Môt trẻ bị rắn cắn vào chân, gia đình đập rắn đem theo vào bệnh viện - Ảnh: T. LŨY
Bác sĩ Trần Văn Dễ - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết chỉ tính từ tháng 9 đến tháng 10, bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu 13 ca trẻ nhỏ bị rắn cắn, chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ, trong đó 5 trường hợp nặng phải truyền huyết thanh kháng nọc rắn.
Bác sĩ Dễ cho rằng đây là tình trạng rất cần cảnh báo, vì trước nay chỉ thường gặp rắn cắn ở người lớn do tiếp xúc hoặc lao động ở môi trường bụi rậm, cây cỏ. Gần đây, trẻ em bị rắn cắn ở đô thị nhiều hơn nông thôn, đa phần bị rắn cắn trong nhà, có khi rắn chui vào xe đẩy, thùng đồ chơi, gầm bàn...
Mới đây, có trường hợp bé Lê Hữu H. (34 tháng tuổi, ở phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) bị rắn cắn khi đang ngủ cùng mẹ dưới nền nhà.
Theo mẹ bé kể, trong lúc đang ngủ, bất ngờ nghe con khóc thét, chị choàng dậy thấy có con rắn lục nằm ngoài mùng kế bên tay con. Bé bị rắn cắn vào 2 cánh tay, người nhà đập chết con rắn lục đuôi đỏ và đưa bé đến bệnh viện.
Do bé H. còn nhỏ và bị cắn vào 2 cánh tay nên nọc rắn lan nhanh làm sưng nề cả 2 cánh tay, xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu. Các bác sĩ phải truyền đến 2 lần huyết thanh kháng nọc rắn, theo dõi tại khoa hồi sức tích cực và chống độc. Sau đó tình trạng nhiễm độc mới được cải thiện, bé được tiếp tục điều trị tại khoa nội tổng hợp.
Theo các bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, năm nay có thể do mùa nước nổi cao hơn mọi năm, nước ngập sâu nên rắn bò lên các vùng cao, bò vào nhà... vì vậy trẻ bị rắn cắn nhiều hơn các năm trước.
Thường gặp là rắn lục đuôi đỏ cắn, vết cắn của loài rắn này thường chảy nhiều máu và sưng phù vùng bị cắn rất nhanh, lan rộng ra xung quanh. Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân có thể gặp các hiện tượng nguy hiểm như: tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch... Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim, rối loạn đông máu và nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Dễ khuyến cáo khi bị rắn cắn, phụ huynh tuyệt đối không nên tìm thầy lang hay nhai thuốc, nhai lá đắp lên vết thương rắn cắn vì dễ gây nhiễm trùng. Điều này làm lãng phí "thời gian vàng" khi điều trị rắn cắn, vì các trường hợp rắn độc cắn, nhiễm độc cần phải được truyền huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu càng sớm càng tốt, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận