​Cô giáo của... hai mẹ con

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Trong suốt câu chuyện, chị luôn nhắc “cô Thùy” (cô Phạm Thị Thùy, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp, Q.Tân Bình, TP.HCM, hiện là phó hiệu trưởng trường này) với ánh mắt trìu mến và sự kính trọng.

Cô Phạm Thị Thùy trong một tiết dạy ở lớp 5/1 - Ảnh: Xuân Bình

“Mặc dù đã tạm biệt mái trường tiểu học hai năm qua nhưng con tôi vẫn nhớ tới cô Thùy - cô giáo dễ thương của cả hai mẹ con tôi” - chị Nguyễn Thị Liên, phụ huynh ở Q.Tân Bình, cho biết.

...Con tôi bây giờ đã là học sinh THCS, dù không còn học cô Thùy nhưng mẹ con tôi sẽ không bao giờ quên cô. Đến bây giờ, thỉnh thoảng con trai tôi vẫn nhớ đến những lời răn dạy của cô. Nó tâm sự câu nói của cô làm cho nó nhớ nhất là: “Cô thương con! Con đừng làm cho cô buồn, đừng phụ lòng cô”
Trích tâm sự của chị NGUYỄN THỊ LIÊN 
(mẹ của em Vũ Đức Đạo, học sinh lớp 5/1, năm học 2012-2013,
Trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp
)

Cô là tất cả

“Con tôi là một đứa trẻ hiếu động. Thế nên tôi không lạ gì khi được cô giáo mời lên trao đổi riêng về phương pháp giáo dục cháu. Một lần, hai lần rồi nhiều lần. Mặc dù cô nói nhẹ nhàng và khéo léo nhưng tôi rất khó chịu về việc này, tôi rất giận con mình: học hành kiểu gì mà mẹ cứ bị gọi lên trường riết, con người ta có bị như thế đâu.

Tôi hiểu rằng con mình chưa ngoan, trao đổi với cô sẽ tốt hơn cho con nhưng tôi vẫn cảm thấy phiền hà. Ban ngày tôi đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Tân Bình. Ra ca là tôi vội vàng chạy xuống Q.12 làm thêm, thường 21g, 22g mới về đến nhà.

Thậm chí có bữa nhiều việc quá, đồng hồ chỉ sang thời khắc của ngày mới mà tôi vẫn chưa được về. Mẹ đi làm suốt nên tan học con tự về nhà, tự ăn cơm, tắm rửa (tôi đã nấu sẵn cơm từ sáng). Đang tuổi ăn tuổi lớn và đặc biệt rất ham chơi nên mẹ dặn gì là cu cậu quên hết.

Ngày nào cũng đi làm về khuya người mệt nhoài, khi hỏi chuyện bài vở, thấy con chưa chuẩn bị gì là tôi bực không kiềm chế được, đánh cháu. Lúc đánh thì thấy con cũng sợ, xin lỗi mẹ rối rít nhưng sau đó đâu lại vào đấy.

Một lần, sau khi nói chuyện xong cô chợt nhắc tôi: “Cô thấy trên mặt bé có những chỗ trắng khác thường, phải cho bé đi khám xem bé bị làm sao mẹ ạ. Cô thấy mẹ bận rộn quá, cô rảnh rỗi hơn. Hay là mẹ cho cô chở bé đi bệnh viện khám nhé?”. Tôi từ chối (mặc dù sự quan tâm của cô làm tôi cảm động đến rơi nước mắt) và hứa sẽ sắp xếp để chở con đi khám xem bị bệnh gì.

Trong một lần đi chợ, tôi tình cờ gặp cô (vì hai mẹ con tôi thuê nhà tại P.15, Q.Tân Bình - gần nhà cô). Cô sốt sắng mời tôi về nhà chơi cho bằng được. Cô bảo rằng cô rất thông cảm với hoàn cảnh chỉ có một mẹ một con của tôi, cô biết tôi vất vả bươn chải nuôi con.

Điều này làm tôi rất bất ngờ. Tôi chưa từng kể lể gì với cô, cả lớp gần 50 học sinh, sao cô hiểu rõ gia cảnh của tôi như thế?

Rất thân tình, cô nhận xét bé Đạo (tên con tôi) cá tính, thông minh nhưng hơi bướng, bé ưa ngọt nên cô khuyên tôi đừng đánh cháu nữa, nên khuyên nhủ cháu thôi. Cô nói: “Bé Đạo đợt này đã ngoan hơn trước nhiều lắm, nếu mẹ cùng phối hợp với cô, cùng dạy bé bằng sự dịu dàng, tương lai sẽ còn tốt hơn nữa”.

Rồi cô nhắc lại yêu cầu cho bé đi khám: “Mẹ bận quá, không có thời gian thì để cô chở đi giùm cho”. Tôi khăng khăng từ chối, hứa với cô là sẽ sắp xếp đưa con đi khám trong thời gian sớm nhất.

Tiễn tôi ra về, cô dúi vào tay tôi một ít tiền: “Phụ với mẹ để đi khám bệnh cho bé Đạo”. Tôi rưng rưng. Thời nay bao nhiêu phụ huynh tặng quà, tặng phong bì cho cô giáo để mong cô quan tâm đến con mình. Còn tôi thì ngược lại...”.

Lời kể của cô giáo

“Năm học 2012-2013, tôi làm chủ nhiệm lớp 5/1 với 49 học sinh. Trong lớp có một em rất đặc biệt: mặt mũi sáng sủa, học hành thông minh nhưng cực kỳ hiếu động và rất lười học. Ngoài việc nghịch phá em thường xuyên không học bài, không làm bài, không chuẩn bị bài ở nhà...

Giờ học trong lớp em thường xuyên quay ngang quay ngửa, tôi nói cái gì em đều làm ngược lại, giờ ra chơi em thường vi phạm nội quy của nhà trường. Tôi tìm gặp giáo viên chủ nhiệm của em những năm trước thì nhận được câu trả lời: năm nào em cũng như vậy.

Tôi nhắc mãi, nhắc hoài cũng không được. Một bữa tôi kêu em ở lại nói chuyện riêng: “Đạo ơi, cô thấy những năm trước con học rất ngoan, sao năm nay con lại quậy như thế? Con có điều gì không hài lòng về cô mà cô nói gì con đều làm ngược lại?”. Em trả lời rất thành thật và hồn nhiên: “Không phải đâu cô, con quậy từ năm lớp 3 cơ”.

Tôi bảo: “Nhà trường có quy định không cho học sinh chơi ở cầu thang vì rất nguy hiểm, mà sao cứ giờ ra chơi là con chạy và chơi ở cầu thang vậy? Ngày nào con cũng bị nhà trường nhắc tên vì vi phạm nội quy?”.

Em thản nhiên: “Cô ơi, con chỉ thích chơi ở cầu thang thôi”. Tôi phải giải thích rất cặn kẽ có những quy định chung nhằm bảo đảm sự an toàn cho mọi người mà chúng ta phải tuân theo. Rằng trong cuộc sống không phải cái gì thích đều làm được.

Ví dụ như nhà hàng xóm có tivi đẹp mà nhà mình không có, mình sang nhà người ta bê cái tivi đẹp về nhà mình sẽ bị người ta đánh, chú công an bắt vào trại giam...

Tôi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em mới biết mẹ em là phụ nữ đơn thân nuôi con, hằng ngày phải bươn chải rất vất vả, ngoài giờ làm việc ban ngày, tối còn phải làm thêm đến khuya và thứ bảy, chủ nhật cũng không nghỉ nên sự quan tâm, chăm sóc em cũng hạn chế.

Đã vậy em lại rất bướng nên thường bị mẹ đánh đòn. Tôi nhận ra học sinh của mình đang ở độ tuổi thiếu nhi nhưng không được chiều chuộng và chia sẻ như các bạn đồng trang lứa. Tôi nói chuyện với em nhiều hơn, gần gũi em hơn, tôi thể hiện cho em biết rằng cô giáo rất thương em.

Tôi quan niệm học sinh lứa tuổi tiểu học không có em nào hư cả, có thể hành vi của các em chưa chuẩn mực mà thôi. Các em đang trong thời kỳ hình thành nhân cách, cần uốn nắn từ từ.

Tôi gặp gỡ phụ huynh, khuyên chị thay đổi phương pháp giáo dục con và quan tâm đến con hơn. Kết quả là em có chuyển biến rất tốt, trở thành học sinh vừa ngoan vừa giỏi của lớp 5/1”.

Cô Thùy từng đoạt giải “Giáo viên tiểu học xuất sắc nhất TP.HCM”

“Cô Thùy là giáo viên có năng lực, chuyên môn vững vàng lại luôn nỗ lực, chịu khó nên rất thành công trong quá trình giáo dục học sinh. Tuy cô phụ trách những lớp có sĩ số cao, học sinh đa số là con em của người lao động, ba mẹ ít có thời gian quan tâm đến việc học hành của con cái nhưng lớp cô thường là 100% học sinh giỏi - một tỉ lệ hiếm có lớp nào đạt được.

Năm học 2011-2012, vượt qua nhiều giáo viên ở các trường nổi tiếng khác, cô Thùy vinh dự đoạt giải “Giáo viên tiểu học xuất sắc nhất TP.HCM”.

Cô có cách giáo dục học sinh rất linh động và tràn đầy tình yêu thương, quan tâm chu đáo và gần gũi với học sinh nên phụ huynh rất hài lòng, học sinh rất thích được học với cô.

Không những thế, cô còn thường xuyên hỗ trợ chuyên môn cho đồng nghiệp nên nhận được sự tín nhiệm cao của giáo viên trong trường. Cô vừa được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp từ năm học 2014-2015”.

Cô NGUYỄN THỊ CẨM THANH TRÀ
(hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp)

 

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên