TTO - Ở xã biên giới Lóng Sập, huyện Mộc Châu, Sơn La có những đứa trẻ người Mông áo quần không đủ ấm, bụng không đủ no. Nhưng từ ngày có bữa ăn sáng miễn phí của bộ đội biên phòng Lóng Sập và sự chung tay của thầy cô, các em đã háo hức đến trường.

Mấy năm nay, bộ đội biên phòng cửa khẩu Lóng Sập duy trì mô hình "Bữa sáng cho em", nấu cơm mang đến cho các em học sinh ở Trường Tiểu học Lóng Sập. Có cơm ăn, các em không còn đói cái bụng.

Bữa ăn sáng cho em - Video: MINH PHƯỢNG

Có những bữa ăn sáng đong đầy hạnh phúc - Ảnh 2.

6h30 sáng, trời mù sương, Tây Bắc rét buốt. Chỉ mặc manh áo phong phanh, lũ trẻ hiếu động nô đùa trên sân Trường tiểu học Lóng Sập.

Vừa thấy bóng hai chú bộ đội lướt qua, biết bữa sáng được mang từ đồn xuống, chúng ùa theo, những ánh mắt háo hức, đợi chờ.

"Xếp hàng!" - chỉ đợi thầy Lường Văn Chút (55 tuổi) hô lên, ngay lập tức, gần 50 em nối nhau thành hàng dài tít tắp.

Có những bữa ăn sáng đong đầy hạnh phúc - Ảnh 3.

Lúc này, thiếu úy Sa Đức Thái (25 tuổi) và thiếu úy Tráng Lao Du (26 tuổi) của Đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập cùng các thầy cô ở trường thoăn thoắt chia cơm, thức ăn.

Các em di chuyển lấy muỗng, cơm, trứng, canh nấu từ mì tôm. Có em mừng quá, đồ ăn chưa được gắp đủ, canh chưa kịp chan đã ào đi.

Là người phụ trách chan canh cho học trò, thầy Chút luôn nở nụ cười trìu mến. Chỉ là công việc ngày thường thôi, nhưng thầy Chút nói hôm nay là ngày đặc biệt hơn cả vì thầy sắp phải xa trường, xa học sinh nơi đây.

"Nay là ngày trực cuối cùng của tôi ở trường. Tuần nào trực tôi cũng tham gia phát cơm cho các em. Ngày mai tôi về hưu. 34 năm gắn bó với trường, với trẻ em người Mông rồi. Thương và sẽ nhớ các em nhiều lắm", thầy giáo người Khơ-mú rưng rưng nói.

Lần cuối phụ bộ đội chia phần cơm sáng cho học trò, thầy Chút nói sẽ nhớ những bữa sáng khi đám trẻ nhận cơm và đồng thanh hô to: "Em mời các thầy các cô ăn cơm. Cháu mời các cô các chú ăn cơm. Tớ mời các bạn ăn cơm".

Thầy cũng sẽ nhớ niềm vui trên gương mặt các em khi nhận cơm sáng. Có những bữa ăn cơm với cá khô, ăn hết cơm rồi, có em vẫn để dành miếng khô ra sân xé từng chút ăn để bớt thòm thèm.

Mấy chục năm gắn bó với mái trường, giờ thầy nói chỉ mong bộ đội và thầy cô trong trường luôn duy trì, nhận rộng hơn nữa những bữa ăn yêu thương này.


Có những bữa ăn sáng đong đầy hạnh phúc - Ảnh 5.
Có những bữa ăn sáng đong đầy hạnh phúc - Ảnh 6.

- "Em ăn có ngon không?"

- "Có ạ", các em đáp với giọng tươi vui.

- "Bình thường ở nhà em có được ăn sáng không?"

- "Không", ánh mắt những đứa trẻ chùng xuống.

- "Các chú bộ đội, thầy giáo cho ăn cơm em vui không?

- "Có ạ".

Mùa A Kỳ, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Lóng Sập, sau khi ăn ngấu nghiến hết tô cơm sáng tự giác mang tô cơm và ghế đi cất. Gương mặt đỏ ửng vì lạnh nhưng cậu bé người Mông tươi tỉnh hẳn lên.

Sùng A Sơn, học lớp 2, thì cười bẽn lẽn: "A Sơn được ăn cơm. Bộ đội nấu ăn ngon, mừng lắm ạ. A Sơn cảm ơn các chú bộ đội".

Ở đây, có em đã được ăn bữa sáng do các chú bộ đội nấu được nhiều năm, như chia sẻ của cô bé Hà Thị Chư, lớp 5: "Em ăn cơm của các chú bộ đội được 3 năm rồi. Được ăn cơm, em thích đi học lắm".

Trước đây, những đứa trẻ ở bản Mông thường đến lớp với cái bụng lép kẹp, áo không đủ ấm. Từ ngày về học bán trú, các em thích đi học hơn vì có cơm ăn, cơm có trứng, có thịt, có canh...

Đó chính là những phần cơm mà cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập chuẩn bị.

Đều đặn hai năm nay, tại ngôi trường này, mỗi sáng bộ đội đều nấu cơm mang xuống cho 43 em học sinh người Mông ở trường.

Cứ 4h30, trời còn tối đen, hai chiến sĩ Vì Văn Đức và Lò Văn Thắng đã trở dậy làm anh nuôi. Đức cân đủ 6kg gạo để cắm cơm, Thắng tỉ mẩn chiên những mẻ trứng vàng ruộm dưới ánh đèn tờ mờ.

Đã quen thuộc với công việc nên khi được hỏi, cả hai đều bảo không còn thấy vất vả vì phải dậy sớm nữa.

Có những bữa ăn sáng đong đầy hạnh phúc - Ảnh 7.

"Mình nhận nhiệm vụ nấu bữa sáng cho các em. Các em được bộ đội cho ăn sáng phấn khởi lắm. Sáng không có cơm ăn là không đi học", chiến sĩ Đức nói.

Còn Thắng thì cười hiền: "Thật ra, vào đây mình mới biết nấu ăn, các anh đi trước phải chỉ cho từ cái nhỏ nhất. Thương các em nên ai trong đơn vị cũng cố gắng. Vất vả mấy mà các cháu được no bụng là vui rồi".

Đúng 6h, cơm chín được xới vào âu, trứng cắt lát xếp vào hộp theo chân những người lính quân hàm xanh xuống trường tiểu học và tiếp tục vượt gần 10km để lên điểm trường mầm non trên bản Buốc Pát.

Thầm lặng như vậy, những người lính biên phòng chỉ mong những cái bụng đói của trẻ thơ được lấp đầy để có sức theo đuổi con chữ.

Có những bữa ăn sáng đong đầy hạnh phúc - Ảnh 8.

Đại úy Mai Đức Cảnh - chính trị viên phó của đồn - cho biết việc chuẩn bị bữa ăn sáng cho các em học sinh ở địa bàn được thực hiện từ tháng 9-2012 tại bản Buốc Pát.

Ngày đó, bản Buốc Pát, xã Lóng Sập là một bản giáp biên, trọng điểm về ma túy nên hầu như con em ở bản đều có cha hoặc mẹ buôn bán ma túy vướng vào vòng lao lý.

"Đầu tiên bộ đội nấu và tặng bữa ăn sáng cho các em tại điểm trường ghép giữa mầm non và tiểu học ở bản Buốc Pát. Hai năm gần đây, khi đã huy động được học sinh các điểm trường các bản của xã Lóng Sập về học bán trú tại Trường tiểu học Lóng Sập gần trung tâm xã, số lượng các em được các chú bộ đội 'cho ăn sáng' lên đến 43 em. 

Cùng lúc là 6 cháu ở điểm trường mầm non trên bản Buốc Pát", đại úy Cảnh cho biết.

Ánh mắt người chính trị viên của đồn lấp lánh khi nhắc đến những đứa trẻ Mông: "Trước tình trạng bỏ học diễn ra thường xuyên vì các cháu thiếu cha thiếu mẹ, cơm bữa có bữa không. Khi đồn triển khai mô hình này, các cháu đến trường thường xuyên hơn. 

Bộ đội sáng ăn gì thì các cháu ăn cái nấy. Các cháu rất ngoan nên ai cũng thương, cũng quý".

Có những bữa ăn sáng đong đầy hạnh phúc - Ảnh 10.

Có được những bữa ăn sáng và duy trì được nhiều năm thế này, ít ai biết cán bộ chiến sĩ đồn đã trích tiền lương, phụ cấp của mình cũng như đi vận động thêm mạnh thường quân cùng thầy cô giáo chăm lo cho các em.

Nhắc đến bữa ăn sáng cho em, cô Phạm Thị Huệ - hiệu trưởng Trường Tiểu học Lóng Sập - không khỏi xúc động vì "bộ đội đỡ được các em bữa sáng để thầy cô trong trường tập trung lo cho các em bữa trưa và bữa tối".

Cô Huệ cho biết xã Lóng Sập hiện có 14 bản với 12 điểm trường, nhiều điểm trường chỉ có vài học sinh. Để các em không bỏ lớp, hơn 2 năm nay, học sinh từ 12 điểm trường về tập trung học bán trú tại Trường tiểu học Lóng Sập.

Nhưng trong số các em về bán trú có đến 43 em không thuộc bản đặc biệt khó khăn (dù cuộc sống rất khốn khó) nên không được trợ cấp của Nhà nước. Gia đình không thể lo cho con, đành trông chờ vào cả… thầy cô, bộ đội.

Có những bữa ăn sáng đong đầy hạnh phúc - Ảnh 11.

"Cứ sáng sớm thứ hai các em xuống trường học và ở lại đến trưa thứ 6 mới về bản. Có em đầu tuần đến trường góp một vốc gạo, nhưng qua tết cũng chẳng còn gạo góp. Vì thế để đảm bảo những bữa ăn đủ no, đủ dinh dưỡng, các thầy cô cùng chung tay.

Bộ đội cho bữa sáng, thầy cô người bỏ tiền túi ra mua rau, người vận động mạnh thường quân hỗ trợ thêm", cô Huệ chia sẻ về sự khó khăn của học trò.

"Một khi đã mang các em về đây, các thầy cô tâm niệm bằng mọi cách phải chăm lo được cho các em", cô nói thêm.

Có những bữa ăn sáng đong đầy hạnh phúc - Ảnh 12.

MINH PHƯỢNG - HÀ THANH
HÀ THANH
TƯỜNG VY
BẢO SUZU
23-1-2019
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên