14/09/2024 09:56 GMT+7

Còn nhiều thách thức trong quản lý, giám sát bảo trợ, trợ giúp xã hội

79 cơ sở bảo trợ xã hội hiện đang chăm lo gần 9.700 người tại TP.HCM, trở thành bệ đỡ cho những người yếu thế, kém may mắn, đặc biệt ưu tiên cho trẻ em. Tuy vậy, hệ thống này cũng đặt ra không ít thách thức cho TP.HCM trong việc quản lý, giám sát.

Lớn lên từ tình thương mái ấm: Bệ đỡ cho trẻ em mồ côi, cơ nhỡ - Ảnh 1.

Trẻ em từ mái ấm Hoa Hồng đang được chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình - Ảnh: VŨ THỦY

Chia sẻ về công tác chăm sóc, bảo trợ trẻ em, ông LÊ VĂN THINH - giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM - cho biết: "Là TP lớn với gần 2 triệu trẻ em, trong đó gần 10.000 em là trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cùng hơn 25.500 trẻ có nguy cơ. Các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang đồng hành, choàng gánh cho nhau để nuôi dưỡng các em".

Bảo trợ xã hội hiểu là sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, xã hội, cộng đồng gồm các biện pháp bảo vệ, trợ giúp với người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, yếu thế. Nguyên tắc là phải kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch theo mức độ khó khăn, ưu tiên tại gia đình, cộng đồng, nơi sinh sống của họ.
Ông LÊ VĂN THINH

Xã hội hóa để thêm nguồn lực chăm lo

* Hệ thống bảo trợ xã hội chăm lo cho trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, người yếu thế tại TP.HCM được vận hành như thế nào, thưa ông?

- TP hiện có 79 cơ sở trợ giúp xã hội đang chăm sóc, trợ giúp cho khoảng 9.700 trẻ em, phụ nữ, người già thuộc đối tượng cần trợ giúp. Có 63 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, trong đó TP quản lý 21 cơ sở và quận huyện quản lý 42 cơ sở hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng gần 3.200 người.

Số lượng cơ sở công lập tuy ít hơn, chỉ với 16 cơ sở nhưng lại đang chăm lo, nuôi dưỡng khoảng 6.500 người, tương đương 68% tổng số trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, người yếu thế cần trợ giúp.

Điều này cho thấy TP tăng cường xã hội hóa các nguồn lực cho hoạt động trợ giúp xã hội, khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia, đóng góp vào công tác này. Mặt khác, Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động bảo trợ nhằm đảm bảo tính bền vững.

* Số lượng trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi tại TP.HCM khá lớn liệu có quá tải trong hoạt động bảo trợ, trợ giúp xã hội?

- Sự tham gia của cộng đồng, cá nhân, tổ chức trong việc chăm lo, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ bên cạnh vai trò của Nhà nước là rất đáng trân trọng và ghi nhận. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo trợ, trợ giúp xã hội.

Thời gian qua, sở tổ chức giao ban định kỳ sáu tháng, hướng dẫn kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở, đồng thời tham mưu với TP ban các quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục; ban hành quy định về thực hiện kiểm soát nội bộ trong phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.

Nhưng như đã nói, tình trạng bạo hành trẻ em vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tại cộng đồng với đa dạng hình thức, khó lường, phương thức và thủ đoạn tinh vi, phạm vi mở rộng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây bất bình, phẫn nộ trong cộng đồng.

Lớn lên từ tình thương mái ấm: Bệ đỡ cho trẻ em mồ côi, cơ nhỡ - Ảnh 3.

Trẻ ở các mái ấm tại TP.HCM được tham gia liên hoan, vui chơi đón năm mới - Ảnh: Q.L.

Xử lý kiên quyết, triệt để cơ sở vi phạm

* Bài toán áp lực trong thực tiễn hoạt động đã và đang được giải như thế nào?

- Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp quận huyện, rồi phường xã thường xuyên thay đổi, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực nên đôi khi có quá tải trong công việc. Thực tế có ảnh hưởng đến công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thông tin, số liệu, dữ liệu về trẻ em, còn lúng túng trong quá trình can thiệp, hỗ trợ các trường hợp trẻ bị xâm hại, bạo lực.

Thực tiễn hiện nay một số cơ sở trợ giúp ngoài công lập gặp các vấn đề liên quan đến cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng chưa đúng chức năng, nhiệm vụ. Cả quy chế giám sát nội bộ phòng chống xâm hại, bạo lực tại một số cơ sở ngoài công lập chưa được người đứng đầu quan tâm, thực hiện thường xuyên.

Điều này rất cần giải pháp bền vững hơn về nhân sự, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở cũng như cần có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để các hành vi vi phạm tại cơ sở.

* Ông cho rằng đâu là tinh thần quan trọng nhất đối với hoạt động trợ giúp các đối tượng yếu thế?

- TP nhất quán theo chủ trương "Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nuôi dưỡng, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội" của Chính phủ. Điều này thể hiện qua con số cơ sở ngoài công lập nhiều hơn gấp bốn lần so với cơ sở công lập hiện có tại TP.HCM.

Tất cả được thành lập để cùng chăm lo, trợ giúp cho người yếu thế, trẻ mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn không nơi nương tựa. Có những cơ sở cung cấp các dịch vụ chăm sóc theo hợp đồng ủy nhiệm, còn lại đa số cơ sở đều thực hiện trợ giúp miễn phí.

Dĩ nhiên các cơ sở đều phải đảm bảo chấp hành quy định pháp luật về hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội, đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, an ninh trật tự, diện tích phòng ở, trang thiết bị phù hợp... Đặc biệt, quy định hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội nghiêm cấm lợi dụng việc thành lập cơ sở để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như ép buộc lao động, đánh đập, bạo hành.

Mái ấm Hoa Hồng là trường hợp cá biệt, không mong muốn

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Thinh nói trường hợp như mái ấm Hoa Hồng là cá biệt, không mong muốn. Nhưng qua vụ việc tại mái ấm Hoa Hồng cũng như nhiều sự vụ khác về trẻ em cho thấy vai trò, ý thức của người đứng đầu các cơ sở, chủ các cơ sở rất quan trọng.

"Sở đã và sẽ họp giao ban đối với các cơ sở trợ giúp xã hội công lập, ngoài công lập. Đồng thời triển khai tập huấn, hướng dẫn cho lãnh đạo và cán bộ tại các cơ sở trợ giúp ngoài công lập nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu" - ông Thinh nói.

Đồng thời sắp tới sở cũng phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Qua đó đề nghị các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác rà soát, giám sát hoạt động của các cơ sở và thường xuyên cập nhật báo cáo về sở cả thường kỳ và đột xuất để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.

Lớn lên từ tình thương mái ấm: Bệ đỡ cho trẻ em mồ côi, cơ nhỡ - Ảnh 4.Lớn lên từ tình thương mái ấm: Gia đình thứ hai đi vào đời

Lớn lên bởi hơi ấm "người dưng", bà Tâm hiểu sự thiệt thòi của đứa trẻ không được ở gần cha mẹ. Bà càng hiểu sự cưu mang quý giá nhường nào với một đứa trẻ mồ côi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên