18/01/2020 06:59 GMT+7

Con nghỉ tết sớm, cha mẹ rối bời

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Từ ngày 18-1, ở TP.HCM và nhiều nơi trên cả nước, học sinh bắt đầu nghỉ tết. Ngược với những niềm vui háo hức của con là những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh vì con nghỉ nhưng cha mẹ vẫn đi làm.

Con nghỉ tết sớm, cha mẹ rối bời - Ảnh 1.

Các em học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM) vui chơi hội xuân trong ngày học cuối - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Tìm dịch vụ gửi con, đưa về gửi ông bà, đưa con đến chỗ làm, gửi "nóng" cho cô giáo, cho bảo mẫu hay liều để con ở nhà rồi theo dõi qua camera... là những cách phụ huynh trông con ngày cuối năm.

Năm nào cũng vậy, học trò nghỉ tết là dịp để tôi "dạy" thêm tại nhà. Thường tôi trông quản 5-10 em, vừa giúp phụ huynh vừa có thêm thu nhập. Sáng phụ huynh đưa đến, 6h chiều đón về. Những ngày cận tết mà gửi "nóng" nên tôi lấy phí 500.000 đồng/ngày.

Cô T.N. (bảo mẫu Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1, TP.HCM)

"Mấy tôi cũng theo!"

Ngày 17-1, các trường ở TP.HCM tổ chức ngày học cuối trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Ngày cuối, hầu hết các lớp chỉ học 1 buổi. Sau khi liên hoan chia tay lớp, phụ huynh đón các em ra về để nghỉ tết sớm và nghỉ dài đến 15-16 ngày.

11h, tại Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1, TP.HCM), đợi con trước cổng giữa cái nắng oi oi, nhiều phụ huynh không giấu sự lo lắng khi được hỏi về việc trông, quản con khi nghỉ tết sớm. Chị Bùi Ánh Nguyệt (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), có con học lớp 1/3, làm công ty nước ngoài có trụ sở ở Q.1. Năm nào công ty chị cũng làm đến hết ngày 28 tết, nên với chị sợ nhất là lúc... con nghỉ tết.

"Năm nay tôi nắm lịch nghỉ tết của con rất sớm để mình chủ động. Nhưng người tính không bằng trời tính, những năm trước tôi gửi con cho trường mầm non cũ con đã theo học, nhưng cô giáo vừa nghỉ thai sản. Giúp việc theo giờ thì không có chuyên môn. Nên mấy hôm nay cả nhà như ngồi trên lửa. Giờ mà ở đâu vẽ trò cho con kín lịch, mấy tôi cũng theo".

Việc con nghỉ học trong khi cha mẹ còn đi làm kéo theo nhiều chuyện dở khóc dở cười. Chẳng hạn, chuyện trông con của vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tân (Q.Tân Bình, TP.HCM) có con học lớp 2 Trường tiểu học Lạc Long Quân. Làm ở Khu công nghiệp Tân Bình, ngày 29 tết vợ chồng anh mới được nghỉ. Với anh, cuộc sống sinh hoạt của nhà anh từ nay đến tết như "ngàn cân treo sợi tóc". 

Anh chia sẻ: "Làm công ty thì chỉ mong cuối năm để thưởng tết. Đùng phát con nghỉ mình nghỉ theo thì bao công sức phấn đấu lao động năm qua coi như cũng đổ sông đổ biển. Mấy năm trước bà nội còn thì nhờ bà, năm nay vợ chồng chới với đến tối qua cãi nhau vì ai cũng không muốn mất thưởng. Giờ tôi căng đầu chưa biết mai gửi con ở đâu".

Trường phải nghỉ tết đúng theo quy định

Lịch nghỉ tết các trường đều áp dụng theo văn bản phòng GD-ĐT ban hành. Mặc dù có nhiều phụ huynh rất hoàn cảnh, nhưng việc "du di" thêm ngày nghỉ hay "khoán trắng" rồi thêm công phí cho các thầy cô ở trường là chuyện không xảy ra vì trường phải nghỉ tết đúng theo quy định.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.Tân Phú cho biết chưa bao giờ có chuyện phòng thông báo nghỉ mà trường nấn ná thêm một hai hôm. "Bao nhiêu em học sinh, bao nhiêu gia đình, bao nhiêu hoàn cảnh... thầy cô hiểu hết nhưng cũng chịu vì phải theo quy định. Chuyện phụ huynh chở con đến nhà gửi cho bảo mẫu trường không ngăn cấm, các bảo mẫu nhận giúp được thì quá tốt" - vị này nói.

Trong khi đó, theo cô Trần Bé Hồng Hạnh - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1), trong cuộc họp phụ huynh tuần trước, không có phụ huynh nào yêu cầu trường hỗ trợ quản trông học sinh. "Đến giờ này chưa có phụ huynh đề nghị trường hỗ trợ, nếu có thì theo số đông trường cũng sẽ tính phương án" - cô Hạnh nói.

Còn thầy Đinh Hữu Đắc, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3), thẳng thắn thông tin rằng nghỉ tết thì phụ huynh phải lo việc trông quản các em, trường không liên quan, không có dịch vụ chăm giữ học sinh.

Khác với trước đây, vài năm nay các cô ở các trường đều không nhận giữ trẻ thêm ngày cận tết. Cô Bùi Thị Ngọc Hà - nguyên hiệu trưởng Trường Mầm non 4, Q.3 - cho biết dù thấu hiểu cha mẹ có con học mẫu giáo, mầm non rất cực khi loay hoay tìm con gửi tết nhưng trường vẫn không nhận. 

"Những năm trước và năm rồi trường không nhận thêm sau khi các bé có lịch nghỉ tết chính thức. Cả năm trời các cô làm việc vất vả, nhọc rồi nên ai cũng mong được nghỉ tết sớm theo các con. Hơn nữa, giáo viên trường toàn là người ở tỉnh, nên các cô đều về quê" - cô Hà thông tin.

Sân trường đỏ lửa nấu bánh chưng tặng bạn nghèo

Cận Tết Canh Tý, nhiều trường học ở Nghệ An đỏ lửa khi học sinh, thầy cô cùng nấu bánh chưng tặng gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn đón một cái tết đầm ấm hơn.

naubanhchung_doanhoa1 2(read-only)

Các học sinh Trường THPT Anh Sơn 2, huyện Anh Sơn, Nghệ An nấu bánh chưng tặng học sinh nghèo - Ảnh: D.HÒA

Sân Trường THPT Anh Sơn 2, huyện Anh Sơn (Nghệ An) rộn ràng hơn thường lệ bởi các học sinh cùng tham gia hội thi "Gói bánh chưng xanh - Ấm tình ngày Tết". Điều đặc biệt ở cuộc thi này là toàn bộ bánh chưng được làm ra để dành tặng gia đình các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Để chuẩn bị cho cuộc thi, các nguyên liệu như gạo nếp, lá dong, đậu xanh, thịt heo... đều được các học sinh chọn mua từ ngày trước.

Các bạn nam xắn tay chẻ lạt buộc, rửa lá dong, còn các bạn nữ nhận nhiệm vụ ngâm gạo, thái thịt làm nhân bánh. Không khí ngày tết như đến gần hơn khi các lớp còn trang trí thêm cành đào, cây quất, câu đối. Dưới bàn tay khéo léo của các học sinh, những chiếc bánh chưng, bánh tét đậm đà hương vị tết được trình bày rất đẹp mắt.

Sau khi gói bánh chưng, cả thầy và trò đỏ lửa nấu bánh suốt đêm để kịp trao cho gia đình các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sân trường trở thành một khu bếp "dã chiến", những nồi bánh đỏ lửa suốt đêm.

naubanhchung_doanhoa5 3(read-only)

Các học sinh Trường THPT Anh Sơn 2, huyện Anh Sơn, Nghệ An nấu bánh chưng tặng học sinh nghèo - Ảnh: D.HÒA

Thức trắng đêm canh lửa để nấu bánh chưng, thầy Phạm Hữu Toàn - bí thư Đoàn Trường THPT Anh Sơn 2 - chia sẻ đây là năm thứ 5 liên tiếp Đoàn trường phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức cho các lớp thi gói bánh có ý nghĩa rất thiết thực, vừa để giáo dục kỹ năng sống, giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mỗi dịp tết cổ truyền vừa giúp đỡ các gia đình học sinh khó khăn.

Bạn Phạm Thị Thảo - học sinh lớp 10A3, ngụ xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn - mồ côi cả cha và mẹ từ nhỏ. Mỗi dịp tết đến xuân về, Thảo lại nhớ tết xưa khi còn cha mẹ bên cạnh. Nhận hai cặp bánh chưng, Thảo xúc động: "Tết này em rất vui vì nhận được phần quà là chiếc bánh chưng từ các bạn cùng trường".

Không riêng gì Trường THPT Anh Sơn 2, ở nhiều trường học khác thuộc các huyện miền núi Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong... các thầy cô giáo cũng góp ngày lương để lo tết cho học sinh nghèo bằng những phần quà tết nhỏ nhưng ấm áp tình cảm thầy trò.

DOÃN HÒA

Học mà không học

"Con nghỉ tết, cha mẹ vẫn đi làm nên gần đây phụ huynh hay chọn các dịch vụ ở các trường ngoại khóa, theo kiểu đi học nhưng không phải đi học. Ở đó có các chương trình hoạt động được tổ chức chủ yếu vào khoảng thời gian lệch nhau giữa cha mẹ và con cái, để cha mẹ yên tâm bố trí quỹ thời gian.

Tết thì trường ngoại khóa có lịch "học" dày đặc đến 28 tết. Các con sẽ học khóa tết như tết khám phá, tết san sẻ, tết sáng tạo... Chi phí tham dự khoảng 300.000 đồng/buổi ngoại khóa" - cô Xuân, giáo viên một trường ngoại khóa ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM, thông tin.

Nghỉ tết dài ngày, bạn làm gì để con không cắm mặt vô điện thoại? Nghỉ tết dài ngày, bạn làm gì để con không cắm mặt vô điện thoại?

TTO - Kỳ nghỉ tết khá dài, nhiều cha mẹ lo lắng con cái sẽ mải chơi, mê coi điện thoại... để rồi sau tết học hành sa sút.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên