![]() |
Giờ anh Giản là thợ hớt tóc của làng |
Đó là ba anh em Phan Thanh Danh (sinh 1961), Phan Thị Bi (1963) và Phan Thanh Giản (1964) ở làng Xuân Hồi, xã Liên Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Bà Nguyễn Thị Bích, năm nay vào tuổi 78, mẹ của ba anh em, rơi nước mắt khi ngồi kể chuyện về những đứa con của mình. "Làm mạ (mẹ) nhiều đêm ngửa mặt kêu trời. Nhưng rồi nghĩ lại gạt nước mắt mà sống". Bà ngồi nhìn những người con đang quây xung quanh, ánh mắt tràn đầy yêu thương.
Từng muốn trầm mình
Bà Bích không kể hết được những nỗi cơ cực vợ chồng bà đã chịu khi sinh ra ba anh em Danh. Mỗi đêm, bà ôm ba đứa con với thân hình quặt quẹo trong tay mà suy sụp, tưởng mình không còn chút sức lực, tinh thần nào để tiếp tục sống. Nhiều khi bà ước chi mình có được... sáu cái tay để một lúc lo cho cả ba đứa. Cả ba anh em chỉ có những cái chân ngắn ngủn, quặt quẹo, vướng víu. Khi ngồi chỉ còn thấy nửa người trên và đôi tay.
Những năm tháng gian khổ của gia đình bà kể sao cho hết. Giờ đây cũng vậy nhưng đã bớt đi. "Lúc đó cuộc sống quá khó khăn. Tui chạy vạy mấy cũng chỉ được bữa rau bữa cháo, bọn hắn mấy lần có ý định rủ nhau trầm mình xuống sông" - bà Bích kể. Anh Giản - người con út - giờ đường hoàng là một thợ cắt tóc, giải thích: "Thấy mạ khổ quá nên nghĩ dại. Rồi tui nghĩ người ta không có con mắt, chỉ có đôi tay mà còn làm ăn sinh sống được. Mình thì cả ba anh em đều có đủ sáu con mắt, sáu cái tay vì răng mà phải chết, phải thua người ta?".
Thế là ba anh em tìm cách làm việc. Ban đầu họ tập đan lưới đánh cá, công việc không phải đi ra khỏi nhà. Mỗi ngày ba anh em cật lực đan được 1,5-2m lưới bán được 6-7 lon gạo. Chị Bi bồi hồi nhớ lại: "Ngày đầu bán được lưới, cầm tiền trong tay mừng chảy cả nước mắt!".
Vượt qua số phận
Bên ấm nước trà pha đãi khách, anh Giản tâm sự: "Trước đây anh em tui từng muốn bò ra sông Kiến Giang cùng nhau ùm xuống một cái là hết, dứt bỏ khổ ải. Nhưng tui nghĩ ở đời không ai cực hết cỡ, không ai sướng hết cỡ cả. Dù số phận không may nhưng mình cố sức thì cũng vượt lên số phận. Anh em tui hơn người khác là còn đôi mắt, còn nhìn được ngoài đời... Mà còn mắt là còn sống được. Anh em tui giờ không buồn nữa, mạ tui cũng không còn buồn nữa. Vì hiện tại bọn tui đã sống được rồi, sống tốt nữa là đằng khác". |
Anh Giản là người khỏe nhất và có học nhất - đã học xong lớp 5 - nên lãnh việc suy nghĩ tìm công việc cho ba anh em. Thấy trong làng chưa ai làm nghề cắt tóc, người làng phải đi sang làng khác, hoặc lên chợ huyện cắt nên anh tập cắt tóc quyết thành thợ. "Lần đầu tiên... ra tay, tui lấy luôn đầu của anh Danh để thí nghiệm. Dần dần tay nghề cũng khá nhưng người làng vẫn ngại". Sau họ thử tay nghề anh bằng cách... đưa bọn trẻ con tới.
Sau vài lần "ra trận" và lãnh không ít sự phàn nàn thì anh cũng được thừa nhận. Vậy là từ vài năm qua, quán cắt tóc của anh ngay trước nhà trở thành chỗ lui tới của người làng. Chỉ khác với các quán cắt tóc khác là ở đây thỉnh thoảng khách lại... bồng thợ hớt tóc đặt lên một cái ghế cao để cắt cho mình. Bây giờ mỗi ngày anh Giản có 7-10 người khách. Cuối ngày anh vào nhà, ba anh em quây lại đếm tiền. 20.000-25.000 đồng là thu nhập từ nghề cắt tóc.
Còn anh Danh và chị Bi nuôi heo, gà, ngan. Hiện trong nhà có 20 con gà mái đẻ, mỗi năm heo xuất hai lần, mỗi lần 4-5 con. Gà đẻ trứng, bà Bích mang ra chợ, số khác để ấp thành con, gây đàn. Vườn nhà còn hơn 200m2 đất được trồng cây khoai lang, rau cải... Không đi được như người ta, mỗi khi làm vườn anh Danh cho tất cả những thứ vật dụng làm vườn vào bao, cột sau lưng, rồi vừa lết vừa kéo. Tất tần tật, túi phân bón, can nước tưới... gì cũng kéo. Cứ vậy, cây trồng trong vườn xanh tốt quanh năm. Anh bảo: "Mình phải mần cho cuộc sống của mình chứ không thể trông cậy vào ai khác". Anh ước ao gây được đàn gà mẹ khoảng 100 con, "nay chưa có được thì gầy từ từ, còn mắt, còn tay thì lo gì không làm được".
Anh Giản mời tôi uống nước, rồi tất tả dùng chiếc ghế nhựa để "đi" ra quán cắt tóc. Có tiếng khách gọi anh ngoài đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận