Sáng 4-12 trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc đã hoạt động bình thường trở lại - Ảnh: QUANG KHẢI
Không để xảy ra ùn tắc
Cụ thể, ông Bình cho biết qua nắm bắt vụ việc xảy ra tối 3-12 cho thấy việc tài xế phản ứng tại trạm thu phí An Sương - An Lạc đã được thông tin, kêu gọi trước đó trên mạng xã hội. Ông Ngô Hải Đường - trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng đường bộ Sở GT-VT - cũng cho biết thông tin kêu gọi trên mạng xã hội đã xuất hiện từ nhiều ngày trước.
Vì vậy sở này đã yêu cầu chủ đầu tư chuẩn bị đầy đủ các phương án để thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý khi tình huống xấu xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Tám - phó giám đốc Sở GT-VT - nhận định nhờ có chuẩn bị nên khi xảy ra sự cố, các lực lượng xử lý nhanh, không để tình trạng mất an ninh trật tự kéo dài.
Tuy vậy, ông Tám lưu ý đơn vị đầu tư - Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO - tiếp tục cung cấp đầy đủ tính chất pháp lý của dự án cho các tài xế có thắc mắc; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Ông Tám cũng đồng tình phương án cắm biển cấm dừng, đậu và thông tin tuyên truyền qua bảng quang báo để người dân hiểu rõ hơn.
Sáng 4-12 trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc đã hoạt động bình thường trở lại - Ảnh: QUANG KHẢI
Có thể điều chỉnh thời gian thu phí
Ông Nguyễn Văn Tám cho biết dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc trước đây của Bộ GT-VT, sau đó giao lại cho TP.HCM. Sau giai đoạn 1, IDICO đã đầu tư thêm nhiều hạng mục (trong phạm vi dự án) nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút hương lộ 2 - quốc lộ 1; tỉnh lộ 10 - quốc lộ 1, nút giao thông Gò Mây...
Quá trình đầu tư, thu phí đều được báo cáo và được sự chấp thuận của Chính phủ, UBND TP.HCM.
Về thời gian thu phí đến năm 2033, ông Tám cho rằng đây là thời gian dự kiến, có thể được điều chỉnh. Cụ thể, nếu doanh thu tăng thì thời gian thu phí sẽ giảm, ngược lại doanh thu giảm thì thời gian thu phí có thể tăng.
Trước đó, tối 3-12, một số tài xế đã trình ra một văn bản có nội dung hợp đồng giữa Bộ GT-VT với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO) cho thấy thời gian bắt đầu thu phí của trạm BOT An Sương - An Lạc từ tháng 4-2004, thời gian thu phí kéo dài 145 tháng, nghĩa là đến nay đã thu phí quá hạn 31 tháng.
Với lý do này, các tài xế yêu cầu đơn vị đầu tư bỏ thu phí xe qua trạm. Sự việc này dẫn đến nguy cơ ùn tắc giao thông tại trạm thu phí buộc IDICO cho "xả trạm". Đến rạng sáng 4-12, hoạt động thu phí trở lại bình thường.
Ông Nguyễn Hồng Ninh - giám đốc IDICO - cho biết trước đây trạm thu phí An Sương - An Lạc có thời hạn thu phí đến năm 2017. Tuy nhiên, trước khi kết thúc việc thu phí này, đơn vị tiếp tục đầu tư các hạng mục như cầu vượt tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10B, cầu vượt hương lộ 2 và cầu vượt ngã tư Gò Mây.
Do đó thời gian thu phí được điều chỉnh lại tới năm 2033. Tất cả các quy trình đầu tư, thủ tục thu phí... đều được sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.
Trong sáng 4-12, IDICO đã in hơn 200 tờ thông tin giải thích toàn bộ quá trình đầu tư, thời gian thu phí tổng thể dự án trên để phát cho các tài xế, đồng thời tăng cường lực lượng trực tại trạm.
Một số biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực này cũng được các cơ quan chức năng phối hợp với IDICO triển khai trong ngày 4-12.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận