Thời điểm này, HĐND các tỉnh thành đang họp cuối năm với một nội dung quan trọng là tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu.
Những con số cụ thể được báo chí đăng tải, những con số người này được cao nhất, người kia thấp nhất. Nhưng vấn đề quan trọng mà người dân muốn biết là: Cần làm gì sau khi lấy phiếu tín nhiệm?
Theo nghị quyết của Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Từ đó giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.
Ngoài ra, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng để làm cơ sở cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Và người được lấy phiếu tín nhiệm nếu có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Còn người có từ hai phần ba trong tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" trở lên thì có thể đưa ra họp để miễn nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm trong các kỳ họp HĐND nếu thực hiện đúng, không mang tính hình thức là thật sự cần thiết.
Tại cuộc họp HĐND TP Hà Nội diễn ra trong tuần này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã dự và đề nghị việc lấy phiếu tín nhiệm phải được thực hiện nghiêm túc, không hình thức và đánh giá đúng về uy tín, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ.
Qua theo dõi kết quả lấy phiếu tín nhiệm từ Quốc hội đến HĐND các tỉnh thành từ trước đến nay, chưa có trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm "bị" rơi vào trường hợp "xin từ chức" hay "miễn nhiệm".
Vấn đề còn lại là việc cán bộ, lãnh đạo có số "phiếu tín nhiệm thấp" nhiều chỉ có thể rơi vào trường hợp: làm cơ sở để cơ quan, tổ chức quy hoạch cán bộ sau này hay tự soi, tự sửa để nâng cao hiệu quả công tác của họ.
Việc quy hoạch cán bộ là ở tương lai xa, còn việc tự soi, tự sửa của cán bộ, lãnh đạo là việc hết sức gần gũi, thiết thực mà người dân mong mỏi.
Cán bộ, lãnh đạo có tự soi, tự sửa từng ngày thì mới khắc phục được khuyết điểm của mình, hoàn chỉnh để hoàn thành được chức trách, nhiệm vụ hay nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác.
Thêm vấn đề đặt ra nữa là những cán bộ, lãnh đạo có "phiếu tín nhiệm thấp" ở mức cao nhưng trong ngưỡng an toàn - chưa phải "xin từ chức hay miễn nhiệm" - có tự soi mình để tự sửa chữa hay không mới là điều quan trọng, hay chỉ coi những con số đó là hình thức hoặc lấy phiếu xong rồi... để đó.
Nếu không tự soi, tự sửa được thì hiện nay hệ thống chính trị có "chế tài", cơ chế nào để có thể khiến người cần phải tự soi, tự sửa phải nhìn thấy vấn đề?
Cơ quan cấp trên, lãnh đạo cao hơn có thể nhắc nhở, góp ý thẳng thắn với những cán bộ, lãnh đạo cấp dưới có số "phiếu tín nhiệm thấp" nhiều hay không?
Ngoài việc tự soi, tự sửa của cán bộ, lãnh đạo, thiết nghĩ sự nhắc nhở, cảnh báo và cả "chế tài" của cấp trên cần được thực hiện sau mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm.
Khi bản thân cán bộ, lãnh đạo có sự nhìn lại mình sau lần lấy phiếu tín nhiệm, cộng với sự giám sát của cơ quan hữu trách, lúc đó việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ phát huy hiệu quả sau đó, cuối cùng là cán bộ, lãnh đạo đó thực hiện chức trách tốt hơn, phục vụ dân tốt hơn.
Bởi suy cho cùng thì có một "phiếu tín nhiệm" hết sức quan trọng là sự tín nhiệm trong lòng người dân với cán bộ, lãnh đạo.
"Phiếu tín nhiệm" này là quan trọng nhất, thiết thực, mỗi cán bộ, lãnh đạo cần nhớ "phiếu" quan trọng này để tự soi, tự sửa nhằm phấn đấu tốt hơn sau khi được lấy phiếu tín nhiệm. Chứ nếu chỉ dừng ở việc lấy phiếu tín nhiệm xong rồi... để đó thì tính hình thức sẽ hiển hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận