Theo kế hoạch, từ 1-11 đến khoảng 13-11, TP.HCM sẽ có 3 đoàn kiểm tra các gói hỗ trợ người dân ở toàn bộ 22 quận, huyện, TP Thủ Đức, xem xét hồ sơ hỗ trợ, quy trình hỗ trợ, trao đổi với các ngành liên quan ở các quận, huyện - Ảnh: VŨ THỦY
Đó là chia sẻ của bà Hoàng Thị Tố Nga - phó bí thư Quận ủy quận 1 (TP.HCM) - tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của UBND thành phố chiều 2-11 về các gói hỗ trợ người dân trong đợt dịch vừa qua.
"Các gói hỗ trợ được thực hiện trong bối cảnh rất khó khăn, có trạm y tế 7 người thì 5 người là F0, có phường từ chủ tịch đến trưởng công an, trưởng trạm y tế là F0.
Nhân lực các phường chỉ có 30-34 người nhưng thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, không ít người lại trở thành F0 nên để lập danh sách, rà soát, đối chiếu là rất gian nan. Sai sót, trùng lắp là chắc chắn có. Quan điểm của quận 1 là sai thì điều chỉnh", bà Nga nói thêm.
Với tổng nhân khẩu thực tế là gần 194.000 người, quận 1 đã chi hỗ trợ đợt 1 cho 9.500 người, chi đợt 2 cho khoảng 15.200 người và khoảng 13.800 hộ nghèo, cận nghèo, hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn, chi đợt 3 cho gần 93.000 người.
Là quận được xem là "nhẹ nhàng" so với các địa bàn khác, tuy nhiên quận 1 vẫn rất chật vật với gói hỗ trợ.
"Danh sách sau khi được lập sẽ chuyển sang phần mềm của Công viên phần mềm Quang Trung để đối chiếu với dữ liệu bảo hiểm xã hội, dò ra các trường hợp có lương hưu, trợ cấp xã hội, hưởng lương tháng 8.
Nhưng nhiều người hưu trí đã đổi sang căn cước công dân, đối chiếu với thông tin CMND trên hệ thống thì phần mềm không thể dò ra. Quận có khoảng 2.700 trường hợp như vậy, trong quá trình chi hỗ trợ phát hiện ra thì ngưng chi trả", đại diện Phòng lao động - thương binh và xã hội quận cho biết.
Theo đánh giá của quận 1, gói 2 đối tượng không nhất quán dẫn đến người dân thắc mắc, gói 3 triển khai chi bằng phần mềm chưa được thuận lợi, còn chậm dữ liệu tải lên còn sai sót.
Chia sẻ điều này, ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND thành phố, trưởng đoàn kiểm tra - cho biết trước đây TP.HCM chưa bao giờ ứng dụng phần mềm cho gần 8 triệu người và lại phải triển khai trong vòng 1 tháng.
Đồng thời, toàn thành phố làm cùng một lúc khiến phần mềm quá tải, "dẫn đến phải vừa làm thủ công, vừa sử dụng công nghệ".
Ông Hoan cũng cho rằng mở ra gói hỗ trợ đợt 3 ra mới thấy việc hỗ trợ không phải đơn giản.
"Có những gia đình 5-6 người đưa nhau lên thành phố. Trong các khu nhà trọ, rất nhiều người dân không đăng ký tạm trú gây khó khăn cho địa phương trong quản lý. Ngay cả quận 1, bên ngoài thấy rất hào nhoáng nhưng thực chất là cơ sở kinh doanh, người dân đã cho thuê.
Những người còn trụ lại phần lớn nằm trong các ngõ hẻm nhỏ đến nỗi chỉ có thể đi bộ. Đời sống người dân còn khó khăn lắm, ban đêm về ngủ, ban ngày bươn chải làm thuê", ông Hoan nói.
Tuy nhiên, ông cũng yêu cầu các quận, huyện không để tình trạng người dân khiếu nại kéo dài, "trường hợp nào không đúng thì phải trao đổi rõ ràng".
"Đừng tưởng mang hỗ trợ đến người dân là tốt. Người dân còn khiếu nại là do cách làm chưa tốt. Phải chú ý đến những khiếu nại, phải quan tâm, chăm chút giải quyết thắc mắc cho người dân.
Phải kiên trì với các nguyên tắc hỗ trợ. Không chi với những người không đúng diện. Nếu đã chi không đúng thì phải thu hồi. Nếu đúng diện mà chưa được hưởng thì phải bổ sung", ông nói.
Phó chủ tịch UBND thành phố cũng thừa nhận các gói có sự phức tạp, đặc biệt là gói 2. Cụ thể, gói này vừa chi hỗ trợ cá nhân cho lao động tự do, vừa chi theo hộ gia đình khó khăn và mức chi cũng khác nhau. Thời điểm đầu chi 1 triệu tiền mặt từ ngân sách thành phố, 200.000 đồng và 300.000 tiền quà, nhu yếu phẩm từ nguồn Mặt trận Tổ quốc. Thời điểm sau đó chi 1,5 triệu đồng tiền mặt.
"Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình chi hỗ trợ, gây ra các thắc mắc trong người dân, gây khó khăn cho các địa phương. Thành phố sẽ rút kinh nghiệm điều này", ông Hoan nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận