Phóng to |
Công nhân nhổ đinh mười phân mà nhóm côn đồ đóng vào lô cao su thanh lý tại Nông trường Phú Riềng Đỏ tối 15-4 (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) - Ảnh: C.Thành |
Một vị lãnh đạo Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng (huyện Bù Gia Mập), cho biết: “Trung bình mỗi năm có khoảng 1.500ha cao su được thanh lý. Lợi dụng các doanh nghiệp từ địa bàn khác đến khai thác, một số đối tượng côn đồ đến sách nhiễu. Sau đó, các đối tượng hù dọa muốn yên ổn khai thác phải chi tiền bảo kê cho chúng”.
Chém người
Sau khi ký hợp đồng ngày 18-1-2013 mua năm lô cao su thanh lý (tổng số trên 19.000 cây) của Nông trường Phú Riềng Đỏ, Nông trường 6 và Nông trường Minh Hưng (trực thuộc Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng), Công ty TNHH gỗ Kim Thành A (thị xã Thuận An, Bình Dương) đưa công nhân, xe máy vào khai thác.
Vừa đặt chân tới lô đầu tiên thì một nhóm thanh niên bặm trợn xuất hiện, nói thẳng: “Tụi tui trông coi lô cao su này. Anh em ở đây cũng đông, ông anh cho tụi này xin ít tiền trà nước, cà phê!”. Bị người phụ trách đội khai thác từ chối, đối tượng cầm đầu nhóm quát đàn em: “Thôi về, mai mốt qua lại”.
Một lãnh đạo Công ty Kim Thành A cho biết liên tiếp những ngày sau đó đã nhận được điện thoại từ số máy của một người tự xưng là Sơn, yêu cầu được bảo kê toàn bộ vườn cao su mà công ty này đang khai thác, giá ấn định là 6.000 đồng/cây.
Không được đáp ứng yêu cầu, nửa đêm người tự xưng là Sơn ra “tối hậu thư”: “Nội trong ngày mai phải đưa tiền, nếu không tất cả sẽ bị san bằng”. Sáng hôm sau, khi công nhân của Công ty Kim Thành A đưa máy cưa ra khai thác thì phát hiện hàng trăm cây cao su bị đóng hàng loạt đinh dài mười phân. Công ty Kim Thành A phải mua máy rà kim loại để nhổ đinh ra mới có thể cưa xẻ. “Bình thường, mỗi ngày chúng tôi cắt được hơn 200m3 gỗ tròn, nhưng khi gặp tình trạng đóng đinh vào thân cây thì phải tốn gấp đôi công sức. Trong khi đó, nếu giao trả mặt bằng cho nông trường chậm một ngày theo hợp đồng sẽ bị phạt hàng chục triệu đồng” - đại diện Công ty Kim Thành A cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 15-4, khi hàng chục công nhân của Công ty Kim Thành A đang ngủ bỗng nghe tiếng xe máy inh ỏi. Hàng chục đối tượng lớn tiếng xông vào đe dọa: “Chúng mày không chịu đưa tiền à? Thằng nào bước ra đây tao chém chết thằng đó”. Cả chục công nhân đang nằm ngủ phải chạy vào rừng cao su trốn. Nhóm thanh niên xông vào chém phá tứ tung lán trại và võng của công nhân.
Nhiều doanh nghiệp khác đang khai thác các lô cao su thanh lý tại Phú Riềng, Lộc Ninh, Bình Long, Bù Nho cũng chịu chung cảnh như Công ty Kim Thành A.
Ông Sáu Tài, giám đốc một doanh nghiệp đang khai thác cao su thanh lý tại Bình Phước, than phiền: “Cách đây không lâu, tại lô cao su thanh lý xã Lộc Bình, lợi dụng đêm khuya, năm thanh niên bặm trợn tay lăm lăm mã tấu ào vào vườn cao su chém võng, bạt nơi công nhân đang say ngủ. Công nhân hoảng sợ chạy tán loạn khỏi rừng”.
Ông Sáu Tài ngao ngán kể: “Một công nhân té ngã khi bỏ chạy bị nhóm côn đồ lao tới chém đứt lìa ngón tay”. Trước tình trạng này, công ty buộc phải chung chi hơn 20 triệu đồng để được yên thân. “Nhưng gần đây, nhiều băng giang hồ không chấp nhận chung 5.000 đồng/cây mà đòi tăng lên 9.000-10.000 đồng/cây, khiến doanh nghiệp chúng tôi rất bức xúc” - ông Sáu Tài nói.
Phóng to |
Một chiếc đinh được đóng vào cây cao su - Ảnh: C.Thành |
Buộc phải chung chi
Từ đầu năm tới nay, hàng loạt doanh nghiệp khai thác cao su thanh lý rất lo lắng khi các băng nhóm giang hồ liên tục đòi tăng tiền bảo kê. Điều đáng nói là các băng nhóm mọc lên ngày càng nhiều. Ông Huy, giám đốc một công ty gỗ tại Lái Thiêu, Bình Dương, bức xúc: “Chúng tôi đấu thầu lô cao su ở Lộc Ninh vào đầu năm 2013, chấp nhận chung chi cho một băng nhưng hôm sau lại có nhóm khác tới quấy rối, yêu cầu bảo kê. Vậy là cùng một lô cao su có tới hai băng nhóm hùa nhau đòi tiền bảo kê”.
Theo tìm hiểu, trùm bảo kê tại khu vực Nông trường Phú Riềng là một đối tượng tên Sơn (Sơn “đại ca”). Sơn “đại ca” có hàng chục đàn em và hoạt động ở nhiều nông trường.
Khi đòi bảo kê doanh nghiệp, Sơn thường cho đàn em là Biên trực tiếp vào các vườn cao su đòi tiền trông coi gỗ. Nếu chủ lô khai thác cao su không đồng ý với giá cả được đưa ra thì ngay lập tức Sơn cho đàn em đi đóng đinh, chém võng bạt, đuổi đánh công nhân dằn mặt, nên không doanh nghiệp nào dám không chung chi.
Tương tự, ngày 16-2, một doanh nghiệp gỗ khác khai thác lô cao su thanh lý tại thôn Tân Lực (xã Bù Nho) cũng bị một băng nhóm giang hồ dằn mặt. Khi công nhân đến làm việc thì thấy hàng chục thanh niên đứng đợi sẵn. Một thanh niên tự xưng tên Quang yêu cầu được bảo vệ lô cao su cho công ty.
Người của doanh nghiệp nói số gỗ cao su vừa hạ sẽ được đưa về xưởng sản xuất trong ngày, không cần thuê ai bảo vệ gỗ. Ngay tức khắc, Quang chỉ thẳng mặt anh này, gằn giọng: “Mày ngon lắm, đợi đấy rồi xem”. Liên tiếp nhiều đêm liền, nhóm thanh niên tụ tập hù dọa chém công nhân, đóng đinh vào cây cao su.
Ông Trần Ngọc Thanh, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha, đã gửi văn bản cầu cứu các cơ quan chức năng địa phương vào cuộc điều tra, xử lý các đối tượng đòi tiền bảo kê cao su thanh lý ở Nông trường 1 và Nông trường 6 (thuộc Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng). Theo phản ảnh của ông Thanh, liên tục có một số đối tượng ở khu vực xã Long Hà và Bình Thắng (huyện Bù Gia Mập) đến yêu cầu nhân viên công ty chi tiền bảo kê 6.000 đồng/cây.
Công an vào cuộc UBND tỉnh Bình Phước cho biết lãnh đạo tỉnh đã ký công văn yêu cầu cơ quan công an tỉnh, UBND huyện Bù Gia Mập điều tra, xác minh, xử lý theo pháp luật các đối tượng đòi tiền bảo kê vườn cao su thanh lý tại Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng. Văn phòng Công an tỉnh Bình Phước cũng thông tin trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh đã yêu cầu Công an huyện Bù Gia Mập vào cuộc điều tra, xem xét xử lý nghiêm hành vi đòi tiền bảo kê vườn cây cao su thanh lý trên địa bàn huyện. Qua quá trình điều tra, Công an huyện Bù Gia Mập đã bắt khẩn cấp một số đối tượng. Vụ việc đang được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bù Gia Mập tiếp tục xử lý. T.ĐỨC |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận