
Sinh viên khoa văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đến tham quan tòa soạn báo Tuổi Trẻ chiều 3-4 - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG
Nhiều ý kiến cho rằng chính sách này sẽ là cơ hội thúc đẩy phát triển các ngành khoa học cơ bản.
* PGS.TS Đoàn Lê Giang (nguyên trưởng khoa văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Khuyến khích bằng học bổng cho sinh viên
ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất miễn học phí, cấp học bổng cho sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản là tin vui lớn đối với nhiều học sinh, sinh viên và những người hoạt động trong các ngành giáo dục, văn hóa, truyền thông.
Ý tưởng ấy hòa điệu với lời nhắc nhở của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc hai ĐH quốc gia (Hà Nội và TP.HCM) phải chú ý đến khoa học cơ bản, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, khi ông đến thăm ĐH Quốc gia Hà Nội.
Khoa học cơ bản là các ngành nghiên cứu lý thuyết, hơi xa những mục tiêu thực dụng. Nhưng các khoa học này là hết sức cần thiết. Nó không cần nhiều người học nhưng cần những người thông minh, chịu khó và có tình yêu nghiên cứu khám phá theo học. Đó là toán, vật lý, hóa học, văn học, lịch sử, triết học, địa lý, địa chất, vật lý địa cầu, thiên văn học, hải dương học, khảo cổ, ngôn ngữ học, Hán Nôm...
Thường chỉ những ĐH đẳng cấp cao (ĐH nghiên cứu) mới đào tạo khoa học cơ bản. Nhưng thực tế hiện nay tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản rất khó vì đầu ra khá hẹp.
Từ góc nhìn của người giảng dạy một trong những ngành khoa học cơ bản ở Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) chúng tôi mong ước chính sách này không nên quay trở lại thời ĐH bao cấp "miễn học phí", rồi bù vào đó là ngân sách nhà nước cấp phát một cách eo hẹp mà dùng chế độ học bổng.
Tùy ngành, tùy nhu cầu xã hội về ngành ấy mà khuyến khích bằng học bổng cho sinh viên: 1- Có loại học bổng cao, đủ cho sinh viên đóng học phí, trả tiền sinh hoạt và mua tài liệu sách vở…; 2- Có loại học bổng toàn phần bằng học phí, sinh viên chỉ lo các khoản còn lại; 3- Có loại học bổng bán phần, hay 30%, 20% - tùy nhà trường quyết định dựa vào học lực của sinh viên khi tuyển sinh. Như vậy có những ngành 100% được học bổng, có những ngành ít hơn.
Đối với học viên cao học cũng tương tự, còn nghiên cứu sinh thì cố gắng dành tỉ lệ cao học bổng, học bổng với mức cao để họ có thể toàn tâm toàn ý cho học tập, nghiên cứu mà không phải lo đến học phí và sinh hoạt. Hiện nay cũng có học bổng cho nghiên cứu nhưng quá ít và quá thấp.
* TS Trần Thanh Long (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Cần quan tâm đến xã hội hóa
Miễn học phí cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản có thể là một giải pháp để khuyến khích sự phát triển của các ngành này nhưng cũng cần xem xét các yếu tố khác để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Theo đó, Nhà nước cần có chính sách đầu tư đặc biệt cho các trường đào tạo các ngành khoa học cơ bản, hỗ trợ người học. Từ đó các trường sẽ cung cấp học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên tài năng và có nhu cầu. Đầu tư cho cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại để hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo.
Cần quan tâm đến xã hội hóa và thu hút từ nguồn lực của doanh nghiệp khi triển khai nghiên cứu khoa học cơ bản. Bên cạnh đó, các trường cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra cơ hội thực tập, nghiên cứu và việc làm cho sinh viên.
* PGS.TS Nguyễn Tuyết Phương (trưởng khoa khoa học liên ngành Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Giúp người học yên tâm
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc miễn học phí cho sinh viên ngành khoa học cơ bản trong chương trình đào tạo tài năng. Điều này sẽ giúp tất cả người học ở bậc ĐH và sau ĐH (thạc sĩ và tiến sĩ) các ngành khoa học cơ bản được miễn học phí, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tập trung vào việc học và nghiên cứu. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chính sách này để đầu tư phát triển cho các ngành khoa học cơ bản.
Theo đó, các trường ĐH sẽ cấp học bổng cho người học sau ĐH, giúp họ không chỉ được miễn học phí mà còn nhận được tiền học bổng để trang trải cho các chi phí ăn ở, chi tiêu hằng tháng. Chính sách này sẽ giúp người học yên tâm đầu tư cho việc học và nghiên cứu khoa học, từ đó tạo ra các tài năng trong lĩnh vực khoa học cơ bản.
Thực tế cho thấy nhiều học viên ở Việt Nam hiện nay phải vừa đi học vừa đi làm để trang trải kinh phí và cuộc sống, dẫn đến việc họ không thể tập trung vào việc học và nghiên cứu, ảnh hưởng đến chất lượng.
Để đạt được các kết quả nghiên cứu mới, tiên tiến và thúc đẩy các ngành khoa học, Việt Nam cần có một chương trình tương tự, đặc biệt là ở bậc sau ĐH. Vì vậy cần có các chính sách hỗ trợ về mặt kinh phí để giúp các ngành khoa học phát triển. Tôi cũng nhận thấy rằng các trường ĐH cần đóng vai trò dẫn dắt và định hướng xã hội. Như ĐH Harvard (Mỹ) đã từng nói: "Các trường ĐH phải đóng vai trò dẫn dắt xã hội".
Điều này có nghĩa là sự phát triển của các trường ĐH phải đóng vai trò dẫn dắt và định hướng. Do đó các trường phải dẫn dắt và định hướng xã hội, hướng dẫn học sinh trong việc chọn lựa các ngành học cho tương lai. Chỉ như vậy chúng ta mới hy vọng nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực khoa học, từ đó đẩy mạnh các mũi nhọn về khoa học và công nghệ trong tương lai ở Việt Nam.
* Ngô Lê Ngọc Ánh (sinh viên khóa 22 chuyên ngành kinh tế học Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Cái nhìn khác với các ngành khoa học cơ bản
Thực tế hiện nay hầu hết các bạn học sinh đều chọn các ngành "hot" khoa học máy tính, thương mại điện tử, y khoa… Bản thân tôi lúc chọn ngành học này cũng rất phân vân vì các yếu tố như học phí, cơ hội việc làm của mình sau này.
Tôi mong muốn sinh viên học các ngành khoa học cơ bản trong thời gian tới sẽ được hưởng các chính sách như miễn học phí, tăng học bổng, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đặc biệt việc làm sau khi ra trường... Nếu có chính sách này học sinh sẽ an tâm theo đuổi ngành học mình yêu thích và có cái nhìn khác với các ngành khoa học cơ bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận