09/09/2021 10:24 GMT+7

Cơ hội để HLV Park Hang Seo rèn giũa nhân tố mới

HOÀNG TÙNG
HOÀNG TÙNG

TTO - HLV Park Hang Seo đã đạt được mục tiêu lớn nhất năm 2021 là đưa tuyển Việt Nam vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Giờ là lúc ông cần chiến lược mới cho tương lai.

Cơ hội để HLV Park Hang Seo rèn giũa nhân tố mới - Ảnh 1.

HLV Park Hang Seo cần chiến lược mới cho bộ khung đội hình tuyển Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Bào mòn trụ cột

Ở Asian Cup 2019 và vòng loại World Cup 2022, HLV Park Hang Seo đã điền tên tổng cộng 20 cầu thủ cho đội hình xuất phát 15 trận đấu. Trong số đó chỉ có thủ môn Bùi Tấn Trường và tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức là gương mặt mới so với bộ khung từ U23 châu Á, AFF Cup 2018.

Ông Park cực kỳ ít thay đổi nhân sự đá chính. Đặc biệt ở hệ thống phòng ngự 3 trung vệ. Quế Ngọc Hải luôn đá chính, Bùi Tiến Dũng vắng 1 trận và Đỗ Duy Mạnh vắng 2 trận.

Đáng nói là trong những lần Tiến Dũng, Duy Mạnh vắng mặt vì chấn thương hoặc thẻ phạt, HLV Park không thay thế bằng trung vệ dự bị. Thay vào đó, ông chọn cách đưa Đoàn Văn Hậu vào vị trí lệch trái, như ở trận Việt Nam thắng Yemen 2-0 ở vòng bảng Asian Cup 2019, Hậu đá chính thay Duy Mạnh (đủ 2 thẻ vàng).

Trung vệ dự bị được trao cơ hội ra sân chỉ có Nguyễn Thành Chung, với thống kê: 0 lần ra sân ở Asian Cup 2019; 3 lần ra sân (2 trận đá chính) ở vòng loại World Cup 2022. Lưu ý, hai trận Thành Chung đá chính mới đây đều trong hoàn cảnh Đoàn Văn Hậu đã rời đội tuyển vì chấn thương.

Và chỉ đến khi Thành Chung cũng chấn thương ở phút 76 trong trận Việt Nam thua 0-1 trước Úc vừa qua, nhân tố mới thứ hai là Nguyễn Thanh Bình (Viettel) mới được trao cơ hội thể hiện ít phút.

Cơ hội để HLV Park Hang Seo rèn giũa nhân tố mới - Ảnh 2.

Trung vệ Thành Chung (16) dù thường xuyên tập trung cùng tuyển Việt Nam nhưng có rất ít "thực chiến" - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trước đó, hệ thống phòng ngự của HLV Park Hang Seo đã bị đặt dấu hỏi về thiếu nhân sự thay thế, sau khi tiền vệ Đỗ Hùng Dũng dính chấn thương nặng ở V.League.

Chưa cần bàn đến những nhân tố mới được tiến cử như trường hợp Cao Văn Triền (CLB Sài Gòn), ngay cả dự bị cho Hùng Dũng là Đức Huy dù đã chơi trong hệ thống của ông Park từ năm 2018 nhưng cũng rất ít được trao cơ hội.

Số phút thi đấu của Hùng Dũng là 907 phút, còn Đức Huy có 302 phút thi đấu. Thống kê hơn kém nhau 3 lần trong khi Hùng Dũng không tập trung cùng tuyển Việt Nam trong 5 trận gần nhất.

Về mặt tấn công, mọi lựa chọn của HLV Park Hang Seo xoay quanh Quang Hải, Phan Văn Đức, Nguyễn Tiến Linh, Văn Toàn, Công Phượng. Trong 15 trận gần nhất, 5 cầu thủ này đều có hơn 10 lần ra sân.

Nếu lấy cầu thủ có số phút thi đấu ít nhất là Văn Toàn (594 phút) thì thống kê vẫn cao hơn 6 lần so với tổng số phút thi đấu của hai cầu thủ dự bị Trần Minh Vương, Hà Đức Chinh (102 phút).

HLV Park Hang Seo chỉ phá "khung" một lần duy nhất khi Quang Hải nhận đủ thẻ phạt và vắng mặt ở trận thắng Malaysia 2-1. Gương mặt mới được đá chính khi đó là Nguyễn Hoàng Đức.

Bão chấn thương

Ngay từ đầu năm 2020, hồi chuông cảnh báo các cầu thủ tuyển Việt Nam kiệt quệ về thể trạng đã được gióng lên. Thời điểm lứa U23 Việt Nam lập kỳ tích Thường Châu đã có tới 6/11 cầu thủ trụ cột dính chấn thương.

Nhưng sau đó, ông Park vẫn mạo hiểm sử dụng Trần Đình Trọng ở VCK U23 châu Á 2020, khi trung vệ này chưa hoàn toàn bình phục sụn chêm. Mới đây còn có trường hợp của Đoàn Văn Hậu dù được khuyến cáo không sử dụng sớm nhưng vẫn ra sân vòng loại thứ 2 World Cup 2022.

Hệ quả là cả hai đều đã tái phát chấn thương và không thể tham dự vòng loại thứ 3.

Cơ hội để HLV Park Hang Seo rèn giũa nhân tố mới - Ảnh 3.

Trần Đình Trọng ra sân thi đấu ở VCK U23 châu Á 2020 dù đang có vấn đề ở đầu gối và từ sau đó anh liên tục tái phát - Ảnh: HT

Hiện tại, tính trong top những cầu thủ ra sân nhiều nhất trong màu áo đội tuyển Việt Nam, đã và đang có 8/11 cầu thủ trụ cột gặp chấn thương các loại. Chỉ có Công Phượng, Quế Ngọc Hải và Đặng Văn Lâm chưa gặp những cơn đau đáng lo nào.

Chiến lược nhân sự mới

Đây không phải lần đầu tuyển Việt Nam được đặt câu hỏi về chiều sâu đội hình và HLV Park Hang Seo ưu tiên những gương mặt cũ.

Với nguồn mở từ các trang thống kê, thậm chí các cổ động viên bóng đá Việt Nam dễ dàng nhận diện bộ khung nhân sự mà ông Park thường tung ra sân. Đó là chưa nói đến các đối thủ của tuyển Việt Nam được trang bị phần mềm phân tích chuyên sâu.

Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đối với tuyển Việt Nam có thể hiểu là nơi khẳng định tư thế "ra biển lớn", nhưng cũng là một cơ hội dành cho những nhân tố mới vượt tầm đẳng cấp vốn có.

Trong quá khứ, ông Park có Phan Văn Đức ở VCK U23 châu Á 2018. Và hiện tại có Hoàng Đức đang tiến bộ qua từng trận là tiền đề để tuyển Việt Nam mạnh dạn rèn giũa các nhân sự mới.

Tháng 2-2021, HLV Park Hang Seo từng chia sẻ: "Mục tiêu lớn nhất của tuyển Việt Nam chính là lọt vào vòng loại thứ 3 của World Cup 2022. Đến cuối năm, đội tuyển Việt Nam sẽ phải bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup. Với đội U22 Việt Nam, mục tiêu quan trọng nhất là vượt qua vòng loại U23 châu Á, sau đó là bảo vệ huy chương vàng ở SEA Games".

Mục tiêu lớn nhất năm đã thực hiện thành công, có lẽ đã đến thời điểm để HLV Park Hang Seo thực hiện chiến lược nhân sự mới, trui rèn được thêm một bộ khung mới cho tuyển Việt Nam.

Trước trận đấu với Úc, trung vệ Bùi Tiến Dũng vẫn chưa thực sự bình phục chấn thương cơ háng và tương tự là Nguyễn Thành Chung ở cơ đùi.

Sau trận đấu, ngày 8-9, Thành Chung chính thức được xác định bị rách thêm chỗ mới ở đùi phải và dự kiến sẽ phải nghỉ thi đấu 1 tháng. Trong khi đó Tiến Dũng có dấu hiệu khả quan hơn, vẫn hồi phục tốt.

Cơ hội để HLV Park Hang Seo rèn giũa nhân tố mới - Ảnh 5.

HOÀNG TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên