21/01/2015 09:05 GMT+7

​Có giấy chứng nhận mới được hưởng BHYT 100%?

TT - Phản ảnh câu chuyện có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) ghi rõ “thời gian đủ năm năm liên tục” nhưng bệnh viện không cho hưởng quyền lợi chi trả 100%.

Thay vào đó bệnh viện yêu cầu phải có giấy chứng nhận của cơ quan bảo hiểm, hai bạn đọc cho rằng điều này gây phiền hà cho người bệnh.

Người bệnh đọc quy định mới về bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chiều 20-1 - Ảnh: Thùy Dương
Người bệnh đọc quy định mới về bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chiều 20-1 - Ảnh: Thùy Dương

Sao không giao cho bệnh viện?

Ngày 10-1, tôi đi khám bệnh tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Thẻ BHYT mới của tôi có ghi rõ “thời gian đủ năm năm liên tục” nhưng nhân viên bệnh viện không cho tôi hưởng quyền lợi được bảo hiểm chi trả 100% theo quy định mà vẫn phải cùng chi trả 20% tiền khám và tiền thuốc như cũ.

Tôi thắc mắc thì nhân viên bệnh viện yêu cầu phải có giấy chứng nhận không cùng chi trả của Bảo hiểm xã hội TP.HCM mới được hưởng quyền lợi 100%. Không biết Bệnh viện Q.Bình Thạnh yêu cầu như vậy có đúng không?

Việc phải đến cơ quan bảo hiểm xã hội lấy giấy chứng nhận gây khó khăn thêm cho người bệnh vì chưa chắc có chứng nhận ngay trong ngày. Bệnh viện là nơi biết rõ số tiền bệnh nhân cùng chi trả cho bệnh viện đã đủ để được hưởng quyền lợi 100% chưa, vì sao lại không giao bệnh viện chứng nhận để tránh phiền hà và đi lại bất tiện cho bệnh nhân?

BÙI ANH TUẤN

Điều kiện đã rõ, sao bắt chứng nhận?

Mới đây nhiều bệnh viện ở TP.HCM đã niêm yết công khai hướng dẫn Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, trong đó có điều kiện cho những người được BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bộ phận hành chính hướng dẫn: “Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1-1-2015: BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT năm năm liên tục trở lên và số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở. Khi đủ điều kiện nói trên, bệnh nhân mang biên lai thu viện phí về cơ quan bảo hiểm tỉnh hoặc huyện yêu cầu cấp “giấy chứng nhận” để sử dụng cho lần khám về sau”.

Hai điều kiện rất rõ ràng: Thứ nhất: có năm năm tham gia BHYT liên tục, đã ghi sẵn trong thẻ BHYT của từng người. Thứ hai: người bệnh cùng chi trả khoản tiền vượt sáu tháng lương cơ sở (1,15 triệu đồng/tháng).

Có nghĩa là ngay lần khám chữa bệnh đầu năm 2015, người bệnh nếu đã cùng chi trả với BHYT số tiền khám chữa bệnh cao hơn 6,9 triệu đồng thì từ lần tiếp theo trở đi sẽ được hưởng BHYT 100%.

Tuy nhiên, để được hưởng việc chi trả này, họ vẫn phải đến cơ quan bảo hiểm địa phương để xin được cấp “giấy chứng nhận” thì mới được BHYT của bệnh viện duyệt!

Chúng tôi cũng không biết đó là giấy chứng nhận gì, trong khi hai điều kiện đã rất rõ ràng và người bệnh chỉ cần nộp thẻ BHYT và biên lai thu tiền cho đại diện BHYT tại bệnh viện là đủ?

Việc phải có giấy chứng nhận này sẽ gây khó khăn cho người bệnh, nhất là những người công tác ở xa cơ quan chính. Như trường hợp của tôi, cơ quan chính ở Hà Nội còn tôi công tác tại TP.HCM.

Để có giấy chứng nhận này, tôi phải về nơi cấp thẻ BHYT ở tận Hà Nội hoặc phải gửi hồ sơ ra đó để nhờ người xin giấy chứng nhận giùm, rất tốn thời gian và thêm gánh nặng chi phí.

MAI VŨ

Ông CAO VĂN SANG (giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM):

Hai lý do cần giấy chứng nhận

Theo quy định của Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, “thời gian đủ năm năm liên tục” mới chỉ là một điều kiện. Để được hưởng quyền lợi 100% khi khám chữa bệnh, còn phải đạt điều kiện thứ hai là số tiền cùng chi trả của bệnh nhân trong năm dương lịch lớn hơn sáu tháng lương cơ sở (tương đương 6,9 triệu đồng).

Khi hội đủ hai điều kiện trên, bệnh nhân cần mang đầy đủ biên lai thu viện phí cùng chi trả đến Bảo hiểm xã hội TP hoặc bảo hiểm xã hội quận, huyện yêu cầu cấp “giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” để sử dụng cho những lần khám sau và khi đó bệnh nhân sẽ được hưởng quyền lợi 100%.

Việc yêu cầu bệnh nhân đến Bảo hiểm xã hội TP hoặc quận, huyện để được cấp giấy chứng nhận có hai lý do. Một là người bệnh không chỉ đi khám, chữa bệnh ở một cơ sở y tế mà có thể còn đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến hoặc được cơ sở khám bệnh ban đầu cấp giấy giới thiệu chuyển tuyến lên một vài bệnh viện tuyến trên nào đó khi có bệnh khác cần phải khám chuyên khoa.

Do các bệnh viện tại TP chưa liên thông dữ liệu khám chữa bệnh của bệnh nhân nên không bệnh viện nào biết từ đầu năm đến thời điểm nào đó trong năm bệnh nhân đã cùng chỉ trả đủ 6,9 triệu đồng hay chưa để cấp giấy chứng nhận.

Chỉ có cơ quan trả tiền viện phí cho bệnh nhân là bảo hiểm xã hội mới biết chính xác số tiền đồng chi trả của bệnh nhân để cấp giấy chứng nhận.

Lý do thứ hai là số tiền bệnh nhân cùng chi trả không bao giờ vừa đúng 6,9 triệu đồng mà sẽ luôn vượt con số này. Ví dụ số tiền đồng chi trả cộng dồn lại của ba lần khám bệnh trước là 6,7 triệu đồng và lần thứ tư đi khám phải đồng chi trả 600.000 đồng thì bệnh nhân vẫn phải trả đủ 600.000 đồng cho bệnh viện.

Khi thấy số tiền đồng chi trả đã vượt quá 6,9 triệu đồng, bệnh nhân mới đến cơ quan bảo hiểm xã hội đề nghị thanh toán lại số tiền đóng thừa này (400.000 đồng) và khi đó sẽ được cấp “giấy chứng nhận không cùng chi trả” để những lần khám sau bệnh viện không thu tiền của người bệnh.

Về thời gian cấp giấy chứng nhận, đúng là chúng tôi phải hẹn bệnh nhân vài ngày để thẩm định lại và khi bệnh nhân đến nhận lại tiền đóng thừa sẽ được cấp giấy chứng nhận.

L.TH.H. thực hiện

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên