07/11/2019 10:33 GMT+7

Có nên đầu tư cảng Liên Chiểu?

HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG
HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Tư vấn nước ngoài khuyến cáo không nên xây dựng cảng Liên Chiểu bởi sẽ gây ảnh hưởng đến ngành du lịch Đà Nẵng và tiềm ẩn nguy cơ về môi trường, nhiều chuyên gia cho rằng nên đầu tư cảng này, thay vì cảng Tiên Sa.

Có nên đầu tư cảng Liên Chiểu? - Ảnh 1.

Vị trí được quy hoạch đầu tư cảng Liên Chiểu (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) - Ảnh: TẤN LỰC

Dự án cảng Liên Chiểu có quy mô 220ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỉ đồng, chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỉ đồng.

Tuy nhiên, mới đây Công ty Surbana Jurong (Singapore) - đơn vị tư vấn quy hoạch chung TP Đà Nẵng - đã đề nghị TP Đà Nẵng cân nhắc việc đầu tư cảng Liên Chiểu, thay vào đó là tập trung đầu tư cho cảng Tiên Sa.

Nếu chỉ tập trung phát triển cho du lịch mà không quan tâm đến ngành khác, kinh tế TP Đà Nẵng chẳng khác gì người đi một chân.

Ông Trần Văn Sơn (nguyên giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng)


Lo môi trường bị ô nhiễm

Tại cuộc họp liên quan đến đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức mới đây, đại diện Công ty Surbana Jurong đề nghị Đà Nẵng cân nhắc việc đầu tư cảng Liên Chiểu do lo ngại tính hiệu quả của dự án và nguy cơ tác động tiêu cực của dự án đến "mũi nhọn" du lịch.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn bày tỏ lo ngại rằng toàn bộ cảng Liên Chiểu, với quy mô từ 200-300ha, đều là diện tích lấn biển nên sẽ ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan trong khu vực từ Nam Ô đến Làng Vân.

Đặc biệt, khi cảng Liên Chiểu phát triển, phải tạo luồng cho các tàu vận tải ra vào cảng, kéo theo nguy cơ gây ô nhiễm cho vịnh Đà Nẵng. Do đó, thay vì đầu tư cảng Liên Chiểu, đơn vị tư vấn đề nghị TP Đà Nẵng chỉ nên tập trung đầu tư vào cảng Tiên Sa.

Dù khẳng định đề xuất của đơn vị tư vấn vượt quá thẩm quyền quyết định của lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng, nhưng ông Thái Ngọc Trung - phó giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - cho rằng TP Đà Nẵng đã xác định ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, công nghiệp công nghệ cao thì cũng nên xác định cảng là ngành thứ yếu.

Theo đó, Đà Nẵng chỉ nên đầu tư cho cảng với quy mô vừa phải với trọng lượng hàng hóa thông qua cảng không giống như các cảng Chân Mây (Huế) và Kỳ Hà (Quảng Nam). "Cảng Chân Mây, Kỳ Hà có quy mô rất lớn, Đà Nẵng không nên đi cạnh tranh về cảng với các đô thị khác" - ông Trung nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Văn Hiệp - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ TP Đà Nẵng - cho rằng thay vì đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, có thể tính toán đến giải pháp liên kết vùng để đầu tư cảng. Và với việc đầu tư một cảng cho khu vực này với quy mô đủ lớn, kết nối tốt thì giá cước, giá kho bãi cũng sẽ thấp, phương tiện vận tải đa dạng hơn. Các đầu mối hàng hóa mới về nhiều, xe đi có hàng, xe về có hàng nên giá cước sẽ rẻ.

"Khi làm việc với chúng tôi, nhiều chuyên gia quốc tế nói rằng các bạn làm cảng nhiều quá mà không có 1 cảng nào lớn. Vì sao 2 - 3 địa phương liền kề không nghĩ đến việc cùng bắt tay xây dựng 1 cảng chung tầm cỡ cho cả khu vực. Cảng này sẽ có điều kiện kết nối liên vùng, kết nối giao thông đường biển, đường bộ và đường hàng không, cùng hệ thống kho bãi hiện đại, cơ sở hạ tầng logistics" - ông Hiệp gợi ý.

Có nên đầu tư cảng Liên Chiểu? - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Sơn (nguyên giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng)

Đà Nẵng phải phát triển dịch vụ logistics?

Là người có hơn 30 năm làm trong lĩnh vực cảng biển, ông Nguyễn Hữu Sia - nguyên tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng - cho rằng ngoài những thuận lợi nhất định, cảng Tiên Sa có nhược điểm khó khắc phục là nằm trong lòng TP, khó kết nối giao thông với các phương thức vận tải khác, diện tích kho bãi trong cảng hẹp (khoảng 27ha), kho bãi của khách hàng khoảng 20ha... Đặc biệt, do cảng này nằm trong lòng TP, đường dẫn vào cảng xung đột với giao thông đô thị, nên không thuận tiện cho dịch vụ logistics quy mô lớn.

Ngược lại, việc xây dựng mới cảng Liên Chiểu có nhiều lợi thế như mặt bằng để làm kho bãi đáp ứng yêu cầu của bến cảng container; kết nối giao thông thuận tiện với sân bay, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa... nên chi phí logistics thấp. Khảo sát địa chất cũng cho thấy khả năng nạo vét luồng lạch đến -14m, xây cầu tàu mớn nước -16m, khả năng tiếp nhận tàu container 6.000 TEU, tàu hàng 100.000 tấn..., cảng Liên Chiểu hoàn toàn có thể trở thành cảng trung chuyển khu vực Đông Nam Á trong tương lai.

Ông Trần Văn Sơn - nguyên giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng - cũng cho rằng nếu theo phương án của đơn vị tư vấn là xây dựng tuyến đường trên cao, qua sông, vào đường Đống Đa rồi ra Điện Biên Phủ để ra/vào cảng Tiên Sa, chi phí đầu tư sẽ rất lớn. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng này là không khả thi vì phí vận tải sẽ cao, khả năng cạnh tranh của cảng Tiên Sa sẽ yếu. Chưa kể, hàng ngàn lượt xe container, xe tải đi trên tuyến đường trên cao này qua trung tâm TP mỗi ngày cũng không ổn.

Việc đầu tư cảng Liên Chiểu không phải là thay thế ngay cảng Tiên Sa mà giảm áp lực cho cảng Tiên Sa. Từng bước chuyển cảng Tiên Sa thành cảng phục vụ tàu du lịch.

"Sự phát triển của TP có nhiều hướng, không chỉ dựa vào du lịch mà cũng cần có dịch vụ logistics bởi nó đóng góp rất lớn cho xã hội, giải quyết nhiều công ăn việc làm. Nếu chỉ tập trung phát triển cho du lịch mà không quan tâm đến ngành khác, kinh tế TP Đà Nẵng chẳng khác gì người đi một chân" - ông Sơn chia sẻ.

Theo KTS Nguyễn Văn Duy - Hội Kiến trúc sư TP Đà Nẵng, nên đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu trở thành cảng hàng hóa, còn cảng Tiên Sa sẽ gánh vác vai trò là cảng du lịch và quân sự. "Không nên dồn ba chức năng: du lịch, hàng hóa và quốc phòng vào cảng Tiên Sa bởi cả ba đều không thể lớn mạnh được vì không đủ không gian. Chưa kể việc đầu tư cầu cạn đi xuyên TP cho xe container chạy cả ngày đêm, vừa gây bất an với người dân vừa phá nát cảnh quan đô thị" - ông Duy nói.

Trong khi đó, hoạt động logistics chuyển về Liên Chiểu, gắn với các khu công nghiệp và công nghệ cao ở phía tây TP là phù hợp. "Đừng lo việc gần cảng Chân Mây hay Kỳ Hà, mỗi khi lượng hàng hóa nhiều thì chia thị phần ra, cảng hàng thô, cảng hàng thành phẩm... Tiên Sa giờ quá chật. Còn cảng Liên Chiểu sẽ gắn với các cụm khu công nghiệp, kết nối giao thông đường bộ, đường sắt đều thuận tiện, không xuyên qua nội thị" - ông Duy phân tích.

Giải quyết bài toán giao thông

cangtiensa

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Đà Nẵng (cảng Tiên Sa) - Ảnh: TẤN LỰC

Theo ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, do địa phương này là đầu mối vận tải biển của các tỉnh miền Trung nên hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu dạng container của khu vực này đều được đưa về cảng Tiên Sa.

Thời gian gần đây, lưu lượng vận chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa qua đường Yết Kiêu - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn tăng cao, gây chia cắt và ùn tắc giao thông cục bộ, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, làm mất mỹ quan và an toàn đô thị.

Và với tốc độ tăng trưởng hàng hóa qua cảng này đạt 16,2%/năm (22,6%/năm với hàng container), sản lượng hàng qua cảng Tiên Sa vào năm 2030 dự kiến sẽ đạt khoảng 30 triệu tấn (hiện nay là 8,4 triệu tấn), vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng gây ùn tắc giao thông, tác động tiêu cực đến môi trường du lịch và đời sống người dân. Do đó, ông Thơ cho biết địa phương này đã kiến nghị trung ương bố trí nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án cảng Liên Chiểu.


Đà Nẵng có nên đầu tư cảng Liên Chiểu? Đà Nẵng có nên đầu tư cảng Liên Chiểu?

TTO - Công ty Surbana Jurong (Singapore) - đơn vị tư vấn quy hoạch chung Đà Nẵng - vừa đặt ra vấn đề trên khiến dư luận Đà Nẵng bất ngờ. Bởi trước đây Đà Nẵng xác định cảng Liên Chiểu sẽ là một dự án động lực phục vụ phát triển.


HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên