Gia đình khiếm thính của cô bé Ruby trong phim CODA - Ảnh: APPLE TV
CODA là chữ viết tắt của "child of deaf adults" (con cái người khiếm thính). Bất chấp nội dung khá xa lạ, dàn diễn viên không ngôi sao, bộ phim gây xúc động vì sự chân thực và thấu hiểu ngay từ khâu tuyển chọn diễn viên.
Bộ phim cảm động về gia đình khiếm thính
Trong bộ phim, trong mắt xã hội, người khiếm thính hiện lên như những kẻ tội nghiệp dù họ có nghề nghiệp đàng hoàng, lương thiện và không làm phiền ai. Khi họ giao tiếp, những người lành lặn nhìn họ như kẻ dở hơi đang khua chân múa tay.
CODA - Official Trailer
Khi Ruby - con út trong một gia đình cha mẹ và anh trai đều câm điếc - ra đời và có khả năng nghe nói, mẹ cô hoang mang vì bà sợ mình sẽ là một người mẹ tồi.
Đó là lý do bà trở nên quá bảo bọc con gái. Là người mẹ câm điếc của đứa con gái lành lặn, bà luôn sợ hai mẹ con sẽ xa cách và rồi một ngày cô bé sẽ rời xa vòng tay mình.
Nỗi sợ đó hóa thành sự thật khi Ruby bước vào tuổi 17, bộc lộ ước mơ theo đuổi nghiệp ca hát bằng cách thi vào trường cao đẳng nghệ thuật.
Ruby yêu ca hát, yêu những giai điệu đẹp, yêu âm thanh cuộc sống - thứ mà bố mẹ và anh trai cô chưa và sẽ không bao giờ được cảm nhận trọn vẹn.
Cảm giác của cô bé 17 tuổi Ruby chính là sự mắc kẹt. Cô mắc kẹt giữa hai thế giới. Một bên là thế giới câm lặng của gia đình mình, khi họ giao tiếp với nhau và với người ngoài.
Và một bên chính là thế giới bên ngoài đó, với những người vẫn đang ngày ngày làm ăn, kết bạn nhưng sâu xa vẫn coi thường và chế nhạo gia đình cô.
Cảnh cả gia đình khiếm thính "nghe" Ruby ca hát là khoảnh khắc độc đáo của phim - Ảnh: APPLE TV+
Gia đình nghĩa là "lắng nghe" nhau
Ruby nói với một người bạn: "Cậu không hề biết cảm giác nghe mọi người chế nhạo gia đình cậu, còn cậu phải bảo vệ họ vì họ không nghe được còn cậu thì có".
Cô bé là đôi tai, là tiếng nói và cầu nối của gia đình cô với xã hội. Với nghề đánh cá gia truyền từ đời ông cố nội, gia đình cô vận hành như một doanh nghiệp nhỏ. Thức dậy lúc 3h sáng mỗi ngày để ra khơi, cô mệt nhoài và thường ngủ quên trong lớp học. Khi gia đình chuyển sang kinh doanh riêng, vai trò của Ruby càng trở nên không thể thiếu.
Đó là một trọng trách quá lớn với đứa trẻ mới 17 tuổi đang háo hức khám phá thế giới ngoài kia thay vì mãi gắn bó với nghề cá của gia đình. Có lúc cô bé đã đứng trước lựa chọn hoặc ở lại phiên dịch cho gia đình hoặc đến nhà thầy tập hát.
Một số diễn viên chính là người khiếm thính và thấu hiểu nhân vật - Ảnh: GETTY IMAGES
Đằng sau tình tiết tưởng chừng đơn giản đó là lựa chọn giữa gia đình và ước mơ, và lựa chọn đó thật đau đớn với bất cứ ai 17 tuổi.
Xuyên suốt bộ phim CODA, khán giả hầu như được nhìn sự việc dưới góc nhìn của Ruby - người duy nhất có thể lắng nghe trong gia đình Rossi. Nhưng đến gần cuối, khán giả được lắng nghe "tiếng nói" từ gia đình cô. Một "tiếng nói" không phải bằng âm thanh nhưng rất rõ ràng và xúc động.
Tình tiết xúc động nhất của CODA là khi Ruby hát trên sân khấu. Trong một khoảnh khắc, máy quay tập trung vào ánh mắt người cha và đột nhiên tiếng hát của Ruby lẫn mọi âm thanh đều biến mất.
Thế giới của người cha không một tiếng động, nhưng ông thấy mọi người lau nước mắt vì tiếng hát của con gái mình, và ông chợt nhận ra ước mơ của con gái đáng trân trọng biết bao.
"CODA" được đánh giá cao ở Liên hoan phim Sundance dành cho dòng phim độc lập - Ảnh: APPLE TV+
Trong thế giới tĩnh lặng của người câm điếc, họ vẫn có vô vàn cách lắng nghe mọi người và khiến mọi người phải lắng nghe.
Đó là ánh mắt và cử chỉ, là tình yêu thương và sự cảm thông. Người cha đã "lắng nghe" Ruby hát bằng cách nhìn vào những phản ứng của mọi người, bằng cách chạm vào cổ họng con gái khi cô ngân lên những lời ca.
Và ngược lại, đó cũng chính là khoảnh khắc Ruby chịu "lắng nghe" cha mình, không phải bằng đôi tai thông thường mà bằng trái tim cô.
Và gia đình khiếm thính của 4 con người này cũng đâu khác gì những gia đình ngoài kia. Để là một gia đình, chúng ta cần lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. Cũng như cô bé Ruby và gia đình mình, sự thấu hiểu ấy không đến từ đôi tai mà đến từ trái tim.
Diễn viên khiếm thính thủ vai
Bên cạnh nữ diễn viên trẻ Emilia Jones trong vai cô con gái Ruby, cả 3 thành viên còn lại của gia đình Rossi trong phim đều do các diễn viên khiếm thính ngoài đời thủ vai.
Cô gái Ruby 17 tuổi là đôi tai và tiếng nói của gia đình mình - Ảnh: APPLE TV+
Cả Daniel Durant (đóng vai người cha), Marlee Matlin (người mẹ) và Troy Kotsur (anh trai) đều là người câm điếc và là những nhà hoạt động cho quyền lợi cộng đồng của mình.
Hơn ai hết, họ thành thạo ngôn ngữ ký hiệu và thấu hiểu những khó khăn trong cuộc sống của người câm điếc. Họ mang một phần cuộc đời mình vào phim, chứ không chỉ bắt chước và hóa thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận