14/09/2020 10:37 GMT+7

Đình chỉ học 2 tuần: Ai hỗ trợ học sinh trong 2 tuần đó?

ĐẠI LÂM
ĐẠI LÂM

TTO - Trong 2 tuần bị đình chỉ học sinh, cán bộ, giáo viên nào sẽ hỗ trợ các em, giúp các em nhận ra lỗi của mình và thay đổi?

Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến có rất nhiều điểm mới. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc bỏ hình thức đuổi học 1 năm nhưng lại rất băn khoăn với việc tạm dừng học 2 tuần. 

Trong 2 tuần đó, cán bộ, giáo viên nào sẽ hỗ trợ các em, giúp các em nhận ra lỗi của mình và thay đổi? Giáo viên chủ nhiệm liệu có làm được việc này không? Tôi cho rằng người có chuyên môn để thực hiện công việc này phải là các chuyên viên tư vấn tâm lý học đường.

Bố trí nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông là một việc làm vô cùng cần thiết, chắc chắn nếu được thực hiện sẽ góp phần quyết định đến việc thực hiện kỷ luật tích cực, không đuổi học nhưng vẫn giúp học sinh tiến bộ, không gây ảnh hưởng xấu đến các học sinh khác. 

Nhưng làm sao để có nhân viên tư vấn tâm lý mà lại phải đảm bảo không tăng biên chế? Đây sẽ là bài toán khó cho địa phương cũng như bản thân các trường phổ thông.

Hiện nay, biên chế giáo viên, cán bộ cho các trường phổ thông gần như chỉ có giảm chứ không tăng, thậm chí có nơi cùng một lúc còn cắt hợp đồng với hàng trăm giáo viên. Để không tăng biên chế thì có hai cách: hoặc giao cho một số giáo viên, cán bộ y tế học đường kiêm nhiệm công tác này; hoặc phải cử cán bộ đi học thêm về chuyên ngành tâm lý.

Tư vấn tâm lý không phải là việc đơn giản, ai cũng có thể làm mà cần phải được đào tạo chuyên sâu. Nếu để giáo viên hoặc cán bộ y tế học đường kiêm nhiệm công tác này thì hiệu quả e rằng sẽ không cao vì những cán bộ này không có chuyên môn, không được đào tạo bài bản về tư vấn tâm lý. 

Còn nếu cử giáo viên, cán bộ đi bồi dưỡng thì ai sẽ là người đi, học ở đâu, thời gian bao lâu, học đại học văn bằng 2 hay chỉ tập huấn ngắn hạn lấy chứng chỉ?... Vấn đề nhân sự, kinh phí, chất lượng đào tạo lại là một bài toán khó mới.

Bỏ các hình thức cảnh cáo trước cờ, đuổi học 1 năm là quyết định rất đúng đắn và nhân văn nhưng điều đó cũng khiến cho trách nhiệm, công việc của giáo viên, nhà trường sẽ nặng nề thêm bởi để cảm hóa một học sinh không thể chỉ nói dăm câu ba điều. Cần phải có các nhân viên tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản kết hợp với giáo viên chủ nhiệm thì mới có thể đem lại hiệu quả thực chất.

Thăm dò ý kiến

Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ hình phạt buộc thôi học, cảnh cáo học sinh trước lớp/trường nhưng vẫn duy trì đình chỉ học (không quá 2 tuần) với học sinh vi phạm. Theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Giữ hay bỏ cách phạt học sinh bằng đình chỉ học? Giữ hay bỏ cách phạt học sinh bằng đình chỉ học?

TTO - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh thay thông tư 08 năm 1988. Lần đầu tiên sau 30 năm không còn buộc thôi học và bỏ cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường. Đây là điều được dư luận ủng hộ.

ĐẠI LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên