Giám đốc điều hành Martin Shkreli - Ảnh: AFP |
Ở Mỹ lúc này người bị ghét nhất hẳn là Martin Shkreli, giám đốc điều hành (CEO) của Hãng dược phẩm Turing tại New York. Ông chủ trẻ đã cho tăng giá thuốc Daraprim từ 13,5 USD lên đến 750 USD (gấp 55 lần) hồi tháng trước.
Trước làn sóng chỉ trích dữ dội và đầy giận dữ của dư luận Mỹ, hôm 22-9 Martin Shkreli phải tuyên bố sẽ giảm giá thuốc đặc trị trên.
“Chúng tôi đồng ý hạ giá Daraprim xuống mức phù hợp hơn” - ông Shkreli nói với Đài ABC. CEO này không thông tin chi tiết về “mức giá phù hợp” là bao nhiêu, nhưng nhấn mạnh rằng công ty sẵn sàng cấp thuốc miễn phí cho nửa số bệnh nhân đang sử dụng loại thuốc này và Hãng dược Turing cũng lên kế hoạch để mở rộng chương trình trợ giá thuốc.
Người đáng ghét nhất
Tờ Daily Beast mô tả ông Shkreli là “người đàn ông đáng ghét nhất nước Mỹ” khi cho rằng CEO trẻ tuổi này thậm chí đáng ghét hơn nha sĩ Walter Palmer trong vụ giết chú sư tử cưng Cecil của Zimbabwe.
Cộng đồng người mắc bệnh truyền nhiễm và cộng đồng mạng tại Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích Shkreli. Nhiều cư dân mạng đăng tải những dòng Tweet cáo buộc CEO 32 tuổi của Hãng Turing là “hiện thân của quỹ dữ” và là “người đàn ông lố bịch nhất nước Mỹ”.
Hôm 21-9, theo Bloomberg, Shkreli còn lên tiếng biện hộ quyết định tăng giá thuốc trên Twitter và nhiều cuộc phỏng vấn trên truyền hình có đông đảo người tham dự dù thừa nhận chi phí sản xuất Daraprim là dưới 1 USD/viên.
“Chúng tôi cần thu lợi nhuận của loại thuốc này” - ông Shkreli nói với Bloomberg khi lập luận rằng các công ty sở hữu loại thuốc này trước đây đã đẩy giá Daraprim lên 13,5 USD.
Ngoài ra, CEO Hãng Turing giải thích rằng việc nâng giá Daraprim không chỉ là vì lợi nhuận vì Turing lên kế hoạch sử dụng số tiền thu được để nghiên cứu các phương pháp điều trị bệnh tốt hơn.
Phản bác lại, giáo sư luật nghiên cứu các quy định về thuốc tại ĐH Ottawa Amir Attaran cho biết tuyên bố cách giải thích của ông Shkreli là “lố bịch”. “Tại sao lại cần phải bào chế loại thuốc mới? Thuốc này có hiệu quả rồi” - giáo sư Attaran kết luận.
Chiến lược cướp bóc
Tờ The Star cho biết Daraprim đã có mặt trên thị trường thuốc của Mỹ 62 năm qua nhưng Hãng Turing vừa giành được bản quyền sản xuất loại thuốc này hồi tháng 8-2015 và đẩy giá lên ngay.
Tuy nhiên, việc tăng giá thuốc tại Mỹ là hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) nếu các hãng dược biết cách khai thác.
Thông thường trong nghề, đối với những căn bệnh liên quan đến một nhóm nhỏ bệnh nhân cần một loại thuốc nhất định, những công ty dược khác thường quyết định rằng loại thuốc này không sinh lợi đủ để họ theo đuổi việc sản xuất thuốc gốc (generic) với giá rẻ hơn.
Bệnh toxoplasmosis phù hợp với quy định này của FDA. Thực tế, không một hãng dược nào sản xuất thuốc giá rẻ cạnh tranh được với Daraprim vì chỉ khoảng 2.000 người Mỹ dùng thuốc này hằng năm. Điều này khiến Daraprim giống như một loại thuốc mới trên thị trường và cũng bởi “một mình một chợ” nên Hãng Turing tha hồ làm giá Daraprim.
“Đây là chiến lược kinh doanh, đây không phải là chiến lược của một công ty dược. Đây là chiến lược ăn cướp” - chuyên gia bệnh truyền nhiễm Carlos del Rio thuộc ĐH Emory nhận định về quyết định tăng giá của CEO Shkreli.
Đây không phải lần đầu một loại thuốc bị làm giá tại Mỹ. Trước đây, hồi năm 2010, Hãng dược Amedra đã mua lại bằng sáng chế Albendazole khi quyền sở hữu công nghiệp của thuốc chống ký sinh trùng này hết hạn.
Giá trung bình của một liều thuốc Albendazole hằng ngày tăng từ 5,92 USD lên 119,58 USD trong năm 2013. Điều đó có nghĩa là một bệnh nhân không có bảo hiểm sẽ kết thúc đợt điều trị sáu tháng với một khoản nợ lên đến hàng chục ngàn USD.
Cũng nhờ sự chỉ trích của bà Hillary Clinton - ứng viên chạy đua cho vị trí tổng thống của Đảng Dân chủ, công ty bán thuốc lao Cycloserine đã phải hủy bỏ việc tăng giá thuốc ban hành hồi tháng 8.
Daraprim là loại thuốc chữa bệnh Toxoplasmosis do ký sinh trùng Toxoplasma gondii gây ra, thường được các bệnh nhân AIDS, ung thư, cấy ghép nội tạng và phụ nữ mang thai sử dụng. Người bình thường nhiễm bệnh này thường không có biểu hiện gì nghiêm trọng nhưng đối với những người có hệ miễn dịch kém thì bệnh này có thể gây tử vong. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận