Điều lệ trường tiểu học mới sẽ giúp "nâng cấp" quyền lợi của học sinh tiểu học. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Lê Quang Định (huyện Nhà Bè, TP.HCM) ngày đầu tiên đi học - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Thái Văn Tài - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) - chia sẻ những điểm mới được cho là có nhiều nội dung liên quan tới quyền lợi học sinh, phù hợp với mục tiêu giáo dục mới.
Giáo dục bắt buộc và thay đổi quan điểm quản trị nhà trường
* Điểm mới đầu tiên của thông tư này là gì, thưa ông?
- Điều lệ trường tiểu học vừa ban hành đã điều chỉnh để phù hợp với Luật giáo dục và thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", điều chỉnh những bất cập, bổ sung những nội dung cần thiết liên quan tới quản trị nhà trường, trách nhiệm và quyền lợi của giáo viên, học sinh ở giai đoạn mới.
Trong đó, điểm mới đầu tiên phải nói đến trong thông tư 28 ban hành điều lệ trường tiểu học là việc thực hiện bắt buộc phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại địa bàn. Nội dung này phù hợp với quy định trong Luật giáo dục. Điều lệ trường tiểu học cũng đặt ra việc huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường, thực hiện phổ cập giáo dục và chống mù chữ, nhưng không phải nhiệm vụ bắt buộc. Những việc đi ngược với nhiệm vụ bắt buộc này có thể coi là vi phạm pháp luật.
* Trong nhiệm vụ năm học 2020-2021 ở bậc tiểu học đưa ra nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Có thể xem đây là "giải pháp mạnh" khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (CT 2018). Vậy nội dung này quy định thế nào ở điều lệ vừa ban hành?
- Điều lệ trường tiểu học vừa ban hành cũng quy định các trường tiểu học phải xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Kế hoạch này được xây dựng hằng năm, dựa trên nền tảng chương trình giáo dục do Bộ GD-ĐT ban hành kết hợp với xây dựng các nội dung giáo dục bổ trợ đáp ứng nhu cầu của người học, nội dung giáo dục địa phương đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất người học. Các trường cũng có thể chủ động áp dụng các phương pháp, hình thức giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước, phù hợp với điều kiện, đối tượng học sinh.
Lãnh đạo các trường tiểu học chủ động trong xây dựng thời khóa biểu phù hợp với kế hoạch giáo dục nhà trường đã đề ra. Trong đó, có thể chủ động xây dựng các phương án tổ chức dạy học khác nhau để chủ động trong mọi tình huống khi bị tác động bởi yếu tố khách quan.
Điều lệ quy định giáo viên tiểu học được chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục. Cụ thể, các thầy cô sẽ được tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách trên nguyên tắc đảm bảo quy định chung của chương trình giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện của nhà trường.
Giáo viên tiểu học cũng được phép sáng tạo, linh hoạt sử dụng đồ dùng dạy học tự làm, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy.
Giờ học của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lê Đình Chinh, Q.11, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Không ép buộc học sinh mua sách tham khảo
* Tình trạng nhập nhằng giữa sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, sách bổ trợ là bất cập tồn tại trong nhiều năm và đang nóng trong những ngày đầu năm học mới. Trong điều lệ trường tiểu học, việc này đã được quy định rõ ràng, chặt chẽ chưa?
- Sách giáo khoa, thiết bị và tài liệu được quy định cụ thể, rõ ràng ở điều lệ vừa ban hành phù hợp với bối cảnh thực hiện "Một chương trình nhiều sách giáo khoa", bắt đầu từ lớp 1 của năm học này.
Một trong những điểm mới của điều lệ trường tiểu học vừa ban hành là quy định về sách giáo khoa do các trường tiểu học sử dụng phải được Bộ GD-ĐT phê duyệt và do UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn sử dụng. Các trường phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về sách giáo khoa sử dụng trong trường cho học sinh, phụ huynh biết.
Trường tiểu học sử dụng thiết bị dạy học theo danh mục tối thiểu của Bộ GD-ĐT ban hành và theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông. Các trường cũng sử dụng tài liệu giáo dục địa phương do UBND cấp tỉnh chỉ đạo biên soạn thẩm định. Ngoài những thiết bị tài liệu này, nghiêm cấm các nhà trường ép buộc học sinh mua sách tham khảo, sách bổ trợ khác. Các nhà trường có thể lựa chọn, trang bị tài liệu tham khảo cho giáo viên sử dụng chung để nghiên cứu, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Học sinh được học vượt cấp
* Có nhiều quy định liên quan tới quyền lợi học sinh ở điều lệ mới, ông có thể chia sẻ cụ thể về điểm này?
- Trong điều lệ có quy định học sinh được học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, hoặc học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định (quy định là 6 tuổi vào lớp 1), học kéo dài thời gian, học lưu ban. Riêng quy định về "học vượt cấp" không phải điểm hoàn toàn mới mà đã quy định trong điều lệ trường tiểu học ban hành trước đây. Nhưng ở điều lệ mới được quy định cụ thể, chặt chẽ hơn.
Theo đó, những học sinh có thể lực tốt và phát triển trí tuệ sớm có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Nếu trước đây việc này giao cho hiệu trưởng nhà trường quyết định thì ở điều lệ mới quy định rõ thủ tục xem xét với từng trường hợp cụ thể.
Trước hết, cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội. Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo trưởng phòng GD-ĐT xem xét quyết định.
Phụ huynh cùng con mua sách giáo khoa tại TP.HCM - Ảnh: N.HÙNG
* Còn chuyện ở lại lớp thì thế nào, thưa ông?
- Điều lệ mới cũng có quy định những học sinh có kết quả học tập còn hạn chế, đã được giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh trực tiếp hướng dẫn giúp đỡ mà vẫn chưa hoàn thành, tùy theo mức độ chưa hoàn thành của các nhiệm vụ học tập và rèn luyện, giáo viên báo cáo hiệu trưởng xem xét quyết định lên lớp hoặc ở lại lớp, đồng thời cùng với gia đình quyết định các biện pháp giáo dục phù hợp.
Học sinh chuyển trường học sách giáo khoa khác được không?
* Trong tình huống mỗi trường có thể chọn sử dụng một bộ sách giáo khoa khác nhau, việc chuyển trường có thể sẽ gặp khó khăn. Vậy việc này được quy định như thế nào?
- Điều lệ mới vẫn cho phép học sinh được chọn trường học hoặc chuyển đến học trường khác ngoài địa bàn cư trú, nếu trường đó có khả năng tiếp nhận. Học sinh trong độ tuổi tiểu học từ nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc tại Việt Nam, trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn chưa được đi học ở nhà trường nếu có nguyện vọng chuyển đến học trong một trường tiểu học thì được hiệu trưởng tổ chức khảo sát trình độ để xếp vào lớp phù hợp.
Tuy nhiên, do thực tế hiện nay các nhà trường bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, với các bộ sách giáo khoa được chọn lựa khác nhau nên việc chuyển trường của học sinh đang học chương trình mới sẽ có những quy định cụ thể hơn.
Thông thường, học sinh chuyển trường vào cuối năm học khi đã hoàn thành chương trình của một lớp. Các trường hợp này khi bắt đầu lớp mới ở trường khác sẽ không gặp khó khăn. Nhưng có những trường hợp do hoàn cảnh gia đình phải chuyển trường giữa năm học sẽ nảy sinh bất cập là ở trường mới, học sinh có thể sẽ phải học sách giáo khoa khác với sách đã học ở trường cũ. Vì thế, ngoài các thủ tục chuyển trường như quy định trước đây, trong điều lệ mới quy định trường cho chuyển đi phải cung cấp thông tin về học sinh, từ tài liệu dạy học đến kết quả học tập của học sinh, nội dung bàn giao của giáo viên chủ nhiệm lớp...
Trường mới phải thành lập hội đồng đánh giá năng lực của học sinh, tiến độ học tập của học sinh (sau khi ngừng học ở trường cũ) so với chương trình giáo dục quy định, tổ chức hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tập theo yêu cầu thực tế của trường mới (nếu cần thiết) để học sinh có thể tiếp tục học theo kế hoạch giáo dục của trường mới.
Khen thưởng, kỷ luật: vì sự tiến bộ của học sinh
* Việc khen thưởng, kỷ luật học sinh được quy định như thế nào trong điều lệ trường tiểu học mới?
- Quy định này trong điều lệ có tính nhất quán với thông tư quy định việc đánh giá học sinh tiểu học vừa mới ban hành. Điểm chung của việc khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh tiểu học là chú ý khích lệ sự tiến bộ của học sinh. Trong đó, lưu ý giáo viên không được phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường và trong buổi họp phụ huynh chung.
Giáo viên tiểu học phải đạt chuẩn nào?
Theo điều lệ trường tiểu học mới, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học là có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục tiểu học.
Trước đó, điều lệ trường tiểu học quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm. Thay đổi này phù hợp với quy định trong Luật giáo dục có hiệu lực tháng 7-2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận