Phóng to |
Nhiều cửa hàng đồng giá đi vào hoạt động trong năm nay - Ảnh: H.Nhựt |
Cơ hội từ việc bán hàng đồng giá đang được các nhà kinh doanh siêu thị, cửa hàng bán lẻ tận dụng trong thời buổi thị trường đang khó khăn.
Siêu thị với hội chợ đồng giá
Mùa hè năm ngoái, siêu thị miễn thuế Fuso (Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Bến Cầu, Tây Ninh) trong dịp khai trương đã tung hơn 90.000 mặt hàng chính gốc Nhật như mỹ phẩm, thực phẩm, hàng tiêu dùng, đồ nhựa, đồ gỗ, đồ chơi… đồng giá 20.000 đồng/sản phẩm đã thu hút khách khá thành công.
Hội chợ đồ chơi cho trẻ em do hệ thống siêu thị Big C kết thúc hôm 15-2 vừa qua với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm kéo khách đến siêu thị. Bên cạnh đó, BigC cũng không quên "đặc sản" của mình là hội chợ đồng giá với 60 loại đồ chơi được bán 10.000 đồng/món. Hình thức hội chợ 10.000 đồng cũng được BigC sử dụng thường xuyên như một nét đặc trưng ở các kỳ khai trương siêu thị mới.
Thấy được cơ hội này, hệ thống siêu thị Co.opMart cho biết từ ngày 20-4 đến 9-5 tới đây sẽ tổ chức chương trình bán sản phẩm đồng giá 30.000 đồng/món. Nhiều sản phẩm đồng giá bán 30.000 đồng như: chảo không dính, bình nước thủy tinh, khay, ghế tắm baby...
Một nhân viên bán hàng Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu kỳ vọng qua việc tổ chức bán hàng đồng giá dịp này sẽ cải thiện doanh số bán hàng tại hệ thống trong quý 2. Bên cạnh bán hàng đồng giá, siêu thị này còn tổ chức giảm giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống 10 - 15% nhằm kéo khách đến siêu thị dịp lễ 30-4 và 1-5.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (P.Đakao, Q.1, TP.HCM) cho hay tại các hội chợ hàng đồng giá chị có thể mua được nhiều hàng giá rẻ hơn so với ngoài chợ 10% - 20%, chủ yếu là hàng trang trí nhà cửa, nhựa gia dụng. Tuy nhiên, người tiêu dùng phải chịu khó lựa chọn kỹ những sản phẩm này trước khi mua.
Nở rộ cửa hàng đồng giá Nhật Bản
Ngày 4-4 vừa qua, siêu thị đồng giá Daiso, Nhật Bản do Công ty TNHH Trí Phúc đầu tư đi vào hoạt động tại tầng 3 trung tâm thương mại Nowzone, 253 Nguyễn Văn Cừ, quận 5, TP.HCM. Siêu thị Daiso Nowzone được đầu tư gần 5 tỉ đồng, trên diện tích 200m2, kinh doanh hơn 90.000 mặt hàng được bán đồng giá 30.000 đồng/món, nhập khẩu từ Nhật Bản nhưng mỗi món hàng thể hiện nét đặc trưng của rất nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam,...
Daiso là tập đoàn siêu thị đồng giá 100 yen số 1 của Nhật Bản có hơn 2.500 cửa hàng lớn nhỏ rải khắp nước Nhật và 500 cửa hàng nhượng quyền ở nhiều nước trên thế giới.
Phóng to |
Nón lá Việt Nam cũng có tại cửa hàng đồng giá Daiso nhưng được nhập trực tiếp từ Nhật Bản - Ảnh: H.N. |
Ông Nguyễn Văn Viện - đại diện Công ty TNHH Trí Phúc, đơn vị nhận nhượng quyền kinh doanh chuỗi cửa hàng đồng giá Daiso của Nhật Bản tại Việt Nam - cho biết đến nay đã có bốn siêu thị đồng giá Daiso lần lượt có mặt tại Tây Ninh, Hà Nội, Đắc Lắc, TP.HCM. Trong năm 2009 sẽ có khoảng 10 siêu thị Daiso hoạt động trên toàn quốc. Theo ông Viện, qua thử nghiệm hơn một năm nay và nhận thấy đây là hình thức kinh doanh phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn suy thoái kinh tế.
Ra đời hơn một năm nay, hệ thống cửa hàng đồng giá Hachi Hachi do Công ty TNHH Việt Hạ Chí quản lý nhận thấy cửa hàng đồng giá là mô hình mới và là thị trường tiềm năng với khoảng 10.000 người Nhật đang làm ăn, sinh sống ở Việt Nam. Đến nay Hachi Hachi đã mở được ba cửa hàng đồng giá tại các quận Phú Nhuận, Bình Thạnh và Q.4.
Ông Nguyễn Thời Hồ Nhật - giám đốc Công ty TNHH Việt Hạ Chí - cho biết thật ra kinh doanh hàng đồng giá không lạ ở các nước phát triển, nhưng tại VN với mong muốn tạo ra hình ảnh một cửa hàng độc đáo, không đụng hàng và đáng tin cậy thì cửa hàng đồng giá phong cách Nhật Bản là lựa chọn số 1 của người tiêu dùng trẻ.
Khác với siêu thị đồng giá Daiso, cửa hàng đồng giá HachiHachi chủ yếu bán các sản phẩm là hàng gia dụng và đồ dùng cá nhân được nhập khẩu từ Nhật Bản và vối các mức giá 25.000 đồng, 30.000 đồng, 35.000 đồng. Ông Hồ Nhật cho biết HachiHachi có hơn 60% được sản xuất chính gốc tại Nhật, còn lại chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc theo tiêu chuẩn và theo đơn đặt hàng riêng của các công ty Nhật, sau đó được nhập về Việt Nam. Cũng theo ông Nhật, yếu tố “nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản” được chứng minh từ hồ sơ nhập khẩu hàng hóa lưu giữ tại hải quan.
Phóng to |
Ngành hàng chăm sóc sắc đẹp và đồ dùng nhà bếp được bán nhiều ở cửa hàng đồng giá - Ảnh: H.Nhựt |
Theo chị Hà Thị Mỹ Thanh - quản lý Siêu thị Daiso-Now Zone, cửa hàng đồng giá Nhật Bản hiện nay có ưu điểm là tiện lợi cho nữ giới văn phòng muốn tìm kiếm những sản phẩm độc đáo, tỉ mỉ để chăm sóc gia đình như đồ dùng nhà bếp, đồ trang trí nhà cửa... Chính vì thị hiếu đó mà khi xuất hiện tại Việt Nam đã được đánh giá cao. Đặc biệt, khu vực được nhiều người tiêu dùng thích thú khi đến với cửa hàng đồng giá là khu đồ dùng làm bếp, làm đẹp-sức khỏe và tinh dầu thơm như gỗ thơm, sáp thơm, tinh dầu, hoa khô ướp hương, nến thơm… rất đặc trưng Nhật Bản.
Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường bán lẻ, do thu nhập trên đầu người của Việt Nam hiện còn khá thấp nên loại hình cửa hàng đồng giá 10.000 - 20.000 đồng đang rất phù hợp trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ của Việt Nam tăng trưởng 20,5% trong năm 2008, là cơ hội cho nhiều hệ thống cửa hàng đồng giá vào Việt Nam trong năm nay. Hiện tại cửa hàng Circle K (Anh) đã mở cửa tại đường Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM để chuẩn bị cho cuộc "đổ bộ" vào thị trường đầy tiềm năng này.
Cửa hàng siêu rẻ lên ngôi Một thống kê của Hiệp hội Những người bán lẻ Ý (Confcommercio) cho thấy bối cảnh khủng hoảng kinh tế là lúc các cửa hàng bán đồ siêu rẻ "lên ngôi". Theo Confcommercio, trong dịp Giáng sinh và ngay cả đợt bán hạ giá hồi đầu năm 2009, doanh thu bán lẻ trên cả nước Ý đã giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Confcommercio ghi nhận sự tăng trưởng liên tục của thị trường hàng siêu rẻ. Kể từ cuối năm 2007 đến nay số cửa hàng gắn biển “Tất cả 2 euro”, “Tất cả 1 euro”, thậm chí “Tất cả chỉ 50 xu” đã mọc lên như nấm ở Ý với mức doanh thu tăng 20% mỗi tháng. Bí quyết để thu hút khách ở những cửa hàng này chính là giá mọi mặt hàng đều rất rẻ, với hầu hết hàng hóa được sản xuất ở các nước thuộc “thế giới thứ ba”, và một phần hàng hóa được mua ở các cơ sở muốn thanh lý sản phẩm tồn kho hoặc các cửa hàng sắp phá sản. Chiêu thức bán hàng này ngay lập tức gây sự chú ý lớn, khi đánh vào đại bộ phận người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm ở Ý. Theo Confcommercio, không chỉ người nội trợ và sinh viên ham đồ rẻ đến các cửa hàng 1 euro, mà còn nhiều diện khách hàng khác, tạo điều kiện cho hệ thống cửa hàng bán đồ siêu rẻ tăng trưởng 10% - 15% mỗi quý. Trong năm 2008 có 36.000 cửa hàng ở Ý phải đóng cửa vì làm ăn thua lỗ do không thu hút được người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của các cửa hàng 1 euro này được coi là lý tưởng để lấp vào chỗ trống. (Theo TTXVN) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận