22/05/2024 15:25 GMT+7

Cơ trưởng Boeing 787: Có những nhiễu động mà radar trên máy bay không phát hiện được

Theo cơ trưởng Boeing 787 Phan Xuân Đức, nhiễu động mà máy bay của Singapore Airlines gặp phải có thể là hiện tượng nhiễu động trời trong, nguy hiểm nhưng rất khó phát hiện.

Chiếc Boeing 777 của Singapore Airlines (SIA) trên đường băng sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok (Thái Lan) ngày 21-5 - Ảnh: BANGKOK POST

Chiếc Boeing 777 của Singapore Airlines (SIA) trên đường băng sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok (Thái Lan) ngày 21-5 - Ảnh: BANGKOK POST

Cơ trưởng Phan Xuân Đức cho biết có rất nhiều loại nhiễu động không khí, riêng nhiễu động nguy hiểm cho máy bay có khoảng 10 loại. Nhưng không phải nhiễu động nào cũng được radar thời tiết của máy bay hay phi công phát hiện để cảnh báo trước.

Không phải nhiễu động nào cũng phát hiện được

Nhiễu động thường có nguyên nhân tự nhiên nhưng có nhiễu động do máy bay gây ra (Wake turbulence) khi máy bay bay cạnh nhau hoặc nối đuôi trong khoảng cách gần. Nhiễu động này do sự xáo trộn không khí phía sau khi máy bay vừa bay qua. Nếu gặp máy bay lớn bay ngược chiều trong khoảng cách gần thì máy bay đối diện có khi bị tụt cả ngàn mét.

"Có trường hợp máy bay tiêm kích lên hộ tống chuyên cơ của nguyên thủ nhưng bay gần chuyên cơ quá gây nhiễu động khiến những người trong chuyên cơ không thắt dây an toàn bị hất tung lên"- ông Đức cho biết.

Cơ trưởng Phan Xuân Đức cho biết nhiễu động do máy bay vào vùng mây dày thì có radar thời tiết trên máy bay cảnh báo, phi công cũng nhận thấy bằng mắt thường để tránh, cảnh báo hành khách thắt dây an toàn.

Còn nhiễu động trời trong (Clear Air Turbulence) do dòng chảy xiết của không khí trên cao với vận tốc lớn thì không thể cảnh báo. Bởi vì, nhiễu động này xảy ra khi trời trong vắt, không có mây. Phi công không thể nhận biết, còn máy bay không có thiết bị để phát hiện nhiễu động này.

Ông Đức nhận định nhiều khả năng chuyến bay SQ321 của Singapore Airlines đã gặp phải nhiễu động trời trong khi bay qua Myanmar.

"Nhiễu động trời trong xảy ra thường xuyên. Với đường bay từ Đông Nam Á đi châu Âu năm nào cũng xảy ra. Máy bay gặp nhiễu động này nhẹ thì thấy rung lắc, mạnh thì làm máy bay mất độ cao hàng trăm mét, dập lên, dập xuống, lắc ngang, lắc dọc. 

Máy bay không rơi do nhiễu động nhưng khi gặp nhiễu động mạnh cảm giác rất kinh khủng vì không biết xu hướng dịch chuyển của máy bay thế nào" - cơ trưởng Phan Xuân Đức mô tả trải nghiệm trong 30 năm lái nhiều loại máy bay.

Hành khách nên thắt dây an toàn trong suốt chuyến bay

Ông Đức cho biết khi gặp nhiễu động, đầu tiên phi công phải giảm tốc độ máy bay vì tốc độ càng cao mà gặp nhiễu động thì máy bay càng rung lắc mạnh. Tiếp đó xin không lưu cho máy bay giảm độ cao để tránh vùng nhiễu động. Máy bay thương mại thường bay ở độ cao lớn để tiết kiệm nhiên liệu nên không thể tăng thêm độ cao lúc gặp nhiễu động.

Nhưng hiện nay chiến tranh giữa Nga và Ukraine khiến các đường bay từ Đông Nam Á đi châu Âu phải vòng tránh. Việc này làm giảm số lượng đường bay và tăng mật độ máy bay trên đường bay khác.

Do mật độ máy bay quá dày nên gặp nhiễu động chưa chắc không lưu đồng ý cho máy bay giảm độ cao ngay. Trên một đường bay, máy bay đan xen ngược xuôi, phân cách độ cao 300m lại có một máy bay ngược chiều nên khi được phép giảm độ cao cũng phải chờ.

Theo ông Đức, nhiễu động không khí xảy ra thường xuyên, nhất là mùa đông. Trên thế giới năm nào cũng có chuyến bay gặp nhiễu động lớn làm hành khách bị thương nhưng chết người do nhiễu động thì hiếm. Hành khách chết khi máy bay gặp nhiễu động có thể do có nguyên nhân từ bệnh lý.

"Do có những nhiễu động không phát hiện được nên hành khách trên máy bay tốt nhất nên thắt dây an toàn thường trực, hạn chế đi lại khi không có việc cần thiết. Khi thắt dây an toàn, nếu bị nhiễu động mạnh, máy bay rung lắc, tụt độ cao nhiều thì cùng lắm hành khách bị nhấc mông khỏi ghế chứ không đụng đầu lên trần máy bay", cơ trưởng Phan Xuân Đức khuyến cáo.

Ông Đức cho biết thêm các máy bay đời cũ không có hệ thống cảm biển và thiết kế để giúp máy bay đỡ rung lắc khi gặp nhiễu động. Với máy bay Boeing chỉ có dòng 787 có thiết kế trên, cánh máy bay được thiết kế để cong ngược lên phía trên khi gặp nhiễu động để giảm tác động rung lắc. Các dòng Boeing 767, 777 không có thiết kế này.

Khi còn lái Boeing 767 bay đi Mỹ, lúc qua không phận Nhật Bản gặp nhiễu động trời trong dữ dội, ông Đức đã xin giảm độ cao và duy trì mực bay thấp hơn nửa tiếng để tránh nhiễu động trước khi ngoi lên mực bay cũ.

Theo thông tin từ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, nhiễu động trời trong (Clear Air Turbulence - CAT) là sự chuyển động hỗn loạn của không khí trong điều kiện trời quang mây, thường xảy ra ở các khu vực chèn giữa các khối không khí di chuyển với tốc độ rất khác nhau.

Nhiễu động này thường xảy ra ở khu vực gần các dòng chảy xiết không khí (Jet stream) với vận tốc vùng lõi có thể 300km/h ở độ cao khoảng 7 - 12km trên khu vực vùng cực và 10 - 16km ở khu vực xích đạo.

Các hãng hàng không thường có bộ phận phân tích dự báo của các cơ quan khí tượng hàng không về nhiễu động trời trong để cung cấp cho phi công trước chuyến bay để đối chiếu đường bay, mực bay chuyến bay mình khai thác nhằm chủ động bay tránh nhiễu động.

Tuy vậy, nhiễu động trời trong không thể nhìn thấy bằng mắt thường, cũng không thể phát hiện được trên radar thời tiết nên thỉnh thoảng máy bay vẫn bị tác động.

Máy bay Singapore Airlines hạ cánh khẩn ở Bangkok, hành khách Anh tử vong, 7 người nguy kịchMáy bay Singapore Airlines hạ cánh khẩn ở Bangkok, hành khách Anh tử vong, 7 người nguy kịch

Máy bay của Singapore Airlines yêu cầu hạ cánh khẩn cấp ở sân bay Suvarnabhumi do nhiễu loạn, khiến 1 người chết, 30 người bị thương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên