Đây là xe đạp của con, mua hoàn toàn bằng tiền của con - Ảnh: MAI THANH |
Dự kiến trường học năm sau của con cách nhà khoảng 2km. Bố mẹ bận làm, không thể đưa đón con đi học hằng ngày được. “Vậy tính sao đây con?”, tôi hỏi.
Con gái nghĩ một hồi rồi trả lời: “Con đạp xe đi học vậy. Nhưng bố mẹ phải mua xe đạp mới, đẹp cho con nhé”.
"Mua xe đạp cho con thì phải bằng tiền của con mới đúng chứ?". Con gái phụng phịu: “Con không có tiền”.
“Mẹ thấy con có tiền mà, tiền mừng tuổi năm mới, tiền mừng sinh nhật, con tiết kiệm là đủ sức mua xe”… Rồi bố giải thích: "Tiền lương của bố mẹ đều dùng vào các việc như trả tiền nhà, học phí của con và em, tiền ăn của cả nhà, tiền mua vé báy bay tết ra Hà Nội (rất đắt), tiền cho các chuyến du lịch của con nữa...".
Con gái gật gật đầu. Thế là từ đó con có ý thức tiết kiệm hẳn lên. Sinh nhật được ông bà, cô cậu cho tiền, con không tiêu một đồng, cất kỹ vào ví nhét tận đáy tủ.
Đi nhà sách, thay vì chọn một loạt sách như trước đây con đã cân nhắc đặt lên đặt xuống mới quyết định mua vì tiền mua sách từ trước đến nay có 50% là tiền riêng của con. Thấy vậy, mẹ ngỏ ý là có thể tặng con quyển sách đó, con gạt đi, nói là sẽ mượn bạn xem ké cũng được.
Tết đến, mẹ định mua quần áo rét mới để con ra Hà Nội mặc, con cũng gạt đi nói mặc đồ cũ cũng được, mua áo mới mặc mấy hôm phí lắm. Mấy năm trước tiền mừng tuổi con vứt lung tung, không để ý. Nhưng năm nay được bao nhiêu con cất kỹ, không làm rơi mất đồng nào.
Cứ tối đến là con lại lôi tiền ra đếm rồi đổi tiền lẻ lấy tiền chẵn với mẹ. Sợ số tiền của mình chưa đủ mua xe, con lại tỉ tê hay bố mẹ góp tiền mua xe cùng con. Mẹ lại phân tích là có rất nhiều loại xe khác nhau với giá tiền khác nhau, con nên chọn xe trong phạm vi số tiền mình có. Thấy con như vậy, các bác và ông bà lại mừng tuổi thêm. Con mừng ra mặt, cảm ơn rối rít.
Sau tết, bố mẹ đưa con gái đi mua xe. Con mang hết ví tiền của mình với hơn 3 triệu đồng đi theo. Đến cửa hàng, con ngắm nghía lựa chọn, hỏi giá kỹ càng. Cuối cùng với sự tư vấn của bác chủ cửa hàng và bố, con cũng chọn được xe với giá gần 2 triệu đồng.
Lúc trả tiền, con đếm từng đồng với vẻ tiếc rẻ lộ rõ trên mặt. Nhưng rồi chiếc xe đẹp đã khiến con mừng rỡ, tí tí lại reo lên : “Đây là xe đạp của con, mua hoàn toàn bằng tiền của con đấy. Oh yeah”.
Mừng hơn nữa là con vẫn còn dư được tiền. Mẹ hỏi con định làm gì với số tiền còn lại, con trả lời sẽ tiếp tục để dành tiền mua iPad.
Không biết đến bao giờ con mới thực hiện được điều này nhưng với tôi, câu chuyện không dừng ở chiếc xe đạp hay iPad.
Vợ chồng tôi có thể mua những món đó cho con nhưng tôi mừng vì con đã biết tự đặt mục tiêu và cố gắng thực hiện mục tiêu đó thông qua chuyện quản lý tiền bạc.
Nhưng tôi cũng không chắc rằng cách làm của mình có thực dụng quá không. Bởi dù sao, chiếc xe hay máy tính bảng cũng là vật dụng cần thiết mà lẽ ra mình phải trang bị cho con.
Kết quả thăm dò dạy con xài tiền với câu hỏi "Bạn có đồng ý phương pháp trả tiền công cho con khi con làm việc nhà?", có 70,1% đồng ý, 23,1% không đồng ý, 6,8% là ý kiến khác. Với câu hỏi "Muốn con tốt thì không nên cho con xài tiền khi còn bé?" có 73,7% đồng ý, 19,2% không đồng ý, 7,2% là ý kiến khác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận