20/12/2014 09:38 GMT+7

Cởi mở quan hệ Mỹ - Cu Ba vì lá phiếu

Tiến sĩ TERRY F. BUSS (viện sĩ Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ) - THÚY ĐÀO chuyển ngữ
Tiến sĩ TERRY F. BUSS (viện sĩ Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ) - THÚY ĐÀO chuyển ngữ

TT - Việc Tổng thống Barack Obama bất ngờ tuyên bố cởi mở quan hệ với Cuba đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Câu hỏi đặt ra là tại sao vào lúc này?

Cờ Mỹ trên đường phố thủ đô Havana của Cuba - Ảnh: Reuters

Việc chính quyền Obama đưa ra sáng kiến này mà không có sự hậu thuẫn hoặc tham vấn của Quốc hội đã đặt ra câu hỏi về động cơ của nó. Chính sách Cuba được tổng thống đưa ra trong một cuộc họp báo bất thường, khiến chính Đảng Dân chủ của ông cũng rơi vào tình thế bị động.

Quyết định có lợi cho Dân chủ?

Ông Obama chọn thời điểm ngay sau khi kết thúc bầu cử Quốc hội giữa kỳ hồi tháng 11 để tuyên bố hai chính sách gây nhiều tranh cãi về vấn đề người nhập cư từ các nước Latin và vấn đề Cuba. Tại sao? Đó là nhằm giảm đến mức tối đa những thiệt hại mà hai chính sách trên gây ra cho các ứng viên Đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử tổng thống sắp tới.

Nhiều nhà quan sát cho rằng Quốc hội mới nhiệm kỳ tháng 1-2015, với Đảng Cộng hòa chiếm đa số, sẽ phản đối chính sách với Cuba. Và như vậy Đảng Cộng hòa sẽ bị mất điểm khi phản đối chính sách này. Đây là điều sẽ khiến nhiều cử tri quay sang bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Chương trình bí mật

Các nhà phê bình đặt ra câu hỏi về cách thức đàm phán chính sách này với Cuba. Bộ Ngoại giao Mỹ lại không phải là cơ quan đàm phán chính sách này. Thay vào đó, Benjamin Rhodes, chuyên gia chấp bút các bài diễn văn của tổng thống, lại là người được giao phụ trách các cuộc đàm phán trong 18 tháng qua. Nhiều người cho rằng ông Obama cố tình giữ bí mật các cuộc đàm phán này, kể cả đối với Bộ Ngoại giao, để tránh việc này bị tiết lộ trước khi diễn ra bầu cử.

Tuyên bố cởi mở với Cuba của ông Obama cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nước khác và Liên Hiệp Quốc cũng là một áp lực nữa cho phe Cộng hòa. Thậm chí cả Tòa thánh Vatican cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thương thuyết thỏa thuận này.

Việc vận động hành lang của những nhóm Mỹ gốc Cuba tại Washington đã giảm đáng kể trong những năm gần đây.

Qua nhiều năm, các làn sóng di dân mới từ Cuba sang Mỹ cùng với các thế hệ trẻ em Cuba được sinh ra tại Mỹ đã không còn lo lắng nhiều về đất nước Cuba.

Thế hệ trẻ này có xu hướng ủng hộ Đảng Dân chủ, trong khi thế hệ người di cư từ Cuba trước đó là các tín đồ của Đảng Cộng hòa.

Vì vậy, có lẽ ông Obama đã nhìn thấy chính sách Cuba có thể thu hút nhiều hơn nữa số người ủng hộ Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Xoay trục sang châu Mỹ Latin

Chính quyền đương thời cho rằng chính sách đối với Cuba chính là phương thức để tái thu hút cam kết của các nước châu Mỹ Latin vốn đang có cảm giác bị nước Mỹ lãng quên - sau nhiều năm sa lầy ở Trung Đông và đang cố gắng xoay trục sang châu Á.

Các nước châu Mỹ Latin nhìn chung đều mong muốn Cuba tái hòa nhập cộng đồng khu vực thay bằng việc bị cô lập do chính sách của Mỹ. Chính quyền Mỹ nhìn nhận việc tái hòa nhập của Cuba chính là một biểu hiện thiện chí của Mỹ đối với châu Mỹ Latin.

Các nhà phê bình cho rằng việc xoay trục sang châu Mỹ Latin có thể là một động thái hoàn toàn hợp lý, trừ một thực tế suốt sáu năm qua chính quyền Mỹ không hề có một chiến lược nào cho khu vực châu Mỹ Latin. Thậm chí Mỹ đã chẳng làm gì trước thực tế Trung Quốc đang trở thành nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất tại khu vực này.

Bình thường hóa quan hệ với Cuba còn là phương thức để Mỹ đẩy lùi sự hiện diện mới được tăng cường của Nga tại khu vực tây bán cầu. Vào tháng 5, Nga tuyên bố ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự và chia sẻ thông tin bí mật với Cuba. Nga cũng tuyên bố muốn dùng Cuba làm cơ sở giám sát các chuyến bay trong khu vực vùng vịnh Caribê.

Tuy nhiên, các nhà phê bình đã kết luận chính sách tái khởi động quan hệ với Cuba của chính quyền Obama có nhiều khả năng gặp rắc rối về mặt pháp lý. Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua một số điều luật cần thiết để có thể tháo bỏ cấm vận với Cuba và để bình thường hóa các quan hệ ngoại giao, thương mại với nước này.

Cũng có thể Tổng thống Obama sẽ một lần nữa qua mặt Quốc hội như ông từng làm nhiều lần trước đây. Việc đó có thể sẽ đẩy chính quyền Mỹ lún sâu hơn nữa vào bế tắc, và dẫn đến việc phủ nhận tinh thần của chính sách này.

Các nhà phê bình cũng chỉ ra rằng đến thời điểm này vẫn chưa có tài liệu hoặc tuyên bố nào về việc chính quyền Obama muốn Cuba đáp ứng các điều kiện gì để dỡ bỏ lệnh cấm vận và xây dựng quan hệ đối ngoại.

Tiến sĩ TERRY F. BUSS (viện sĩ Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ) - THÚY ĐÀO chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên