Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúctham dự Diễn đàn doanh nghiệp thường niên 2016 - Ảnh: NG.AN |
Theo các chuyên gia, nếu không có biện pháp xử lý, quy trách nhiệm cho lãnh đạo làm chậm cổ phần hóa (CPH) hay thoái vốn, hoạt động này vẫn cứ ì ạch.
Chỉ làm mạnh khi có chỉ đạo !
Cũng trong ngày 6-12, cổ phiếu của Tổng công ty Bia rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM, chỉ sau 4 tháng kể từ khi Thủ tướng chỉ đạo phải đưa Sabeco và Habeco niêm yết trên sàn chứng khoán ngay trong năm 2016.
Đặc biệt là sau khi thông điệp của Thủ tướng được ông Mai Tiến Dũng, bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, truyền đạt là “nếu thực hiện chậm, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm”.
Một chuyên gia cho rằng đây là trường hợp điển hình của việc “chờ thúc mới làm” của các bộ ngành trong hoạt động CPH, thoái vốn và niêm yết cổ phiếu.
Bởi trước đó, hơn 8 năm sau ngày CPH, cơ quan chủ quản là Bộ Công thương vẫn chưa thể thoái vốn nhà nước tại Sabeco với nhiều lý do.
Nhưng theo các chuyên gia, một trong những lý do chậm trễ trong việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco là những yếu tố liên quan đến quan hệ thân hữu hay lợi ích nhóm.
Đánh giá về hoạt động CPH của DNNN trong năm năm qua, Bộ Tài chính thừa nhận là chậm, đặc biệt là dù không thuộc diện Nhà nước cần chi phối nhưng số DN đã CPH mà Nhà nước vẫn còn nắm giữ hơn 51% vốn điều lệ vẫn còn khá nhiều.
Cụ thể, Nhà nước hiện vẫn còn giữ 90% vốn điều lệ của 70 DNNN lớn (trong đó có 15 tập đoàn và tổng công ty lớn), hơn 65% vốn điều lệ của hơn 80 DN, hơn 50% vốn điều lệ của 96 DNNN...
Phải xử lý lãnh đạo nếu CPH chậm
Ông Đặng Quyết Tiến, phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), khẳng định DN đã CPH mà tỉ lệ vốn nhà nước vẫn chiếm 95-98% vốn điều lệ cũng có nghĩa những DN này không có gì thay đổi.
Trong khi đó, việc CPH chậm hoặc thực hiện nửa vời do một số bộ vẫn muốn “ôm” vốn nhà nước tại DN lớn, làm giảm mức độ hấp dẫn đối với những nhà đầu tư muốn tham gia, đặc biệt là nhà đầu tư lớn và là rào cản của quá trình thay đổi nền tảng quản trị DN.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, cho rằng việc chậm CPH, các DN đã mất đi cơ hội phát triển, thậm chí thiệt hại cho Nhà nước càng lớn hơn.
Chẳng hạn, Tập đoàn Hóa chất đầu tư vào Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc, gây thất thoát vốn nhà nước do hai DN này làm ăn thua lỗ.
“Nếu Nhà nước không nắm cổ phần chi phối tại DN này, chắc chắn sẽ hạn chế được việc thất thoát vốn cho những địa chỉ không sinh lợi nhuận”, ông Hải khẳng định.
Để đẩy nhanh tiến độ CPH, theo ông Hải, Chính phủ phải kiên quyết “trảm” người đứng đầu, thay ngay những lãnh đạo DNNN này, thậm chí khiển trách người đứng đầu của cơ quan chủ quản hoặc lãnh đạo địa phương nào có DN chậm CPH.
“Không cần nói nhiều, Chính phủ phải siết chặt kỷ luật. Chỉ cần xử lý một vài lãnh đạo DNNN, lãnh đạo cơ quan chủ quản của DNNN chậm CPH, chắc chắn hoạt động CPH trong thời gian tới sẽ chạy nhanh hơn”, ông Hải đề xuất.
Khuyến khích khối FDI liên kết với DN tư nhân Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp (DN) thường niên 2016 với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường hợp tác giữa DN trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế VN”, diễn ra ngày 5-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các DN FDI có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế VN, đồng thời cam kết VN sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ. Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh tăng cường hợp tác phát triển cùng có lợi giữa DN tư nhân và doanh nghiệp FDI, đồng thời bày tỏ mong muốn các khối FDI có hành động cụ thể, thực chất, hỗ trợ tăng liên kết thúc đẩy DN trong nước cùng phát triển trên cơ sở hài hòa lợi ích chung. Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định VN sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi VN là nơi chuyển giá, là nơi để trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi được cam kết. “Bởi việc này không chỉ gây phương hại đến lợi ích, phát triển bền vững của VN mà còn làm tổn hại uy tín, sự mẫu mực trong kinh doanh của nhiều nhà đầu tư khác đang kinh doanh ở VN, làm giảm tính hấp dẫn thu hút đầu tư của VN trong tương lai” - Thủ tướng nhấn mạnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận