Món ăn Việt: Yan thích thì ai cũng thích!Chương trình Vua đầu bếp đến VNĐầu bếp Mỹ mê ẩm thực Việt
Phóng to |
Đầu bếp khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc hướng dẫn khách quốc tế chế biến món Việt - Ảnh: T.L. |
Thời gian gần đây truyền thông trong nước tập trung nhiều về hai sự kiện quảng bá ẩm thực Việt trên kênh truyền hình quốc tế (quay tại Việt Nam) của hai đầu bếp tên tuổi: Martin Yan, người Mỹ gốc Hoa, và đầu bếp người Úc gốc Việt Luke Nguyễn. Martin Yan được nhiều người Việt biết đến hơn, vì cách đây mười mấy năm nổi đình nổi đám trên sóng HTV chương trình Yan can cook. Sở trường của Martin Yan là các món Hoa và nghệ thuật nấu nghiêng về trình diễn.
Nội dung chương trình Martin Yan - taste of Vietnam (Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan) hiện đang được Yan hợp tác với các đối tác thực hiện tại Việt Nam, mười năm trước đã được ông đem qua chào hàng với Tổng cục Du lịch, Saigontourist và Vietnam Airlines. Dự trù kinh phí thời điểm ấy cao nếu chỉ một đơn vị chi trả, nhưng không nhiều nếu có sự hợp lực của ba đơn vị đại diện cơ quan quản lý nhà nước, du lịch và hàng không hàng đầu Việt Nam. Giờ cuối hợp đồng bất thành vì một vị lãnh đạo Tổng cục Du lịch (nay đã nghỉ hưu) không duyệt.
Đối với người gốc Hoa trên thế giới, Martin Yan là đầu bếp rất nổi tiếng. Tài năng của ông không chỉ thể hiện ở việc trình diễn món ăn, nghệ thuật hùng biện trước đám đông, mà còn là một doanh nhân chuyên nghiệp. Yan là chủ công ty chuyên PR ẩm thực có trụ sở tại Hoa Kỳ và một số quốc gia đông người nói tiếng Hoa. Ngoài ra, Yan còn là một nhà tiếp thị, nhà ngoại giao đại tài, cho dù theo các nhà kinh doanh du lịch Việt Nam ở vào thời điểm hiện nay, tuổi tác, sức hút của Yan không còn ở thời hoàng kim thu hút khán giả như mười mấy năm về trước.
Trong khi đó Luke Nguyễn là một đầu bếp trẻ gốc Việt tài năng đang nổi lên tại Úc. Về kinh nghiệm và sức hút chắc chắn anh chưa thể sánh được với Martin Yan, nhưng với ngoại hình điển trai, sự am tường về văn hóa và ẩm thực Việt, chắc chắn các show diễn của anh sẽ hút khán giả.
Nhưng quảng bá ẩm thực Việt không chỉ cần có thế.
Những tài năng món Việt, riêng đội ngũ đầu bếp Sài Gòn đã rất hùng hậu. Thế hệ cao tuổi nay có người đã mất có thể kể đến ông Trần Văn Nghĩa (khách sạn Rex), Ngô Đình Diệu (khách sạn Majestic), Huỳnh Lập (từng được trao giải đầu bếp ngoại hạng của Los Angeles năm 1983), Đặng Văn Hồng (khách sạn Caravelle), Châu Tấn Hiệp (khách sạn Continental), Lê Thị Vân với biệt danh Bà Sáu Cây Dừa (làng du lịch Bình Quới)... Thế hệ trẻ hơn có thể kể đến Đỗ Quang Long (khách sạn Đệ Nhất), Huỳnh Thị Ánh (cụm khách sạn Quê Hương), Võ Văn Anh (khách sạn Kim Đô), Nguyễn Hồng Quảng (khách sạn Rex)...
Đấy là chưa kể những đầu bếp tài danh khác tại Hà Nội, Huế, miền Tây... Ngoài nước, cũng có nhiều tên tuổi khá nổi tiếng, đoạt nhiều giải thưởng lớn, điển hình như cô gái khiếm thị gốc Việt Christine Hà vừa thắng giải Vua đầu bếp (MasterChef) tại Hoa Kỳ... Tuy nhiên, phần lớn họ không hoạt khẩu hoặc hạn chế ngoại ngữ (nhiều bếp trưởng trong nước thậm chí không biết một ngoại ngữ nào). Đây là hạn chế để họ trở thành những đại sứ, nhà tiếp thị cho ẩm thực Việt nói riêng và văn hóa Việt nói chung ra thế giới.
Trong thời đại thế giới phẳng, Martin Yan (hay các đầu bếp nước ngoài nào khác) và Luke Nguyễn quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới là điều rất cần thiết, đây là kênh quảng bá hình ảnh đất nước rất hiệu quả, kinh phí không nhiều, nhất là khi các chương trình quay diễn ra trong nước có sự bảo trợ của cơ quan quản lý, sự tham gia tài trợ, hưởng ứng của nhiều địa phương, doanh nghiệp liên quan. Nhưng về lâu dài, Nhà nước nên có chiến lược tập trung đầu tư trong việc tìm kiếm và đào tạo những đầu bếp Việt (hoặc gốc Việt) chuyên nghiệp để mang ẩm thực Việt và văn hóa Việt quảng bá ra với thế giới. Đây là con đường mà nhiều quốc gia tiên tiến đã áp dụng rất thành công. Người Việt, nấu món Việt và quảng bá ẩm thực Việt, văn hóa Việt bằng chính sự thấu hiểu, niềm say mê, niềm tự hào... thật sự là một thế mạnh cần được khai phá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận