09/04/2015 10:58 GMT+7

​Cô học trò mang khối u

NGUYỄN THỊ GIANG (giáo viên Trường cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây nguyên)
NGUYỄN THỊ GIANG (giáo viên Trường cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây nguyên)

TT - Tuổi Trẻ nhận được hai lá thư của một cô giáo và của một bạn nữ sinh viên. Cô giáo viết về học trò mình, còn bạn nữ sinh viên chia sẻ những tâm sự về gia đình mình.

Giáo viên Nguyễn Thị Giang (phải) và cô học trò nghèo Phan Thị Thắm - Ảnh: Trương Nhất Vương

Lá thư của cô giáo

“...Tôi bước vào lớp trung cấp nghề văn thư hành chính 13 để làm nhiệm vụ gác thi. Tôi là giám thị 1. Nhìn khắp lượt cả lớp tôi thấy tất cả khuôn mặt non nớt ấy đang nhìn tôi, có thể là dò xét xem giám thị có dễ tính hay không, hoặc cũng có thể thắc mắc tại sao cô lại có một vết thẹo trên mặt? Thật tình tôi cũng hơi bối rối cho điều thứ hai.

Ngay giây phút đó, mắt tôi dừng lại ở một khuôn mặt rất khác biệt, có thứ gì đó không bình thường. Đó là một học sinh nữ trong lớp. Em mang trên khuôn mặt mình một khối u. Thấy tôi nhìn, em quay mặt đi không dám nhìn vào mắt tôi. Em nhỏ thó trong bộ quần áo sờn vai bạc màu, đôi mắt mang một nỗi buồn nặng trĩu...

Tháng 6-2014 tôi nhận quyết định của lãnh đạo làm chủ nhiệm lớp của em. Tôi có điều kiện tiếp xúc với lớp nhiều hơn, tìm hiểu về các em học sinh của tôi. Mỗi em đều có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng trong lớp không ai có hoàn cảnh bi đát hơn em.

Em tên Phan Thị Thắm, sinh năm 1997, hiện học năm thứ 2 lớp trung cấp nghề văn thư hành chính khóa 13 của Trường cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây nguyên. Thắm là chị cả trong một gia đình nghèo gồm có ba chị em. Bố Thắm mưu sinh bằng nghề làm thuê cuốc mướn. Mẹ Thắm gần như nằm liệt một chỗ, không còn khả năng lao động do di chứng của một cơn bạo bệnh mà nhà lại nghèo quá không có tiền chữa trị.

Gánh nặng gia đình đè lên vai bốn cha con em. Hai em của Thắm, một đứa học lớp 5, một đứa lớp 3 cũng đã phải lăn vào đời, khi mò cua bắt ốc, khi lượm củ khoai củ sắn để bán kiếm tiền lo cái ăn cho gia đình và thuốc men cho mẹ.

Hoàn cảnh gia đình như thế, bản thân Thắm cũng bệnh tật như thế, khối u trên khuôn mặt em cứ ngày càng lớn theo thời gian mà em chưa một lần được đến bệnh viện để khám chữa trị. Nhưng em sớm ý thức và chưa bao giờ đòi hỏi gì cho mình. Thắm vừa làm vừa học, em đã cố gắng học rất nhiều với suy nghĩ chỉ học mới có công việc lo cho gia đình. Mặc dù nhà cách trường gần cả trăm cây số và phải thường xuyên về chăm sóc mẹ, nhưng em vẫn cố gắng và đạt học sinh khá toàn diện (cả học nghề và học văn hóa).

Gần tết, tôi quyết tâm vào huyện Ea Súp (Đắk Lắk) một lần để thăm gia đình Thắm và một số học trò của tôi. Ngày tết nhà ai cũng có bánh chưng và giò chả, nhà ai cũng sắm hương hoa, bánh trái để cúng ông bà tổ tiên. Còn căn nhà của Thắm lạnh lẽo, trống huơ trống hoác, chỉ có mùi thuốc, mùi bệnh tật và tiếng rên khe khẽ, đau đớn của mẹ em, tiếng thở dài não nùng của bố em...

Trở về, trong tôi chỉ có một mong muốn giá có phép mầu nào đó làm cho sức khỏe của mẹ Thắm tốt lên, cả nhà có đủ cái ăn cái mặc và thêm một điều ước cho Thắm là khối u trên mặt em sẽ được phẫu thuật. Thắm sẽ bớt đi những mặc cảm trong cuộc đời mình dù em vẫn nói với tôi rằng: “Chỉ cần bố mẹ em, các em của em được mạnh khỏe là được rồi, riêng em có khối u đó cũng không sao cô ạ”.

Tuy Thắm mang trên mặt khối u quái ác nhưng em mang trong mình một tâm hồn thật đẹp...”.

“Có phải con đã lấy hết sức sống của gia đình mình?”

“Nhiều lần con gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe của mẹ, mẹ đều nói mẹ khỏe nhưng nghe thấy trong giọng nói đó bao sự mệt mỏi. Con hỏi mẹ đã ăn gì chưa, hôm nay nhà có gì để ăn không. Mẹ nói mẹ có thịt ăn rồi, lần nào gọi điện về mẹ cũng trả lời như thế. Rồi một ngày con về nhà bất thình lình đúng bữa cơm trưa gia đình. Ừ thì mẹ cũng có thịt ăn đấy nhưng không phải những miếng thịt tươi ngon như ở trường con được ăn mà là thịt ngoài chợ người ta cho mẹ, mẹ đã để dành trên giàn bếp mấy tháng đen thủi đen thui.

Càng nhìn gia đình như thế con càng thấy bế tắc. Mình thì khỏe mạnh, còn bố mẹ và các em ai cũng gầy gò ốm yếu. Có phải do con đã lấy hết sức sống của gia đình mình chăng? Bây giờ cơ thể mẹ rất yếu ớt, con tưởng như mẹ không còn chút sức sống nào hết, vậy mà mẹ vẫn cố gắng làm những việc lặt vặt trong nhà, mà làm xong thì mẹ nằm bẹp hàng giờ để thở. Bố cũng đã yếu quá nhưng vẫn làm thuê để nuôi gia đình. 

Thời gian cứ thế trôi đi, sức khỏe mẹ ngày một yếu. Con sợ lắm, sợ một ngày mẹ sẽ bỏ cha con của con mà đi! Giá cuộc đời thật sự có ông Bụt như truyện cổ tích con đã được học, con chỉ xin ông Bụt một điều ước: “Con ước mẹ con sẽ khỏi bệnh, căn bệnh đã làm mẹ gầy gò ốm yếu, xanh xao. Tham lam hơn chút nữa, con mong bố mẹ và các em con đều mạnh khỏe, vì đối với con người thân mạnh khỏe thì đó là hạnh phúc cuộc đời của con vậy...”.

PHAN THỊ THẮM (Trích thư của Phan Thị Thắm gửi đến Tuổi Trẻ)

NGUYỄN THỊ GIANG (giáo viên Trường cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây nguyên)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên