23/04/2023 13:31 GMT+7

Có thể đòi lại quyền thừa kế đã từ chối hay không?

Tôi đã từ chối quyền thừa kế, nhưng giờ tôi nghĩ lại, tôi muốn kiện đòi lại quyền thừa kế đó có được không?

Ba mẹ tôi tạo lập được tài sản là một thửa đất và ngôi nhà ở thành phố Thủ Đức. Năm năm trước mẹ tôi qua đời, tôi và anh trai đã ký giấy từ chối phần thừa kế của mình và nhường lại toàn bộ di sản cho ba tôi. Ba tôi đã làm thủ tục đăng bộ chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất sang tên ba. Nay ba tôi lại định tặng tài sản này cho một người phụ nữ khác. Chúng tôi rất buồn, luật sư cho hỏi tôi có quyền đòi lại phần thừa kế theo pháp luật mà tôi đã từ chối trước đây không?

Bạn đọc Trịnh Mỹ Duyên (thành phố Thủ Đức, TP.HCM) xin luật sư tư vấn.

Luật sư Bùi Phương Lan, Đoàn luật sư Hà Nội, tư vấn:

Câu hỏi của bạn liên quan đến vấn đề thừa kế và quyền định đoạt tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Thứ nhất, theo quy định tại điều 651 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định về người thừa kế theo pháp luật thì:

Có thể đòi lại quyền thừa kế đã từ chối hay không? - Ảnh 1.

Luật sư Bùi Phương Lan

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Tại điều 614 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định về: thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế:

Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Tại điều 620 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định về việc từ chối nhận di sản:

Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

Như vậy theo quy định của pháp luật thì bạn và anh trai bạn đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của người thừa kế theo quy định của pháp luật. Việc từ chối tài sản thừa kế của hai anh em bạn dẫn đến cha của bạn là người thừa kế duy nhất còn lại của mẹ bạn. Theo quy định tại điều 161 Bộ luật Dân sự hiện hành, thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì: "thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản". Như vậy, sau khi nhận toàn bộ di sản thừa kế, cha của bạn đương nhiên trở thành đối tượng nhận được toàn quyền sở hữu đối với tài sản được thừa kế từ mẹ bạn và hai anh em bạn.

Tại điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 hiện hành quy định về quyền sở hữu như sau:

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

Như vậy, quyền định đoạt tài sản là một loại quyền sở hữu.

Tại điều 192 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định về quyền định đoạt thì: "Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản".

Đồng thời, điều 193 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về điều kiện thực hiện quyền định đoạt như sau:

Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện không trái quy định của pháp luật.

Trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.

Căn cứ tại điều 194 Bộ luật Dân sự 2015 hiện hành quy định về quyền định đoạt của chủ sở hữu như sau:

Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì hiện nay cha của bạn đã đăng ký quyền sử dụng đất, sang tên mình đối với căn nhà, thửa đất là đối tượng nhận thừa kế. 

Như vậy theo quy định tại điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 hiện hành thì cha của bạn có quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. 

Từ đó cha của bạn có toàn quyền tặng cho đối với khối tài sản mà cha của bạn đang sở hữu. Hai anh em bạn cũng không thể đòi lại được phần tài sản đã từ chối nhận, vì phần tài sản đó đã được chuyển giao quyền sở hữu sang cho cha bạn theo đúng quy định của pháp luật. 

Sau khi nhận chuyển giao, như đã phân tích trên, chỉ có cha bạn là người được quyền đối với khối tài sản đó.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi để luật sư tư vấn

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.

 

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên