09/02/2025 14:44 GMT+7

Con cái ngược đãi cha mẹ: Đừng để tình thân trở thành bi kịch

Những vụ án đau lòng liên quan đến hành vi con cái ngược đãi, đánh đập, thậm chí sát hại cha mẹ trong thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Đừng để tình thân trở thành tấn bi kịch - Ảnh 1.

Người con tạt xăng phóng hỏa làm mẹ ruột bị bỏng nặng phải đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị - Ảnh: THANH HUYỀN

Truyền thống văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng xem chữ hiếu là giá trị cốt lõi, nền tảng để duy trì sự bền vững của gia đình và xã hội. Như vậy, bất hiếu cũng là tội ác tày trời.

Thế nhưng khi cuộc sống vật chất ngày càng được cải thiện, lại xảy ra nhiều vụ án đau lòng liên quan đến hành vi con cái ngược đãi, đánh đập, thậm chí sát hại cha mẹ khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Không ai có thể tưởng tượng rằng người sinh thành, nuôi dưỡng lại trở thành nạn nhân dưới tay chính kẻ mình mang nặng đẻ đau sinh ra.

Những vụ việc đau lòng

Vụ án mới đây tại Cà Mau có nguyên nhân vì tranh chấp đất đai, Phan Tấn Sơn đã nhẫn tâm phóng hỏa đốt nhà khiến mẹ ruột bị bỏng nặng. Dư luận thật sự xót xa cho chữ hiếu trong những ngày đầu năm mới, thời điểm lẽ ra phải là lúc sum vầy, đoàn tụ và thể hiện lòng kính yêu dành cho đấng sinh thành.

Vụ án Nguyễn Anh Khoa giết cha tại TP.HCM để chiếm đoạt tài sản lại là một bi kịch gia đình khác.

Đây không chỉ là hành vi phạm tội nghiêm trọng mà còn phản ánh sự đổ vỡ trong tình phụ tử và sự xuống cấp đạo đức xã hội. Cũng vì tham lam tài sản, con trai đã hành hạ, giam cầm và cuối cùng sát hại cha mình.

Tháng 1-2025, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm và tuyên bác kháng cáo, y án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Anh Khoa về các tội giết người và cướp tài sản.

Có thể thấy đây không chỉ là một vụ án mạng đơn thuần, mà còn là biểu hiện của những vấn đề xã hội như tham vọng vật chất, giáo dục sai lầm dẫn đến giải quyết mâu thuẫn trong gia đình một cách cực đoan, lệch lạc.

Tháng 10 năm ngoái, TAND TP Thanh Hóa đưa ra xét xử công khai bị cáo Phạm Tuấn Anh về tội ngược đãi cha mẹ theo khoản 1, điều 185, Bộ luật Hình sự 2015. Theo cáo trạng, Phạm Tuấn Anh nhẫn tâm bạo hành mẹ suốt nhiều năm, có lúc đốt cả phòng ngủ của bà.

Đứa con ngỗ nghịch bị kết án 15 tháng tù là trường hợp điển hình của bạo lực gia đình do rượu bia và lối sống sa đọa.

Khi tình máu mủ bị thay thế bởi lòng tham, sự ích kỷ, khi những giá trị tinh thần bị lu mờ bởi cơn say vật chất… thì những tấn bi kịch là điều không thể tránh khỏi.

Cần trừng trị nặng tội bất hiếu

Liệu tế bào của xã hội là gia đình hiện nay có là nơi giáo dục quan trọng nhất về đạo đức và nhân cách?

Có lẽ trong xã hội hiện đại, vai trò này đang bị một số gia đình xem nhẹ. Nhiều bậc cha mẹ vì bận rộn mưu sinh mà ít dành thời gian dạy dỗ con cái, dẫn đến việc trẻ lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương, không hiểu được giá trị của lòng hiếu thảo.

Xã hội hiện đại, kinh tế phát triển nhanh chóng đi kèm với sự đề cao giá trị vật chất. Khi coi tài sản là trên hết, không ít kẻ xem cha mẹ như rào cản đối với quyền lợi của bản thân.

Sự ích kỷ, lòng tham vô đáy khiến một số người sẵn sàng trở mặt, đối xử tệ bạc hay ra tay tàn nhẫn với đấng sinh thành để giành giật tài sản.

Nhiều bậc cha mẹ bị con cái ngược đãi nhưng vẫn cam chịu, không dám tố cáo vì sợ điều tiếng hoặc hy vọng con sẽ thay đổi. Chính sự im lặng này khiến kẻ phạm tội ngày càng lấn tới, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn.

Chúng ta còn thấy một số vụ án bạo hành, ngược đãi cha mẹ có nguyên nhân xuất phát từ tệ nạn nghiện ngập, lạm dụng rượu bia.

Trường hợp Phạm Tuấn Anh thường xuyên say xỉn rồi trở thành kẻ bạo hành cha mẹ.

Những mất mát từ các vụ án thương tâm liên quan chữ hiếu là không thể bù đắp. Không những nạn nhân trực tiếp chịu đau khổ, mà nó còn để lại vết thương tinh thần sâu sắc cho tất cả người thân trong gia đình cũng như toàn xã hội.

Một gia đình đổ vỡ, những đứa con bất hiếu phải trả giá bằng án tù hoặc án tử, chắc chắn cha mẹ cũng thắt lòng đau đớn, tủi hổ.

Gia đình là tế bào của xã hội. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có bạo lực, xung đột sẽ có xu hướng lặp lại hành vi đó khi trưởng thành. Vòng lặp bạo lực sẽ tiếp diễn nếu không có sự can thiệp kịp thời.

Trước tiên việc giáo dục về lòng hiếu thảo không thể chỉ dừng lại ở lời nói mà cần được thực hành trong cuộc sống. Cha mẹ cần làm gương cho con cái. Con trẻ cần được dạy về giá trị của tình thân, trách nhiệm và lòng biết ơn.

Vai trò của nhà trường trong giáo dục đạo đức cũng không thể không song hành. Cần chú trọng ngoài lý thuyết, các trường học nên tăng cường tổ chức các hoạt động thực tế giúp học sinh thấu hiểu ý nghĩa của chữ hiếu.

Cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến những nạn nhân bạo lực gia đình. Họ cần có nơi trú ẩn an toàn và được hỗ trợ pháp lý nhanh chóng để tránh những hậu quả đáng tiếc, nghiêm trọng hơn.

Các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương cần có đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý hữu hiệu hơn các trường hợp bạo hành gia đình.

Những hành vi bất hiếu cần bị trừng trị nghiêm khắc để răn đe. Tội bất hiếu không thể xem nhẹ.

Ngăn chặn những vụ việc tương tự cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường, cơ quan thực thi pháp luật cùng toàn xã hội.

Chỉ khi lòng hiếu thảo được đặt lên hàng đầu, gia đình mới có thể yên ấm, hạnh phúc.

Con cái ngược đãi, sát hạt cha mẹ: Đừng để tình thân trở thành bi kịch - Ảnh 2.Con trai châm lửa đốt nhà ngay mùng 2 Tết làm mẹ ruột nguy kịch

Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ con trai châm lửa đốt nhà làm mẹ và chị ruột bị bỏng nặng vào mùng 2 Tết.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên