22/01/2015 16:31 GMT+7

Tôi không cho con tiền suốt thời thơ ấu

NGÔ TẤN THỦY TIÊN (Nha Trang)
NGÔ TẤN THỦY TIÊN (Nha Trang)

TTO - Xung quanh câu chuyện "Con làm việc thì được trả công" đã có rất nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm khác nhau. Trong đó có những ý kiến phản đối việc "trả tiền công" cho con.

Học sinh Trường Trần Quốc Tuấn (quận 11, TP.HCM) hè 2014 có môn học hay: tập làm kinh doanh (toàn bộ tiền lời giúp các trẻ ung thư) - Ảnh: NHƯ PHAN

 

Thế hệ của chúng tôi (tuổi 60) ảnh hưởng khá nhiều từ cha mẹ về sự giáo dục.

Thời trước năm 1975, gia đình tôi thuộc hàng khá giả, nhưng ba mẹ tôi không bao giờ cho tiền con cái. 

Thích gì ba mẹ sắm, và chị em chúng tôi ai cũng có cái "bùng binh" để dưới gầm giường.  

Tiền lì xì tết, tiền mỗi khi bố tôi đi xa về hay làm ăn có được... chúng tôi đều được dạy bỏ vào bùng binh để dành.

Gần như suốt thời trẻ của tôi, chúng tôi không bao giờ cầm đồng tiền trong tay mình. Có lẽ vì thế, khi tôi lập gia đình, có con, tôi cũng áp dụng với con mình như thế.

Các con tôi đứa nào cũng có một cái bùng binh. Tiền lì xì, tiền các cô dì cho, tôi đều bảo con bỏ vào bùng binh để dành.

Đứa con trai đầu của tôi sinh ra từ những năm 1980, xã hội thời ấy khó khăn. 

Chúng tôi không cho con tiền, thứ nhất tránh chuyện ăn vặt không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thứ hai tạo thói quen, không cho tiền cầm tay đến trường.

Có thể thời ấy hình như gia đình nào cũng thế nên con cũng không đòi hỏi gì. Thỉnh thoảng, con cũng xin tiền mua quyển sách đọc hoặc thích cái áo này, quần kia, gia đình lại chắt chiu, đưa  đi mua sắm, chứ con cũng không cầm tiền trong tay.

Rồi khi con học lên cấp III, để con tự chọn món ăn sáng trước khi đến trường, chúng tôi cho con tiền vừa đủ để ăn sáng, cũng không bao giờ cho nhiều.

Rồi con vào đại học xa nhà, bắt đầu một cuộc sống mới tự lập. Trong những bức thư con viết gửi về cho tôi, con đã biết sử dụng đồng tiền chắt chiu từ bố mẹ gửi vào.

Con gửi thư đưa ra những con số con sẽ sử dụng trong một tháng. Mỗi ngày ăn cơm bao nhiêu, tiền xăng xe, tiền nhà con đều lập một kế hoạch cụ thể để mẹ gửi vào.

Đôi khi tôi có tiền, muốn gửi thêm cho con nhưng con bảo mẹ để dành còn lo cho em, nhất định không nhận thêm số tiền ngoài danh mục con đã định sẵn. "Trong này, con có thể đi làm thêm", thư của con khiến tôi bật khóc.

Và bốn năm học đại học xa nhà, con đã trưởng thành trong cách nghĩ, trong chi tiêu, và nhất là đức tính tiết kiệm mà con có được suốt những năm đi học.

Cho đến bây giờ, tôi nghĩ đó là sự thành công trong giáo dục của tôi khi cháu còn bé thơ, không cho con cầm tiền, giáo dục con sử dụng đồng tiền đúng mục đích bằng cách để dành, bằng cách bỏ bùng binh...

Cả đứa con út của tôi cũng thế, không được cầm tiền trong tay nhiều. Tôi cũng giáo dục con phải biết tiết kiệm, không tiêu hoang, phải biết dành dụm.

Và bây giờ hai con tôi đã có gia đinh, cuộc sống riêng, biết lo lắng chu toàn cho gia đình và biết lo cả cho cha mẹ, ông bà với tấm lòng thơm thảo.

Tôi cũng tự hào vì chính mình đã có được sự giáo dục tốt cho con, hình thành cho con thói quen tốt từ bé thơ, có phải từ đó mà các con giờ trở thành người tốt chăng?

[poll width="400px" height="174px"]112[/poll]

NGÔ TẤN THỦY TIÊN (Nha Trang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên