Hai mươi mốt năm trước tôi rời quê đi học. Đó là lần đầu tiên tôi cất bước khỏi nhà mình, một thân một mình vào Sài Gòn với tấm giấy báo trúng tuyển đại học.
Tôi là thế hệ thứ hai, thứ ba rời quê đi theo tiếng gọi thị thành. Với ước nguyện "kiếm tiền phụ gia đình", 5-7 năm trước đó, chị Hai con dì ruột tôi và những anh chị cùng trang lứa cũng đã rời quê. Nghe đâu trong Sài Gòn, Bình Dương có tuyển công nhân, rồi vài người đi trước mở đường, về rủ "mi muốn đi may ở Khu chế xuất Linh Trung phụ ba má không", vậy là khăn gói rời quê.
Vài cái Tết sau đó, một số anh chị đi làm công nhân ở Sài Gòn về, mang theo nhiều quà bánh và những hứa hẹn khá lên nhờ có đồng lương hằng tháng khiến những lớp trẻ trước tôi rủ nhau nghỉ học đi làm công nhân. Có nhiều người dành dụm mua được miếng đất nhỏ ở ven thành phố, cất nhà rồi lập gia đình và ở hẳn trong miền Nam.
Như chị Hai con dì tôi, có chồng người Nghệ An, cũng có được căn nhà cấp 4 ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, sinh con đẻ cái trong này. Tụi nhỏ thành người thành phố, nói giọng miền Nam trong khi bố mẹ vẫn rặt tiếng quê, Nghệ An - Quảng Nam. Có rất nhiều tổ ấm được xây lên từ những gạch nối Bắc - Trung - Nam trên hành trình tha hương của một thế hệ như thế.
Cách đây vài năm, anh Hai, con rể dì tôi, phải tất tả về quê sau khi nghe tin bố ốm nặng. Cửa hàng đồ cơ khí của anh chị phải tạm đóng cửa, chị thay anh quán xuyến chuyện nhà, rồi đưa đón mấy đứa nhỏ đi học.
"Cũng may anh chị không phải công chức hay công nhân phải làm giờ giấc cố định, nên đi về chăm ông bà khi đau ốm cũng còn được", chị nói. Ảnh hưởng về kinh tế, thu nhập của gia đình không thể tránh khỏi, nhưng bố mẹ lớn tuổi, quy luật già - bệnh là tất yếu, con cái không thể ngó lơ.
Anh rể chia sẻ rằng hiếu thảo với bố mẹ, lo việc khói hương cho tổ tiên là truyền thống của người Việt. "Trẻ cậy cha, già cậy con", đây không phải là gánh nặng và càng không thể xem đó là sự "trả công" sinh dưỡng đơn thuần.
Khi quyết định lập nghiệp, định cư, cho con cái sinh trưởng ở thành phố, anh chị biết mình phải cáng đáng nhiều thứ hơn. Để chu toàn mọi việc không đơn giản, nên anh chị phải làm hết sức mình, có kế hoạch tương lai và cần cù, tiết kiệm mỗi ngày.
Khoản nào để sinh hoạt trong gia đình, tích lũy cho con cái ăn học, hỗ trợ bố mẹ khi ốm đau là việc cần phải được "thủ" sẵn, không phải đợi đến khi xảy ra việc rồi mới loay hoay xoay xở. Có lẽ nhờ sự tính toán kỹ lưỡng ấy mà từ xuất phát điểm là công nhân làm ở khu công nghiệp, anh chị đã có được nhà cửa, có chút ít tiền tích lũy cho những cuộc đi-về, săn sóc bố mẹ lúc tuổi xế chiều.
Không phải ai cũng được như vậy, vì nhiều lý do. Có những người đã rất nỗ lực nhưng vẫn còn nghèo, không dễ dàng để đi-về săn sóc bố mẹ lúc tuổi già.
Có nhiều người con vì "kẹt" công việc ở thành phố, về quê không biết làm gì, muốn đón bố mẹ lên ở cùng nhưng đó lại là một bài toán khó khăn khác. Những người già tách mình khỏi làng quê, không gian sinh hoạt - văn hóa - lối sống quen thuộc, chắc chắn khó thích nghi, có khi vì thương con cháu mà bấm bụng rời đi nhưng chắc chẳng ưng lòng.
Tôi nhớ mãi lời bà cụ Sáu ở xóm mình nói: "Con kêu vô chơi mấy bữa mà muốn bệnh. Hai vợ chồng hắn đi suốt, nhốt mình trong nhà, hết coi tivi rồi ăn, thấy ngày dài đằng đẵng. Không ở đâu sướng như quê mình…".
"Bài toán" báo hiếu cho thế hệ của tôi - 8X đời đầu, tha hương đi muôn phương - ngoài tiền bạc, công việc, đâu đó còn là những hy sinh của bố mẹ, hoặc mình và gia đình mình. Đây là vấn đề mà nếu tính được như anh chị Hai của tôi, với sự đồng lòng, hỗ tương cho cả hai bên nội ngoại thì đó cũng là bài học hiếu ân trao lại cho con cái. Tôi nghĩ, chọn chữ hiếu một cách hài hòa với các gạch nối khác là chuyện không đơn giản.
Làm cách nào để giải bài toán báo hiếu cho trọn vẹn? Mong nhận được những chia sẻ của bạn đọc, qua địa chỉ tto@tuoitre.com.vn, hoặc để lại BÌNH LUẬN dưới đây. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận