24/08/2017 14:34 GMT+7

Có ít bạn thân vẫn tốt hơn có nhiều 'bạn xã giao'

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Một nghiên cứu mới đây cho thấy ở tuổi dậy thì mà có những người bạn thân thực sự thì khi trưởng thành sức khoẻ tinh thần sẽ tốt hơn.

Thanh thiếu niên là lứa tuổi quan trọng trong đối với vấn đề tâm lý - Ảnh: Reuters
Thanh thiếu niên là lứa tuổi quan trọng trong đối với vấn đề tâm lý - Ảnh: REUTERS

Các bậc phụ huynh vẫn thường nghĩ con cái mình ở tuổi dậy thì thường ham chơi, bị những người bạn thân của chúng ảnh hưởng. Nhưng điều đó không hẳn hoàn toàn vô bổ.

Trang tin Quartz (Mỹ) hôm 23-8 dẫn một nghiên cứu đăng trên tạp chí Child Development cho thấy việc có bạn ít nhưng “chất” còn hơn là nhiều bạn nhưng chỉ là dạng "quan hệ xã giao".

Kết quả nghiên cứu khẳng định những thiếu niên lứa tuổi 15, 16 có một người bạn thân, sẽ có mức độ nhận thức giá trị bản thân cao hơn, đồng thời ít bị lo lắng về xã hội, ít thất vọng hơn khi tới tuổi 25.

Ngược lại, những thiếu niên có xu hướng quan hệ rộng, “nổi tiếng” trong cộng đồng, quen biết nhiều người qua loa, sẽ dễ bị tác động tâm lý tiêu cực hơn.

Nghiên cứu trước đây đã cho thấy tình bạn rất quan trọng đối với lứa vị thành niên. Nó giúp dự đoán nhiều khía cạnh về sức khoẻ tâm lý, phản ứng với căng thẳng, động lực thúc đẩy học vấn và thành công trong giai đoạn thanh thiếu niên.

Người đứng đầu nghiên cứu nêu trên, bà Rachel K. Narr tại Đại học Virginia, thực hiện nghiên cứu trên 169 thanh thiếu niên trong 10 năm, từ khi họ ở tuổi 15 cho tới 25.

Nhóm đối tượng này đa dạng về chủng tộc, dân tộc và điều kiện kinh tế xã hội. Họ được phỏng vấn kỹ hai lần ở hai thời điểm 15 và 25 tuổi.

Câu hỏi gồm việc ai là bạn thân nhất của họ, rồi đi sâu vào chi tiết của mối quan hệ ấy. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng hỏi thêm về sự lo lắng, thái độ của những người xung quanh trong xã hội, sự tự chủ, giá trị bản thân cũng như các triệu chứng trầm cảm.

Một “tình bạn chất lượng cao” được hiểu là “tình bạn thân thiết với mức độ gắn bó và hỗ trợ, có sự trao đổi thân mật”. Đây là dạng tình bạn khác với các mối quan hệ của nhóm người có quan hệ rộng rãi, quen biết nhiều, thậm chí gần như chủ thể tại nhóm này là những người “nổi tiếng”, được nhiều người biết tới.

Nghiên cứu này cũng phản ánh một số nghiên cứu trước đó, vốn chỉ ra hai loại quan hệ phổ biến: người dễ thương được bạn bè tin tưởng và muốn chơi cùng; và người chủ động muốn tìm kiếm sự nổi tiếng như một nhu cầu quyền lực.

Kết quả nghiên cứu từ nhóm bà Narr cho thấy đa phần đối tượng khi đến tuổi 25 không duy trì được tình bạn thân thiết của họ ở tuổi 15.

Tuy nhiên nhóm "ít bạn mà thân" lại phát triển các kỹ năng cần thiết cũng như niềm tin trong việc xây dựng một mối quan hệ đáng tin tưởng, biết các xác định giá trị bản thân hơn. Ngược lại nhóm thích xã giao và chơi với quá nhiều người, sẽ mất đi sức hấp dẫn của mình ở độ tuổi 25.

Ông Mitch Prinstein - Giáo sư tại Đại học Bắc Carolina và là tác giả cuốn Popular: The Power of Likability In A Status-Obsessed World, cho rằng những người dễ mến có xu hướng khoẻ mạnh hơn, sở hữu những mối quan hệ tốt hơn, hoàn thành công việc tốt hơn, và thậm chí sống lâu hơn.

Riêng với nhóm chủ động tìm kiếm sự nổi tiếng, thì thường bị lo âu, chán nản, dễ vướng vào nghiện ngập.

Ông Prinstein không tham gia nghiên cứu của bà Narr, nhưng nói rằng kết quả này cung cấp thêm những bằng chứng cho thấy một số dạng quan hệ sẽ có ý nghĩa hơn những dạng quan hệ khác.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên