Thầy giáo Công Anh trong lớp học đặc biệt của mình - Ảnh: My Lăng |
(Sau khi đọc bài “Người ở lại Láng Cơm” - báo Tuổi Trẻ ra ngày 6-4-2015)
Bản thân tôi cũng là người lính, tham gia chiến đấu trên chiến trường và trưởng thành: cứng cáp hơn, nhận thức rõ hơn về mình, về cuộc sống...
Chính gian khổ, khó khăn đã tạo nên tính cách con người, tạo nên bản lĩnh con người trước cuộc sống. “Tính cách hình thành trong bão táp/ Trí tuệ hình thành trong yên lặng” là vậy!
Những con người như thầy Trần Công Anh thật quý! Bởi trong cuộc sống bộn bề lo toan “cơm áo gạo tiền”, trong thời buổi mà không ít người còn so đo, tính toán hơn thiệt từng li từng tí mà thầy Công Anh dám từ bỏ tất cả để đến với những mảnh đời học sinh nghèo!
Không ai bắt buộc thầy Công Anh làm điều đó mà xuất phát từ nhận thức, từ cái tâm trong sáng của thầy. Niềm vui, niềm hạnh phúc của thầy đơn giản là hằng ngày thấy các em tung tăng trong sân trường, hằng ngày đến lớp để có cái chữ cho ngày sau.
Thầy Công Anh đã đi vào cuộc đời bằng đôi chân mình chứ không đi bằng chân người khác. Thầy không dựa thế gia đình để có một chức vụ, một chỗ làm “thơm” mà chấp nhận đối mặt với cực khổ, khó khăn để thử sức mình. Chúng ta thường hô hào hãy “cống hiến” nhưng có bao nhiêu người cống hiến thật sự, thật lòng một cách thầm lặng như thầy Công Anh?
Vùng sâu, vùng xa đang rất cần cái chữ - đó là hướng thoát nghèo bền vững cho bà con ở đây, nhất là cho các em nhỏ - học để có một nghề tự nuôi sống bản thân, để trở thành con người có ích cho xã hội.
Tôi tin trong cuộc sống này còn có những người như thầy Công Anh, còn có những con người biết hi sinh vì lợi ích chung của nhiều người. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”, câu hát trong bài Một đời người, một rừng cây thật ý nghĩa. Ai cũng thích về thành phố, thích về nơi thuận lợi cho bản thân thì những nơi khó khăn ai sẽ gánh vác?
Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm thiết thực của xã hội, của cộng đồng, của các cấp, các ngành đối với vùng sâu vùng xa. Sự quan tâm đó sẽ phần nào an ủi, phần nào gỡ chút ít khó khăn cho trường lớp, cho giáo viên vùng sâu vùng xa để họ yên tâm giảng dạy, công tác. Và đó chính là sự ghi nhận của xã hội, của mọi người đối với sự đóng góp thầm lặng đáng quý, đáng trân trọng ấy của những người thầy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận