23/03/2015 09:16 GMT+7

​Cổ tích giữa đồng bưng

SƠN LÂM - VIỄN SỰ
SƠN LÂM - VIỄN SỰ

TT - Một chàng trai Sài Gòn là kỹ sư điện, tình cờ gặp một cô gái bại liệt cả hai chân, bị ung thư xương và đem lòng yêu thương.

Rồi từ bỏ thị thành, công danh về đồng bưng biên giới thả trâu mướn để cưới và chăm sóc cô gái cùng bà mẹ mù lòa.

Anh Đặng khoe với vợ thau cá vừa bắt được - Ảnh: S.Lâm

Câu chuyện như cổ tích ấy nay đã được sáu năm ròng, sáu mùa tết kể từ ngày anh Nguyễn Văn Đặng tìm về ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An và trở thành cư dân ven dòng kênh Cái Cỏ - con kênh biên giới giữa tỉnh Long An và tỉnh Svay Rieng, Campuchia.

Nên duyên từ tin nhắn

Trưa tháng 3, biên giới nắng gay gắt, mặt kênh Cái Cỏ bốc lên từng đụn hơi nước nóng phả vào mặt. Dưới kênh anh Đặng đang lùa bầy trâu anh chăn mướn từ phía cánh đồng biên giới về. Gặp khách xa, anh Đặng nhoẻn miệng cười xởi lởi mời vô nhà, giọng hào sảng như một nông dân thứ thiệt đồng bưng.

Trong căn nhà tôn nóng hầm hập chừng 10m², câu chuyện đầu tiên chúng tôi được nghe không phải về anh Đặng mà về người vợ liệt hai chân của anh: chị Nguyễn Thị Tuyết Mai. Quê ở Trà Vinh, gia đình chị Mai dạt về vùng biên giới Long An từ lúc chị mới lên 5.

Bi kịch đầu tiên xảy đến với gia đình Mai khi mẹ chị, bà Nguyễn Thị Tám, bị mù hẳn từ năm 2000 vì không có tiền tái khám sau một lần phẫu thuật cắt bỏ cườm mắt. Sáu năm sau, bi kịch bắt đầu liên tiếp khi chị Mai phát hiện mình bị bệnh xuất huyết tủy.

Số tiền 60 triệu đồng để chữa bệnh đối với gia đình làm thuê làm mướn vùng biên giới là điều không thể, chị Mai được cha đưa về nhà thang thuốc miệt vườn, chờ... chết. Nhưng căn bệnh không lấy đi mạng sống của chị Mai.

Thay vào đó, hai chân chị teo dần và liệt hoàn toàn. Một năm sau, cha chị Mai qua đời vì bệnh. Tuổi 20 của người con gái vốn được mệnh danh “hoa khôi của vùng biên giới” như dừng lại trong ngôi nhà sàn chưa đầy 20m2 cắm nhờ trên đất người khác, với đôi chân bại liệt và người mẹ mù lòa.

Hai mẹ con nhiều lần ôm nhau khóc, khi mẹ lạc đường rớt xuống mương, khi con bị căn bệnh xuất huyết tủy trỗi dậy, nhưng vẫn bấu víu nhau qua ngày trong sự giúp đỡ của bà con chòm xóm. Do chân bị liệt phải lết trên sàn gỗ, chị Mai vô ý bị dằm gỗ đâm vào mông và nhiễm trùng, ăn vào tận xương cụt. Bệnh tật lại chồng lên hai mẹ con.

“Khoảng đầu năm 2009, có một anh bạn ở TP.HCM về thăm người quen ở dưới này rồi ghé nhà mình chơi. Thấy hai mẹ con khổ quá, anh cho cái điện thoại cũ với sim khuyến mãi. Hơn tháng sau mình nhận được tin nhắn của anh Đặng” - chị Mai cười kể về cơ duyên.

Gia đình anh Đặng cũng có nỗi buồn riêng khi ba bỏ nhà đi lúc anh còn nhỏ, mẹ lấy chồng khác, anh Đặng và người em lớn lên với bà nội trong sự thiếu thốn tình cảm. “Chắc đó cũng là nguyên nhân” - anh Đặng nói như nhận định. Tốt nghiệp Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, anh Đặng nhanh chóng tìm được một công việc bảo trì máy ở Bình Dương.

Cao hơn 1,7m, khuôn mặt điển trai, kiệm lời và luôn có nụ cười hiền lành trên môi, anh Đặng thừa nhận cũng từng có không ít cô gái ngỏ lời xa gần. Nhưng chỉ câu chuyện của người bạn về cô gái rơi vào cảnh tật nguyền ở biên giới mới đánh thức nỗi niềm trong anh. Sau hơn hai tháng nhắn tin qua lại, anh Đặng quyết định về thăm Mai.

“Nhìn bức ảnh cười tươi rói của Mai thời trẻ, rồi bắt gặp nụ cười buồn của Mai khi phải ngồi lê trên sàn nhà, tui không kìm lòng được” - anh Đặng kể lại. Sau lần gặp mặt, anh Đặng quay về xin ý kiến nội.

Biết rõ cháu mình hơn ai hết, nội anh Đặng chỉ dặn dò: “Đã quyết định thì theo đến cùng, đừng để tổn thương người ta”. Một đám cưới đơn giản gồm một mâm cơm cúng ông bà và một bàn nhậu cho những người quanh ấp Cây Me, anh Đặng trở thành chồng chị Mai, trở thành một cư dân biên giới.

Chống chọi với bệnh tật

Qua năm năm, người thợ máy ngày nào đã trở thành một nông dân chính hiệu, trụ cột chính cho bà mẹ mù lòa và người vợ bại liệt. Nước da ngăm rám hẳn thành đen. Anh Đặng giờ đây rành rẽ việc giăng câu, mắc lưới, đặt lọp...

Có ít tiền từ trước, anh Đặng mua mấy mặt hàng tạp hóa lặt vặt để chị Mai trông coi, bán cho hàng xóm kiếm ít tiền lẻ và cũng để chị khuây khỏa. Hằng ngày nếu không có ai thuê mướn làm việc gì, anh Đặng men theo dòng kênh Cái Cỏ trước nhà bắt cá, ít nhiều cũng đem ra chợ bán kiếm tiền, nấu nướng lo bữa ăn cho hai mẹ con bà Tám.

Trưa, anh về chăn giúp đàn bò của ông Năm đến chiều. Nhìn nụ cười của chị Mai mỗi khi nghe tiếng xe của anh Đặng trở về, nụ cười của anh Đặng khi khoe vợ những con cá lóc, cá rô sau một buổi đánh bắt, ai cũng hiểu họ thật sự đang hưởng hạnh phúc bình dị của cuộc sống vợ chồng.

“Ban đầu thỉnh thoảng cũng buồn vì sống tại thành phố quen rồi, đêm về ở đây buồn não nề. Vợ lúc đó quen ngủ sớm, phải ráng thức vừa trò chuyện vừa đập muỗi với mình” - anh Đặng cười kể.

Khó khăn lớn nhất của gia đình là vết thương nhiễm trùng của chị Mai ngày càng nghiêm trọng. Năm năm, tất cả những đồng tiền anh Đặng quần quật có thể kiếm ra nơi vùng biên giới heo hút không đủ thuốc thang hằng tháng cho chị.

Có lần vết thương của chị Mai trở nặng, anh Đặng đèo chị lên bệnh viện rồi... ngồi khóc vì trong túi không còn tiền. Lần ấy những người cùng phòng bệnh thương tình góp cho vợ chồng đủ qua cơn khốn khó.

Câu chuyện của anh Đặng, chị Mai lan khỏi vùng sâu heo hút. Giữa năm 2014, một nhà hảo tâm gửi tặng 40 triệu đồng xây nhà và một con bò để anh Đặng làm vốn. Ông Năm chủ đất cũng ra huyện làm giấy cho luôn mảnh đất đủ để anh Đặng xây nhà. Nhưng số tiền không đủ để hoàn thiện căn nhà.

Tết Ất Mùi vừa qua, anh Đặng cùng vợ và mẹ vẫn phải ở trong căn nhà sàn gỗ tạm bợ, bên căn nhà xây trống hoác không cửa, chưa được lót nền. “Đang phân vân bán luôn con bò để lót nền, cho mẹ và vợ ổn định trong nhà mới rồi tính tiếp” - anh Đặng trầm ngâm.

UBND xã sẽ hỗ trợ

Trung tá Nguyễn Hoa Hùng - chính trị viên Đồn biên phòng Sông Trăng, Tân Hưng, Long An - cho biết: “Ngay từ đầu lúc anh Đặng về, chúng tôi cũng đã nắm bắt tình hình và điều tra rõ ràng lý lịch của anh. Anh là một người hiền lành và siêng năng nên hòa đồng nhanh với mọi người. Chỉ cần căn bệnh của chị Mai không nặng thêm thì chắc hẳn anh Đặng sẽ giúp gia đình này ổn định được”.

Ông Trương Đông Hồ - chủ tịch UBND xã Hưng Điền - cho biết: “Gia đình bà Tám là hộ nghèo xưa nay. Trước đây do gia đình này không có đất nên xã không thể giao chỉ tiêu hỗ trợ nhà tình thương được. Đến khi có đất do ông Năm cho thì đã có mạnh thường quân đóng góp giúp xây dựng nhà. Sắp tới, UBND xã Hưng Điền sẽ hỗ trợ thêm để họ có thể hoàn thiện căn nhà này”.

 

SƠN LÂM - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên