04/06/2019 16:35 GMT+7

Coi chừng sập bẫy nắp cống

THU DUNG
THU DUNG

TTO - Mùa mưa đến. Rất nhiều bạn đọc tại TP.HCM phản ảnh tình trạng nắp cống ở một số tuyến đường bật nắp, lở lói, hư hỏng… Khi trời mưa, chúng như những cái "bẫy" đe dọa người đi đường.

Coi chừng sập bẫy nắp cống - Ảnh 1.

Tại ngã tư Trần Huy Liệu - Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận), miệng cống lở lói, nhồi nhét đầy rác - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại sao tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, nhiều vụ tai nạn xảy ra nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa sửa chữa?

"Cha chung" của cái nắp cống

Theo ghi nhận thực tế, dọc tuyến quốc lộ 13 (Q.Thủ Đức), đoạn đường chỉ dài nửa cây số nhưng có đến cả chục miệng cống bị lún, hư hỏng. 

Tại công trình một số dự án vừa thi công, miệng cống bị lở lói, đất đá vương vãi. Tương tự, nhiều tuyến đường ngay trung tâm TP như Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1), Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận)... rất nhiều miệng cống đều bị sụp xuống 3-5cm so với mặt đường. Nơi đó tạo thành những hố lồi lõm giữa đường, rất dễ gây tai nạn giao thông.

Ngày 26-5, ghi nhận ở ngã ba Pasteur - Trần Quốc Toản (Q.1 và Q.3), ba nắp cống bằng sắt bị bật ra. Mỗi lần xe chạy qua, miệng cống phát ra tiếng "ầm ầm". Người dân phải dùng các miếng cao su chèn lại để nắp cống không bị bật ra. 

"Đoạn đường này rất đông xe cộ đi lại. Vào những ngày mưa, một số người trượt ngã tại đây. Tình trạng này đã kéo dài hơn nửa năm nhưng vẫn chưa thấy đơn vị nào khắc phục" - chị N.T.N., người bán nước bên đường, phản ảnh.

Tương tự, anh Lương Minh Thức - một người dân sống trên đường Trần Quốc Toản - bức xúc: "Ngay vị trí nắp cống phía trước Ban chỉ huy quân sự P.8, Q.3, một số người đi đường đã bị trượt ngã. Miệng cống này bằng sắt, trơn, lại bị bật ra chênh vênh. Những miệng cống ở đây đã hư hỏng một thời gian dài nhưng chưa được sửa. 

Tôi nghĩ cơ quan chức năng phải xử phạt thật nặng, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, buộc đơn vị chủ quản bồi thường khi xảy ra tai nạn chết người tại các khu vực nắp cống hư này".

Ai quản lý và phải sửa chữa nắp cống? Trả lời câu hỏi này, một lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết việc sửa chữa, bảo trì nắp cống thuộc trách nhiệm của các đơn vị chủ quản như ngành điện, cấp nước, thoát nước, bưu chính viễn thông... TP.HCM đã có quy định thiết kế kỹ thuật về độ an toàn nắp cống trên đường rất cụ thể. 

"Thế nhưng, trên thực tế các đơn vị vẫn lơ là, chậm khắc phục tình trạng nắp cống hư hỏng, hoặc sau khi bàn giao thì không quan tâm đến việc sửa chữa, bảo trì" - vị cán bộ Thanh tra Sở GTVT TP nói.

Truy trách nhiệm cơ quan chủ quản

Ông Ngô Hải Đường - trưởng phòng quản lý và khai thác hạ tầng Sở GTVT TP - thừa nhận qua kiểm tra đã phát hiện nhiều vị trí nắp cống trên lòng đường, vỉa hè thường xuyên bị hư hỏng, cong vênh, bị mất, cao hoặc thấp hơn mặt đường, vỉa hè... 

Tình trạng trên đã tồn tại lâu ngày nhưng không được đơn vị chủ quản sửa chữa, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Ngoài ra, các đơn vị quản lý đường bộ thiếu trách nhiệm, không quan tâm kiểm tra, yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý triệt để.

"Sau khi tiếp nhận phản ánh của báo Tuổi Trẻ, Thanh tra Sở GTVT TP sẽ lập tức kiểm tra, yêu cầu các cơ quan chủ quản khẩn trương khắc phục trong vòng 48 giờ. Không để tình trạng nắp cống hư hỏng kéo dài khi đã vào mùa mưa" - ông Đường nói thêm.

Trước đó, trong tháng 5, Sở GTVT TP đã có văn bản yêu cầu các đơn vị kiểm tra, thống kê toàn bộ các cầu, đường trên địa bàn quản lý để thống kê các nắp cống, van cấp nước trên vỉa hè, dưới lòng đường hư hỏng, cong vênh, mất, cao hoặc thấp hơn mặt đường gửi gấp về Sở GTVT TP. Từ đó nhanh chóng sửa chữa các nắp cống hư để đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn chịu trách nhiệm giám sát các đơn vị thực hiện, báo cáo lại kết quả thực hiện việc sửa chữa. Nếu các đơn vị chưa thực hiện sửa chữa thì TP sẽ xử phạt và truy trách nhiệm các đơn vị đến cùng. Đơn vị nào cố tình không sửa chữa nắp cống, Sở GTVT TP sẽ đề xuất không cấp phép thi công. Các điểm thi công mới có nắp cống hư hỏng thì công trình không được nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Tai nạn từ miệng cống

• Tháng 10-2016, một người đàn ông đứng đón xe buýt trước cổng bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân) vấp ngã, lọt vào một hố ga công trình trên đường Kinh Dương Vương dẫn đến tử vong.

• Chiều 24-6-2016, bé trai Võ Văn M. (10 tuổi) nằm bất động vì nắp cống trên đường TTH 21 (phường Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM) đè lên người. Bé M. đã tử vong tại bệnh viện sau đó.

• Ngày 27-9-2017, cháu T. (lớp 4) đi học về gặp trời mưa bị nước cuốn vào cống bên đường tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, dẫn đến tử vong.

• Tháng 7-2018, một xe rác chạy trên đường Hai Bà Trưng (Q.3) bị sụp bánh sau xuống hố ga đã xuống cấp.

• Tại Bình Dương, ngày 9-9-2018, anh Lâm Rong (26 tuổi) bị nước cuốn vào ống cống trên đường Khánh Bình 26 và tử vong.

nap cong

Nắp hầm trên đường Phạm Hồng Thái, Q.1, TP.HCM thấp hơn so với mặt đường, nhiều xe khi di chuyển qua làm nắp hầm bật lên - Ảnh: N.PHƯỢNG

Hàng loạt nắp cống hư hỏng có thể kể đến: nắp cống điện lực cong vênh tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh. Hệ thống nắp cống thoát nước trên mặt đường Lê Thánh Tôn (Q.1), đường Phạm Thế Hiển (Q.8) thấp hơn mặt đường. Nắp cống viễn thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (gần giao lộ Đinh Tiên Hoàng) hư hỏng, thấp hơn mặt đường. Nắp cống thoát nước trên đường Trường Sa (dưới dạ cầu Công Lý) thấp hơn mặt đường...

Phẫu thuật cứu người đàn ông bị nắp cống nghiền nát Phẫu thuật cứu người đàn ông bị nắp cống nghiền nát

TTO - Trong lúc lái vỏ lãi trên kinh Vàm Nhon, đến cống Vàm Nhon, dù cống đang trong tình trạng đóng hờ sắp khép nhưng ông Trung vẫn cố gắng vượt qua, cống bất ngờ đóng lại.

THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên