![]() |
Bạn Nguyễn Hữu Lợi, quê Bình Phước (phải), được các tình nguyện viên hướng dẫn tìm việc ngay khi xuống xe ở bến xe miền Đông - Ảnh: Mai Vinh |
Chương trình trên xuất phát từ bài báo “Đường dây “bán sống” người nhà quê” đăng trên Tuổi Trẻ ngày 8-11-2010.
Hồ sơ xin việc Bộ hồ sơ xin việc của người lao động gồm: đơn xin việc, hai sơ yếu lý lịch, hai bản sao hộ khẩu, hai bản sao chứng minh nhân dân (có công chứng), hai ảnh 3x4 mới nhất. |
Xe đò cập bến miền Tây. Chị Lê Thị Ngọc Cẩm (quê Tiền Giang) cùng nhiều hành khách lỉnh kỉnh tay xách nách mang xuống xe. Chị ngỡ ngàng khi được các tình nguyện viên tiếp cận và giới thiệu chương trình “Tiếp sức người lao động” giúp chị kiếm việc làm.
Chị Cẩm cho biết lên TP.HCM tìm việc mà gặp được chương trình này thì quá hay. Sau một lúc được tư vấn và đi một vòng xem qua các đầu việc, chị chọn công việc may tại một công ty ở Q.Gò Vấp. Rồi chị Cẩm hối hả gọi về quê cho bạn: “Tìm được việc rồi, có làm cùng không mình đăng ký luôn cho?”.
Tại bến xe miền Tây, các tình nguyện viên chờ sẵn phát tờ rơi giới thiệu về chương trình “Tiếp sức người lao động” ngay tại cửa xe cập bến. Ai có nhu cầu tìm việc làm được chỉ đường đến văn phòng “Tiếp sức người lao động” cách đó chừng 50m. Tại đây, hàng ngàn chỉ tiêu việc làm thuộc các lĩnh vực du lịch - nhà hàng - khách sạn, kế toán, bán hàng, cơ khí - điện - điện tử, tin học - xây dựng, hành chính văn phòng, thợ lành nghề, kinh doanh - tiếp thị, lao động phổ thông... với mức lương 1,5-8 triệu đồng/tháng đang chờ người lao động lựa chọn.
Hàng trăm lượt hành khách khác vừa xuống xe thấy có chương trình trên cũng ghé vào hỏi thăm rồi đăng ký tìm việc. Trong đó nhiều người muốn có việc làm ngay nhưng không mang theo hồ sơ xin việc nên để lại thông tin cá nhân hẹn ngày khác bổ túc hồ sơ. Như trường hợp anh Nguyễn Thanh Phong (quê Phú Yên): “Tôi đã điền thông tin gửi ở quầy đăng ký, hồ sơ có sẵn ở nhà trọ rồi, mai mang đến nhận việc”.
Không còn lo bị lừa đảo
Từ tờ mờ sáng, những chiếc xe khách mang biển số các tỉnh miền Trung tiến vào bến xe miền Đông. Nhiều người trong hàng nghìn hành khách đến TP.HCM để kiếm việc làm. Rất nhiều trong số họ lần đầu đặt chân đến mảnh đất đông đúc này nên có vẻ rụt rè, lo sợ. Cánh xe ôm “dù” chực chờ bên ngoài từ xa chỉ trỏ các “con mồi”, không chỉ để chở khách mà còn dụ dỗ tìm việc làm theo kiểu “bán lao động”. Văn Nam, một người chạy xe ôm của bến, cho biết: “Một số xe ôm “dù” kiếm ăn bằng cách chở khách thì ít mà “bán xôn” cho mấy cơ sở sản xuất không giấy phép kinh doanh thì nhiều”.
Anh Đỗ Đức Chính, đội phó Đội “Tiếp sức người lao động” phụ trách bến xe miền Đông, kể lại: “Mấy anh em trong đội cũng bị làm khó dễ khi chen lấn vào dòng người xuống xe để hỏi thăm xem ai cần việc làm, phát tờ rơi và mời họ về văn phòng đặt tại điểm đỗ khách. Bị đe dọa khiến chúng tôi phải phản ảnh với bảo vệ bến và công an khu vực”. Để tránh các “cò” trà trộn lấy thông tin đầu việc sau đó bán lại cho người lao động, ban tổ chức đã không cung cấp địa chỉ cụ thể công ty tuyển dụng cho đến khi ứng viên hoàn tất hồ sơ xin việc.
Trong dòng người xuống xe có hai anh em ruột là Lâm Thắng và Lâm Đinh, quê Quảng Nam. Cùng đi với hai anh em là mẹ, khuôn mặt bà hiện rõ nét xanh xao của một người ốm nặng. Lâm Thắng cho biết mẹ đau nặng nên hai anh em sắp xếp đưa vào đây và sẽ đi làm để trang trải cho mẹ chữa bệnh. Lâm Đinh thì dán chặt mắt vào những thông tin việc làm mong có việc nhanh nhất, vì biết tiền mang theo sẽ vơi nhanh với mức sinh hoạt quá cao ở thành phố cùng chi phí thuốc thang cho mẹ. Sau một hồi tìm kiếm và được sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên, hai anh em thở phào vì chấm được công việc tiếp tân khách sạn và hẹn sẽ hoàn tất hồ sơ để sớm nhận việc.
Nhiều người đến TP.HCM tìm việc tỏ ra nghi ngại với các lời giới thiệu vì đã được báo chí và bạn bè từng bị lừa cảnh báo. Nguyễn Thu Hiền (quê Gia Lai) cho biết tâm trạng đã đỡ hồi hộp rất nhiều sau khi được tư vấn trực tiếp và hướng dẫn cụ thể. Trước khi xuống TP.HCM cô đã được một người bạn từng bị lừa cảnh báo. Đầu năm 2010, bạn của Thu Hiền bị một “cò” lao động lừa mất 2 triệu đồng với lời chào ngọt xớt: “Hỗ trợ ăn ở, lương 5 triệu đồng/tháng”. Khi bước xuống xe Hiền tỏ vẻ lo ngại khi gặp lời chào mời. Một nữ tình nguyện viên ra phát tờ rơi và hướng dẫn Hiền vào bàn tư vấn. Khi vào trong văn phòng của đội “Tiếp sức người lao động” Hiền mới bắt đầu tin tưởng và dò bảng thông tin việc làm để lựa chọn.
Anh Đỗ Đức Chính cho biết mục tiêu hiện thời là cung cấp thông tin việc làm ngay khi người lao động vừa xuống xe để họ bớt tiếp xúc với những kênh thông tin khác và hỗ trợ họ một số thủ tục cần thiết nhanh chóng tìm được việc. Đồng thời, đội muốn tự giới thiệu đây là một điểm tư vấn việc làm tin cậy, nhất là với lao động phổ thông.
Người nghèo có việc, ai cũng được lợi Trong buổi sáng khởi động chương trình tại hai bến xe miền Đông và miền Tây đã có gần 200 lượt người được tư vấn việc làm, trong đó số đăng ký tìm được việc là gần 40 người. Theo anh Nguyễn Tri Quang - giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên, dự báo năm 2011 TP.HCM cần 265.000 lao động. Tỉ lệ lao động từ các tỉnh đến TP.HCM làm việc chiếm khoảng 30% lực lượng lao động tại thành phố (chủ yếu là lao động phổ thông, chiếm tỉ lệ 70%). Ông Trần Quốc Thịnh, giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực Công ty cổ phần Long Hậu - đơn vị hỗ trợ chính chương trình, cho hay các doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề thu hút, tuyển dụng lao động do tình hình khan hiếm lao động đang diễn ra rất trầm trọng. “Chúng tôi mong muốn sẽ đem lại các cơ hội việc làm tốt nhất cho người lao động cũng như góp phần giải quyết phần nào tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay” - ông Thịnh cho biết. Mở rộng tiếp sức người lao động Trong buổi ra quân, anh Phan Văn Mãi, bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, gợi ý: chương trình cần phối hợp cùng cơ sở Đoàn các tỉnh để thông tin đến với đông đảo người lao động có nhu cầu tìm việc. Anh Nguyễn Tri Quang cho hay sẽ triển khai việc cung cấp đĩa phim giới thiệu chương trình trên các chuyến xe trong tuần tới. Bên cạnh đó, trong hai ngày 12 và 13-3, Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm cấp thành tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM phục vụ nhu cầu tìm việc của sinh viên mới ra trường, thanh niên có trình độ cao. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Đường dây “bán sống” người nhà quê: Công an đang tìm manh mốiVô lương tâm, vô cảm hay vô trách nhiệm?Đường dây “bán sống” người nhà quêDẹp ngay nạn “bán sống” người nhà quêKhai mạc chương trình “Tiếp sức người lao động”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận