Hàng chục nghìn nắp cống bằng thép bóng loáng, trơn trượt, lồi lên trũng xuống dọc ngang trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM là nguy cơ tiềm ẩm rủi ro với người đi đường.

Vô số nắp cống lồi lõm rình rập người đi đường - Ảnh 1.

Theo thông tin Tuổi Trẻ Online có được, TP.HCM có hơn 22.000 nắp cống thuộc trách nhiệm quản lí của Viễn thông TP.HCM (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam); hơn 68.000 nắp cống thoát nước thuộc trách nhiệm quản lí của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM và hơn 146.000 chiếc thuộc quản lí của 24 quận, huyện.

Vô số nắp cống lồi lõm rình rập người đi đường - Ảnh 2.

Ông Lâm Kim Tỵ (72 tuổi), chạy xe ôm gần 20 năm nay ở khu vực quận Bình Thạnh nói đó là nỗi lo có thật mà không biết kêu ai. Mưu sinh gắn với những cung đường đã nhiều năm nên ông thấu cảm nỗi lo này hàng ngày.

Ông Tỵ chia sẻ một kinh nghiệm chạy xe máy ở TP.HCM mà nghe qua thấy đau đớn, thay vì đi thẳng, ông phải liên tục né sang phải, lách bên trái để khỏi bị sụp những nắp cống hụp xuống thành ổ gà, hoặc leo lên những nắp cống lồi lên như cái mô...

Ông Tỵ nói không ai dại gì leo lên nắp cống mà đi, có nhiều nắp cống trơn trượt, nhất là lúc trời mưa, nguy cơ bị trượt ngã, tai nạn rất cao.

Nhưng cũng vì né nắp cống, nhiều phen ông Tỵ giật mình khi phải đột ngột lách sang phải hay trái, rất dễ gặp va chạm xe cộ từ phía sau.

Cũng còn một nỗi sợ khác là ở những tuyến đường bị ngập, ông rất khó quan sát nắp cống, nên nhiều khi muốn né cũng không biết đâu mà né.

Vô số nắp cống lồi lõm rình rập người đi đường - Ảnh 4.

Báo cáo với cơ quan chức năng TP.HCM sau khi rà soát, xử lí khắc phục các nắp cống không đảm bảo an toàn vào đầu tháng 6-2017, Viễn thông TP.HCM cho biết trong tổng số 22.000 nắp cống đơn vị này quản lý chỉ có 15 nắp cống bằng sắt và 33 nắp cống bằng bê tông bị hư hỏng nhưng đã được sửa chữa.

Cơ quan này còn khẳng định đã tuân thủ đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan, đảm bảo không xảy ra tình trạng nắp cống cao hoặc thấp hơn mặt đường, sụt lún hoặc không cân bằng.

Trong số hơn 22.000 nắp hầm cống do Viễn thông TP.HCM chịu trách nhiệm, có hơn 16.000 chiếc lắp đặt dưới lòng đường. Đây là con số rất đáng quan tâm, bởi những nắp cống đặt dưới lòng đường, có diện tích bề mặt lớn, là loại tiềm ẩn nhiều rủi ro và tai nạn cho người dân.

Đi thực tế nhiều tuyến đường sau báo cáo nói trên của Viễn thông TP.HCM, không quá khó để PV ghi nhận không ít nắp cống cao hoặc thấp hơn mặt đường, sụt lún hoặc chênh lệch cao, không cân bằng.

Chỉ cần vòng quanh một vài tuyến đường ở các quận Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình…, đã có thể ghi được rất nhiều hình ảnh của những nắp cống oằn lún, trơn trượt, nhô lên khỏi mặt đường, trong tình trạng hư hỏng, gây nguy hiểm khác.

Vô số nắp cống lồi lõm rình rập người đi đường - Ảnh 6.

Trả lời vấn đề này, ông Lê Quốc Cường - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cho biết theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật, nắp cống bể viễn thông (bằng bê tông, bằng gang) phải ngang bằng với mặt đường, đảm bảo an toàn cho người đi lại.

Tuy nhiên, ông Cường nhìn nhận đúng như phản ánh của người dân, trên thực tế có tình trạng các nắp cống viễn thông bị oằn lún hoặc gồ ghề, cao hơn mặt đường; nhiều nắp cống đã sử dụng lâu năm nên không còn đảm bảo độ nhám, chống trơn trượt, nhất là khi trời mưa…

Ông Cường khẳng định trách nhiệm trước hết là của các chủ đầu tư hay chủ sở hữu các công trình ngầm, trong đó có nắp cống bể viễn thông với số lượng rất lớn như hiện nay.

Còn trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, ông Cường nói Sở đã yêu cầu các chủ đầu tư công trình viễn thông ngầm phải xử lí dứt điểm các nắp hầm cống viễn thông bị lún, gồ ghề, cao hơn mặt đường. Ông nói "tôi cũng không yên tâm với những nắp cống như thế này".

Vô số nắp cống lồi lõm rình rập người đi đường - Ảnh 8.

Trong khi đó, ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lí hệ thống thoát nước Trung tâm chống ngập TP cho biết Trung tâm này ký hợp đồng (theo hình thức đặt hàng) với Công ty Thoát nước đô thị TP thực hiện nhiều yêu cầu công việc, trong đó có tuần tra, bảo dưỡng định kỳ.

Khi Trung tâm chống ngập kiểm tra trên tuyến cống có hạng mục làm không đạt yêu cầu, thì bên nhận đặt hàng phải làm lại hạng mục đó và bị phạt 25% giá trị nhận đặt hàng của nhóm công việc liên quan này.

Còn trong tháng, tuyến cống nào đã vi phạm và bị phạt 25% như vừa nêu, mà vẫn không báo cáo kịp thời các hư hỏng hoặc có phản ánh tiếp tục về các sự cố của tuyến cống thì bị phạt 100% giá trị đặt hàng. 

Trong sáu tháng đầu năm 2017, Trung tâm chống ngập đã phạt theo hợp đồng (cắt trừ tiền đặt hàng) khoảng 700 triệu đồng do vi phạm về thực hiện các yêu cầu liên quan đến hệ thống cống thoát nước. 

Vô số nắp cống lồi lõm rình rập người đi đường - Ảnh 9.

Vô số nắp cống lồi lõm rình rập người đi đường - Ảnh 11.

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đề nghị trong trường hợp người dân đi trên đường nhận thấy những nắp cống bị oằn lún hoặc gồ ghề, nắp cống bị mất, hư hỏng…, gọi điện thông báo đến tổng đài 1022.

Hiện TP.HCM đang vận hành tổng đài 1022 để tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật đối với các lĩnh vực: Giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng công cộng, cây xanh, điện lực, viễn thông và thông tin phản ánh thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt, tra cứu thông tin về xe buýt.

QUỐC THANH
QUỐC THANH - QUANG ĐỊNH - LÊ PHAN
TƯỜNG HÂN
NGỌC THẠCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên