01/10/2003 06:44 GMT+7

Có một "thương hiệu" mỹ nghệ đặc biệt

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - 70 triệu đồng là doanh thu đầu tiên mà “thương hiệu” ấy đã đạt được. Không phải từ công ty, chỉ từ một xưởng nhỏ đặt trong Trường Giáo dục đào tạo - giải quyết việc làm số 6 (Đắc Lắc) mà công nhân là những “anh hùng hảo hán” một thời với những đôi tay xăm hình vằn vện...

wNAWgFbF.jpgPhóng to
Học viên Trường 6 TNXP đang đánh bóng làm nền cho tranh ghép gỗ
TT - 70 triệu đồng là doanh thu đầu tiên mà “thương hiệu” ấy đã đạt được. Không phải từ công ty, chỉ từ một xưởng nhỏ đặt trong Trường Giáo dục đào tạo - giải quyết việc làm số 6 (Đắc Lắc) mà công nhân là những “anh hùng hảo hán” một thời với những đôi tay xăm hình vằn vện...

Thầy trò tự xoay

Ý tưởng phát triển xưởng gỗ mỹ nghệ bắt đầu bằng nỗi trăn trở muốn tìm một nghề “lận lưng” cho chuỗi ngày phấn đấu rèn người của các học viên (HV) cai nghiện.

Núi rừng nam Tây nguyên mênh mông, nhà trường mới thành lập lại đóng quân trên địa bàn xa xôi (xã Quảng Tân, Đắc R'Lấp) nên thật khó thu hút nhanh vốn đầu tư. “Ở rừng phải sống nhờ rừng”, ý nghĩ đó chợt lóe lên trong đầu “người rừng” Lê Văn Quang, giám đốc Trường 6 (thuộc Lực lượng TNXP TP.HCM). Một nhân viên người địa phương chia sẻ với anh: “Hay là chúng ta mua các gốc cây về làm hàng mỹ nghệ?”.

Nói là làm, một thành viên trong ban giám đốc nhà trường ngay sau đó đã lặn lội lên TP Buôn Ma Thuột để thuyết phục nghệ nhân Huỳnh Tấn Tạo, chủ nhiệm Hợp tác xã Phú Hưng, cho “biệt phái” một êkip thợ về trường làm… thầy.

Ngoài bộ đồ nghề cơ động gọn nhẹ của thợ, nhà trường “liều mạng” chi gần 40 triệu đồng để tậu thêm một lò sấy, máy hấp gỗ, máy cưa đứng và các thiết bị chuyên dùng. Thấy hay hay, một số HV đăng ký học, vậy là lớp nghề đầu tiên dạy ngay trong xưởng mỹ nghệ ra đời.

Buổi đầu chưa quen, các HV làm sản phẩm hư hao đáng kể do cưa lệch, cưa phạm, mài méo… Cũng dễ hiểu vì nhiều bạn trẻ có khi chưa từng cầm tới cây chổi quét nhà thì nay làm sao không khỏi lóng ngóng với các động tác cưa, mài vốn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo đến từng chi tiết nhỏ. Được cái nguyên liệu đầu vào chỉ là các thứ bỏ đi, được thu mua với giá “bèo” như gốc cây cà phê, gốc cây mít nên chẳng xót ruột cho lắm.

Mặt khác, dạy nghề cho các HV cũng có phần khó khăn hơn, như lời thầy Tạo: “Người từng chơi ma túy dường như kém khả năng tập trung, song song đó gia cảnh phức tạp cũng khiến một số em có vấn đề về tâm lý. Biết vậy nên anh em chúng tôi cố gắng hơn một chút, vừa làm thầy vừa làm bạn”.

Khó diễn tả được niềm vui của thầy trò khi thương hiệu “mỹ nghệ Trường 6 TNXP” của họ ra được hội chợ và thu về tiền chục triệu...

Đổi đời thành nghệ nhân?

DmjcpauY.jpgPhóng to
Sản phẩm của nghị lực...
Một HV tên Hiếu, đang chăm chú cưa phần bờm của một mẫu ngựa tung vó, phân trần: “Hồi trước tụi tui chỉ tụ tập chơi ma túy cho sướng, giờ mới thấy làm được sản phẩm cực và công phu quá… Lúc đầu chỉ có mỗi một đường thẳng mà thầy bắt cưa suốt mấy ngày, chán ơi là chán, sau đó được học cưa đường cong, đường gấp khúc mới thấy thú vị”.

Sau khi Hiếu cưa lộng (tạo hình cơ bản), con ngựa bằng gỗ cây cà phê được xả ra thành hàng chục chi tiết nhỏ và đem mài, đồng thời các HV cũng chia nhau cẩn hoặc gia công thêm một số chi tiết (mắt, móng, mũi…) bằng các loại gỗ khác. HV Long giơ một chiếc chân ngựa vừa cưa xong, giải thích: “Phải mài tới bốn độ giấy nhám khác nhau. Muốn đẹp phải ghè làm sao cho các bó cơ chân nổi bật lên”.

Thầy Tạo cho biết: “Sau khi HV cưa được các chi tiết khó và nhỏ thì mới được học mài. Cái nghề làm đẹp cho đời này không đòi hỏi năng khiếu, chỉ cần kiên trì là được. Em nào quyết chí theo đuổi thì chúng tôi cũng sẵn lòng đào tạo đến nơi đến chốn”.

Mới đây nhóm thợ do thầy Tạo phụ trách đã mạnh dạn mời một số HV như Long, Lợi, Vũ cùng tham gia làm các mặt hàng chất lượng cao và các HV này đã có tháng lương đầu tiên dù chỉ nhỉnh hơn 100.000 đồng/người.

Hành trình học nghề với bao lần đứt tay đã giúp Lợi vỡ ra một điều quan trọng: “Hồi đầu thấy khó quá tưởng theo không nổi, nhưng cố mãi rồi cũng được. Hóa ra tất cả là do mình”. Còn Vũ thì mường tượng về tương lai: “Mai mốt vững tay nghề tôi sẽ nghĩ cách làm ra các sản phẩm thật độc đáo để có thể tự nuôi sống bản thân, rồi cũng phải có vợ con nữa chứ”.

Chút thành công bước đầu của xưởng mộc khiến giám đốc Lê Văn Quang không giấu được niềm vui: “Xưởng mỹ nghệ nếu hoạt động tốt sẽ giúp nhà trường giải quyết được ba chuyện: lao động trị liệu, dạy nghề, tạo việc làm có thu nhập cho HV. Chúng tôi biết không ít HV đang ấp ủ ước mơ trở thành nghệ nhân và đó cũng là hướng đi mà chúng tôi đang nỗ lực mở lối”.

Từ ngày 3 đến 5-10, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM sẽ diễn ra cuộc triển lãm đặc biệt mang tên “Sản phẩm của nghị lực”, với sự tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm do học viên của các cơ sở cai nghiện (CSCN) thuộc Sở Lao động - thương binh & xã hội và Lực lượng TNXP TP.HCM làm ra.

Theo ban tổ chức, triển lãm còn có các gian hàng cung cấp thông tin về các CSCN, đề án “hậu cai nghiện” và giới thiệu các cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh. Song song đó, một cuộc hội thảo quan trọng cũng sẽ diễn ra với các nội dung: thực trạng và khả năng lao động sản xuất của học viên, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của các CSCN, khả năng sinh lợi khi đầu tư vào CSCN, hiệu quả của công tác tổ chức lao động sản xuất trong các CSCN...

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên