Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Sơn, TP.HCM) không có một cây xanh nào - Ảnh: ĐỨC LỘC
Giữa bầu không khí xám màu ô nhiễm, giữa vòng vây khói bụi kẹt xe trên đường, tôi luôn ước mình đang ở dưới những hàng cây, để có thể hít thở chút không khí trong lành hơn. Chuyện giản đơn vậy cũng rất khó khi con người đang "xử tệ" với cây xanh.
Tôi vẫn ấn tượng và thích thú đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần... ở Q.3 - nơi có những hàng cây cổ thụ xanh mát nhất ở TP.HCM.
Những con đường vắng bóng cây xanh
Sài Gòn còn lại bao nhiêu mảng xanh từ những hàng cây cao bóng cả ấy? Người Sài Gòn chứng kiến bao hàng cây cổ thụ bị dời đi, mảng xanh thu hẹp dần, nhường chỗ mở đường, làm công trình cao tầng.
Việc này có thể hiểu là cần thiết cho sự phát triển. Thế rồi lấy gì thay cho mảng xanh tươi tốt từ những hàng cây cũ?
Thử tìm và nhìn ngắm những hàng cây mới trồng sẽ thấy gì? Hầu hết là cây thấp, có xanh nhưng không đủ mát, nhiều nơi cây mới trồng đã chết yểu hoặc èo uột.
Thậm chí, có những đoạn đường không hề có một cây xanh. Đơn cử như đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Sơn). Tương tự, cũng đoạn Xô Viết Nghệ Tĩnh giao với Nguyễn Xí hướng về Thanh Đa số lượng cây xanh cũng đếm trên đầu ngón tay (mà lại toàn cây nhỏ).
Hay những đoạn đường trước bến xe Miền Đông, quốc lộ 1 (Q.Thủ Đức lên Q.12)... cây còi cọc, thưa thớt liệu có đủ sức lọc không khí khi mà những đoạn đường này cực kỳ đông xe, dày đặc khói bụi.
Rõ nhất có lẽ là đoạn đường Phạm Văn Đồng, gọi là đại lộ ngày một sầm uất với san sát nhà cửa, chung cư, siêu thị... Thế nhưng, ở khu vực này thiếu mảng xanh trầm trọng. Nhiều công trình trên đoạn đường này khi bắt đầu xây dựng các chủ đầu tư khoe công trình xanh sạch đẹp, nhưng lúc hoàn thành chỉ thấy vài cây cảnh hoặc những cây không đủ sức cao lớn tạo bóng mát, ngăn gió bụi...
Đây là những đoạn đường thường xuyên kẹt xe, không có cây xanh thì không khí ngột ngạt vô cùng. Những lúc như thế, tôi thầm ước giá mình... kẹt xe ở đoạn đường Võ Văn Tần, để được ngẩng đầu nhìn lên tán cây xanh tít trên cao và được hít thở chút không khí trong lành hơn.
Các công viên lớn, vì nhiều lý do cũng đang thu hẹp dần nhường chỗ cho bãi giữ xe, sân khấu, quán cà phê. Nhiều dự án công viên vẫn nằm trên giấy. Những công viên nhỏ hơn trong các khu dân cư nhiều khi cũng thành nơi bán hàng, thảm cỏ gốc cây thành nơi xả rác, lâu ngày cây cỏ cũng chết.
Chúng ta đã làm được gì?
TP.HCM và Hà Nội là hai thành phố "đội sổ" về ô nhiễm không khí. Thiếu hụt mảng xanh là một trong những lý do. Trồng thêm cây, giữ cây phát triển tươi tốt để lọc khí là giải pháp cần làm cho bằng được.
Và chúng ta đã làm được gì? Tôi chưa từng được nghe nói và thấy thực tế việc mở rộng mảng xanh vì hơi thở của cư dân đô thị. Cây to, cây nhỏ đang bị bức chết hoặc sống mà như sót.
Nơi tôi từng ở (P.Linh Tây, Q.Thủ Đức) có cây bàng to đang độ xanh tốt. Gần đây đã chết khô, ai đó lột sạch lớp vỏ ở gốc cây. Đó là cách người ta đã làm để khiến cây bàng chết dần chết mòn. Đây đó vẫn có những cây to "chết oan" vì bàn tay con người tàn phá, bức tử bằng mọi cách. Cuộc sinh tồn của cây xanh đô thị giờ cũng khó hơn xưa. Nếu không có giải pháp bảo vệ cây, sẽ còn nhiều cây xanh phải nhường chỗ cho những kiôt, cửa hiệu, những công trình.
Trên các nẻo đường thành phố, không khó tìm thấy những cây xanh héo úa, ngả nghiêng, chết yểu vì được trồng hời hợt, nhiều cây đang sống lây lất qua ngày khi bêtông tráng đến sát gốc, không có chỗ để nước thấm xuống đất, cây sống sao nổi! Nhiều cây cổ thụ bị đóng đinh để treo băngrôn, biển quảng cáo...
Tôi tự hỏi: con người trồng cây để cây cho mình hơi thở trong lành, tại sao lại để cây sống khổ sở vậy?
Thờ ơ với lá phổi chính mình
Cây bàng bị “đầu độc” bằng cách gọt sạch vỏ gốc - Ảnh: ĐỨC LỘC
Một đô thị muốn sạch đẹp thì trước hết phải xanh. Khi thành phố bao trùm màn sương ô nhiễm như hiện nay mới thấy thiếu và cần cây xanh cỡ nào.
Những mảng xanh đâu phải ngày một ngày hai mà có được. Đời cây xanh đô thị khổ vậy, đời người đô thị cũng khổ hơn và cái chết đến nhanh hơn trong từng hơi thở đầy khói bụi.
Hạn chế ra đường chỉ là giải pháp cấp bách trong 1-2 ngày, ô nhiễm triền miên thì ở nhà, đóng kín cửa cũng đâu thể thoát được!
Phải nhìn vào thực tế để nói thẳng với nhau rằng: ngày nào chúng ta còn "xử tệ" với cây xanh, còn chưa quyết liệt tìm giải pháp ưu tiên cho chuyện trồng nhiều hơn để lọc không khí tức là chúng ta vẫn đang thờ ơ với lá phổi và cuộc sống của chính mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận