22/01/2004 00:00 GMT+7

"Có giỏi mới dám ra biển lớn"

MIÊN HẠ - PHƯƠNG NGUYÊN
MIÊN HẠ - PHƯƠNG NGUYÊN

TT - Trời chập choạng tối, trụ sở UBND tỉnh An Giang không còn bóng người, nhưng trong phòng ông Bảy Nhị - chủ tịch tỉnh - vẫn sáng đèn. Ông luôn có thói quen làm việc thông tầm. Câu chuyện với ông kéo dài hơn gấp đôi so với dự kiến và không liên quan gì nhiều đến lúa, đến con cá ba sa mà chủ yếu xoay quanh chuyện học.

Trò chuyện với ông Nguyễn Minh Nhị - chủ tịch tỉnh "lúa" An Giang:

vPlDAcIK.jpgPhóng to
GS - TS Võ Tòng Xuân và Chủ tịch UBND An Giang Nguyễn Minh Nhị
TT - Trời chập choạng tối, trụ sở UBND tỉnh An Giang không còn bóng người, nhưng trong phòng ông Bảy Nhị - chủ tịch tỉnh - vẫn sáng đèn. Ông luôn có thói quen làm việc thông tầm. Câu chuyện với ông kéo dài hơn gấp đôi so với dự kiến và không liên quan gì nhiều đến lúa, đến con cá ba sa mà chủ yếu xoay quanh chuyện học.

Giấu dốt thì càng dốt thêm

* Có thật là ông đã từng phát biểu và gây sốc lớn trong một hội nghị có nhiều quan chức trong và ngoài tỉnh: “Về kinh tế nông nghiệp An Giang đứng đầu, nhưng về giáo dục An Giang hạng bét...”?

- Đúng là tôi có nói như thế và sau hội nghị nhiều người đã bị sốc và giận, đến gặp tôi để chất vấn: “Sao chủ tịch lại đi bêu xấu tỉnh nhà về mặt giáo dục?”. Cũng xin nói thêm rằng: chưa biết An Giang có hạng chót không về giáo dục, nhưng trong bối cảnh ai cũng đều tô hồng các thành tích “ảo” về mặt giáo dục nên tôi nói như thế là một đối trọng với bệnh thành tích. Tôi ghét nhất thói báo cáo láo, mà báo cáo thành tích bây giờ ai cũng... hát như hát... karaoke vậy, muốn bao nhiêu điểm thì hát thật to!

Tôi nói thật, An Giang không hạng chót thì cũng hạng thấp, vì 300.000 hộ nông dân An Giang sản xuất được 2,6 triệu tấn lúa dẫn đầu cả nước về nông nghiệp, nhưng hỏi có ai tốt nghiệp đại học không? Qua thực tế tìm hiểu thì tất cả nông dân sản xuất giỏi của An Giang học kịch trần cũng chỉ đến cấp III! Cái dốt nó luôn đeo đẳng cái nghèo bên mình, đời anh đã khổ vì dốt nên nghèo, không lẽ lại đeo cái gông dốt tiếp cho con mình?

Phải biết xấu hổ, thừa nhận sự yếu kém mới lớn lên được, mình giấu dốt thì càng dốt thêm. Hôm rồi chủ trì một lễ tuyên dương học sinh giỏi toàn tỉnh, huyện nào cũng có học sinh lên nhận giải, chỉ riêng một huyện không có em nào là Tịnh Biên - quê tôi. Tôi đã phát biểu: Rất xấu hổ, thấy có lỗi và xin lỗi bà con, vì với cương vị chủ tịch tỉnh mà lại để cho quê nhà học dở đến vậy. Làm chủ tịch mà không biết tự phê thì phê từ đâu?

Tại sao không làm giàu từ nông nghiệp?

* Nhưng An Giang là một trong những tỉnh thành lập hệ thống trường đại học thứ hai sau Cần Thơ?

- Đúng, tôi mong ước xây dựng Trường đại học An Giang thành một trường đại học danh giá cho con em nông dân. Tôi muốn thế hệ trẻ An Giang nên thay đổi quan niệm lâu nay: “học đại học ra để làm quan”. Ai cũng tìm đường chạy vào các cơ quan nhà nước, cho dù lương không bằng thu nhập một công ruộng của anh nông dân, trong khi mần ruộng, làm giàu từ nông nghiệp thì coi như là chuyện của những anh dốt. Tại sao những em có bằng đại học lại không làm giàu được từ nông nghiệp?

* Và ông đã dùng ngân sách để làm việc “xưa nay hiếm”: em nào ký với ông một cam kết sau khi tốt nghiệp đại học sẽ về hợp tác xã, trang trại nông nghiệp làm việc thì ông sẽ bao học đại học trọn gói?

xM63HtBc.jpgPhóng to
Ông Bảy lôn quan tâm đến sinh viên nghèo vượt khó và học giỏi
- Đó là một trong những mục tiêu khuyến khích làm giàu từ nông nghiệp, đưa tri thức về ruộng đồng. Em nào ký cam kết về nông trại, hợp tác xã làm việc, tôi bao trọn gói suốt bốn năm học đại học với học bổng 6 triệu đồng/năm, kể cả những em cam kết về làm việc ở nông trại của cha mẹ mình tôi cũng bao tuốt. Hiện nay đã có 156 em ký cam kết. Tính ra con số này lớn lắm, mỗi năm một hộ nhà nông An Giang có thể làm ra của cải cho xã hội bình quân 50 triệu đồng, nếu tính riêng số em này đưa khoa học kỹ thuật về tăng năng suất hơn nữa ở các hợp tác xã, nông trại thì tạo ra hàng chục tỉ đồng của cải chứ ít đâu, hơn là cứ tranh nhau vào công chức, công sở... Em nào về được đề bạt làm giám đốc hợp tác xã thì tôi trả lương thêm 500.000 đồng/tháng, bằng tiền túi của mình.

Giỏi thật là phải tự lập

* Nghe nói cô con gái duy nhất của anh Bảy thời đi học cũng phải tự đi thuê nhà trọ, ăn cơm quán, tìm việc làm thêm để tự lo chuyện học?

- Nó giống tánh tôi, không chịu năn nỉ, nhờ vả, ỷ lại. Từ hồi học phổ thông nó đã tự lo thân. Lúc tôi làm phó ban tổ chức tỉnh ủy, cả nước còn đang đói kém do cơ chế bao cấp, cán bộ thì có sổ, có tiêu chuẩn, nhưng nó vẫn phụ giúp cha mẹ bằng cách đội mẹt bánh, mẹt rau ra chợ bán với người ta, tiền kiếm được lo mua vở, mua sách đi học.

Bốn năm lên Sài Gòn học đại học, tôi chưa từng biết nó ăn, ở ra sao, vì trước khi đi nó dặn “cha đừng lên, con tự lo được”, mà nếu có lên thăm thì nhớ kêu xe ôm đến trường, đừng đi xe hơi, bạn bè dị nghị. Nó tự đi thuê nhà trọ, tự đạp xe đi học và tự đi dạy thêm kiếm tiền ăn học.

Con tôi thật ra không phải là giỏi, nó chỉ học khá và chăm chỉ. Hiện đã có hai bằng đại học (công nghệ thông tin và Anh ngữ) và đã đi làm tại công ty điện thoại công cộng ở TP.HCM. Chồng nó cũng làm chung, con một người dân thường ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều người bảo sao không đưa cháu về An Giang. Thật tình tôi nhớ và xót cho con lắm, làm cha làm mẹ ai lại muốn xa con, nhất là đứa con duy nhất, nhưng tôi không muốn nó về làm ở Long Xuyên. Nếu về nó làm giỏi thật sự và được đề bạt thì người ta lại nói: “Con đó giỏi gì đâu, sếp nó nịnh nọt ông chủ tịch tỉnh đó mà!”, còn nếu làm dở mà vẫn tại vị thì người ta đem cha nó ra chửi. Đứa giỏi thật phải là đứa tự lập, không dựa dẫm, chạy chọt.

oOo

Hồi còn làm giám đốc sở nông nghiệp, tôi đã từng bỏ tiền túi ra treo giải thưởng hễ con em nông dân nào học giỏi là tôi thưởng và trao học bổng. Sau này khi về UBND tỉnh làm việc, tôi gửi tiền cho công đoàn cơ quan tiếp tục duy trì học bổng cho con em nông dân. Em nào là con nông dân mà chịu học là tôi tài trợ liền. Hôm rồi nghe nói có hai em con nông dân có ý định sang Trung Quốc du học ngành đông y nhưng kẹt do thiếu tiền, tôi đến tận nhà bàn với cha mẹ tụi nó: “Ông bà lo phân nửa, tôi phụ vô phân nửa...”. Tánh tôi là vậy, em nào tự lập, biết vươn lên là tôi xáp vô lo mà không cần ai biểu. Tôi ghét mấy đứa ỷ lại, chạy chọt”.

Nhắc đến con, ông Bảy Nhị rưng rưng nước mắt, chúng tôi biết trong ông có một nỗi đau thầm kín. Khi cô con gái lớn được 10 tuổi, vợ chồng ông theo hướng dẫn ăn kiêng để sinh con theo ý muốn, bà Bảy thụ thai đứa con trai. Đến ngày sinh, do để thai ngộp quá lâu, hai mẹ con chết lâm sàng, cấp cứu hồi sức thì cứu sống được nhưng đứa bé bị liệt não, sống đời sống thực vật . Vợ chồng ông nuôi đứa con trai chưa một lần biết gọi tên cha ròng rã suốt 10 năm, bạc trắng cả đầu, sau đó đứa con qua đời, ông đưa cốt con lên chùa tận trên đỉnh núi Sam. Cứ chủ nhật là ông lên núi ăn chay, ở với con trai đến thứ hai mới về làm việc.

Toan tính tương lai bằng chính thực lực của mình!

- Tôi quan niệm chuyện học không chỉ là mài đũng quần trên ghế giảng đường đại học. Vì sao bây giờ lớp trẻ ít chịu học nghề, mà ở Long Xuyên có nhiều người xuất thân từ thợ giỏi ra mở tiệm phất lên sắm nhà lầu, xe hơi, lo cho con cái ăn học rất căn cơ. Lạ, sao không thấy ai học nghề mà cứ thích “sáng xách cặp đi, chiều xách cặp về”, trong khi đồng lương eo hẹp khó mà làm giàu chân chính được. Tỉnh An Giang vừa ban hành hai chính sách ưu đãi cho dạy nghề: các cơ sở dạy nghề cho thanh niên nghèo, dạy “thí” công thì tỉnh thưởng; con em nhà nghèo chọn vào các trường dạy nghề trong tỉnh, chúng tôi nuôi tiền ăn 5.000 đồng/ngày.

* Ông nghĩ gì về hiện tượng cán bộ hiện nay ngoài chạy chức còn chạy chỗ học, chỗ làm cho con cái, kể cả tranh suất học đại học theo chế độ cử tuyển vốn dành cho con em dân tộc vùng đặc biệt khó khăn trong thời gian qua tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long?

- Tôi đã nghe nhiều về chuyện này, nhưng tỉnh khác tôi không dám bình luận, chỉ xin thưa một câu: đó là cái thói rất xấu, tạo ra một thế hệ chạy chọt, toan tính cho tương lai không bằng chính thực lực của mình, rất xấu! Nhưng riêng tỉnh An Giang, tôi đã “cắt máu ăn thề” với thầy Võ Tòng Xuân (hiệu trưởng Trường đại học An Giang - NV) cấm tiệt việc gửi gắm “cái đồ Bùi Kiệm” học theo kiểu “hổng thi còn hơn thi hỏng” vào học. Kể cả con quan chức cấp tỉnh!

* Nghe nói mặc dù không công khai nhưng ông ủng hộ những em tốt nghiệp đại học đi lập nghiệp ở các tỉnh khác, thậm chí nếu lên Sài Gòn càng tốt, trong khi thông thường thì người ta sợ “chảy máu chất xám” sau khi đầu tư của cải vật chất cho đi học?

- Đừng bao giờ tạo cho các em mặc cảm là đã quay lưng lại với quê hương, khi học xong lại đi tìm việc nơi khác. Điều kiện An Giang chưa cho phép tiếp nhận tất cả nguồn lực đào tạo, em nào ở lại đóng góp xây dựng quê hương thì đáng trân trọng, nhưng phải thực tài. Còn những em ra đi thì cũng hoan nghênh, các em có giỏi mới dám ra biển lớn, mới dám chấp nhận cuộc đua tranh khốc liệt ở những đô thị lớn, đừng thành kiến theo kiểu tiểu nông với các em. Nên hiểu và xem xét thế hệ trẻ ở nhiều mặt, chứ đừng “con chưa hát, mẹ vỗ tay” . Tôi hay nói chuyện nào của trẻ con mà người lớn xía vô là hư bột hư đường hết, nên xem “con cái chúng ta có giỏi thật hay không?”...

MIÊN HẠ - PHƯƠNG NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên