09/07/2016 16:18 GMT+7

Có thể giữ lại một phần nhà máy dệt trăm tuổi

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Xung quanh câu chuyện dỡ bỏ nhà máy dệt Nam Định, đề xuất "giữ lại một phần các xưởng máy ở trạng thái hiện nay” có thể được thực hiện.

Nhà máy dệt là nơi gắn bó với nhiều thế hệ và để lại nhiều kỷ niệm với người dân Nam Định - Ảnh: V.V.Tuân
Nhà máy dệt là nơi gắn bó với nhiều thế hệ và để lại nhiều kỷ niệm với người dân Nam Định - Ảnh: V.V.Tuân

Sau khi ông Trần Đăng Tuấn - nguyên phó tổng giám đốc VTV, phó chủ tịch Hội Truyền thông số VN có thư ngỏ gửi các lãnh đạo tỉnh Nam Định và chủ đầu tư dự án xây khu đô thị trên nền Nhà máy dệt Nam Định đề nghị “xin giữ lại một phần các xưởng máy ở trạng thái hiện nay”, ngày 7-7, ông Nguyễn Hải Hà, tổng giám đốc công ty cổ phần phát triển đô thị dệt may Nam Định đã có thư phúc đáp, khẳng định kiến nghị này có thể khả thi.

Trong thư, ông Nguyễn Hải Hà khẳng định "hoàn toàn không tồn tại ở đây khái niệm phá bỏ Nhà máy Dệt Nam Định”. Những di tích văn hoá liên quan, những đóng góp của ngành dệt may và nhà máy với thành phố cũng được giữ gìn, tôn tạo như khu nhà truyền thống nơi Bác Hồ 3 lần về thăm được nâng cấp thành Bảo tàng dệt may; khuôn viên Cây Bàng, Sân vận động Kotonkin được đầu tư, cải tạo nâng cấp…

Về ý kiến của nhà báo Trần Đăng Tuấn đề nghị giữ lại một phần Xưởng dệt, ông Hà trả lời: “Chúng tôi sẽ rà soát hiện trạng, Quy hoạch được duyệt, tìm một diện tích đất công cộng có các yếu tố: có Nhà xưởng cũ hoặc phục dựng lại, đảm bảo bền vững, sử dụng lâu dài; có giao thông thuận tiện, phù hợp kết nối hạ tầng kỹ thuật lân cận; phù hợp với tiến độ di dời, có mô hình quản lý sử dụng ổn định, hiệu quả.

Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có những đề xuất chính thức lên các cấp có thẩm quyền chấp thuận triển khai các bước theo quy định của pháp luật. Việc bố trí khu di tích như đề xuất trên diện tích Nhà máy chưa di dời là hoàn toàn khả thi, và rất phù hợp nếu có sự liên hệ bổ trợ cho Nhà bảo tàng Dệt may hiện có".

Cuối thư, ông Hải Hà cũng tiên liệu: "Tuy nhiên cơ chế quản lý, khai thác sử dụng và phát huy cơ sở này cũng như kinh phí duy tu bảo dưỡng là những yếu tố quan trọng, lâu dài trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, cần phải được giải quyết thấu đáo, khả thi”.

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên