hơn 360 ngàn km2 vùng ven biển và đặc quyền kinh tế, có gần 200 đảo và quần đảo.

Không gian phát triển của vùng không chỉ bó hẹp trong đất liền, cần được mở ra không gian biển rộng lớn hơn, kết nối với ASEAN năng động 600 triệu dân. Trong đó, Tây Nam Bộ chính là tâm điểm của vòng tròn bán kính 500 km nối liền các thành phố lớn trong khu vực. 

Ngoài biển Đông, vùng này còn có tiềm năng kinh tế biển Tây, điều kiện tự nhiên thuận lợi, không bị gió bão, có đảo ngọc Phú Quốc gắn với vịnh Thái Lan, tạo ra thế địa kinh tế - quốc phòng quan trọng.

Hướng ra biển mở cánh cửa phát triển mới, là bước chuyển dịch căn bản cơ cấu kinh tế vùng, vượt qua cái bóng của nông nghiệp lúa nước truyền thống từ bao đời nay.

Trong thực tế, vùng đất này không chỉ là một trung tâm nông nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, mà còn có tiềm năng kinh tế biển to lớn. 

Các ngành đánh bắt, nuôi thủy sản, ngành công nghiệp với cụm khí – điện – đạm Cà Mau, đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn dài 400 km, cụm cảng biển 6 được đầu tư. Gần đây, miền Tây trở thành nơi có nhiều dự án điện gió nhất nước, mở ra hướng đi mới cho ngành năng lượng sạch.

Tuy nhiên, là "mũi tàu vươn ra biển", Tây Nam Bộ đang chịu nhiều "sóng gió" gây tổn thương. Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở ven biển nghiêm trọng tạo ra cảnh "biển ăn, người chạy, biển tiến, người lùi". 

Cùng với nó là những thách thức phải vượt qua trong tư duy tiếp cận phát triển kinh tế biển, dựa vào cách làm kinh tế nông nghiệp truyền thống lâu nay. Các yêu cầu về qui hoạch biển, tổ chức không gian phát triển và đầu tư chiều sâu cho "Con tàu vươn khơi" còn nhiều hạn chế. 

Các ngành kinh tế biển như dầu khí, khoáng sản, khai thác năng lượng ngoài khơi, đánh bắt xa bờ, công nghiệp chế tạo, công trình biển, dịch vụ, vận tải, nghiên cứu khoa học biển và giáo dục, đào tạo chuyên ngành biển cho vùng Tây Nam Bộ chưa phát triển.

Chiến lược nào cho kinh tế biển xanh? Phát triển kinh tế biển vùng Tây Nam Bộ cần sự tiếp cận chuỗi - hệ thống tổng thể và thể chế, chính sách. Cần một chiến lược tổng thể vùng, tổ chức triển khai một cách đồng bộ, từ chất lượng và hiệu quả đầu tư, hợp tác quốc tế, vấn đề chủ quyền, đảm bảo quốc phòng – an ninh, tăng cường liên kết vùng, liên kết chính quyền, doanh nghiệp và thị trường. 

Tây Nam Bộ xứng đáng và phải là vùng đất mạnh về biển, làm giàu từ biển để đảm bảo hải trình vững chắc của "Con tàu biển miền Tây".

TRẦN HỮU HIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên