11/12/2022 09:00 GMT+7

Cô gái Nùng quyết vượt dốc

TÂM AN - THẾ THẾ
TÂM AN - THẾ THẾ

TTO - Ngạc Thị Ương - cô gái Nùng ở xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) - quyết tâm phải vào đại học, cũng là vượt con dốc lớn nhất đời mình, bước qua định kiến "con gái học nhiều làm gì" của bà con dân tộc nơi đây.

Cô gái Nùng quyết vượt dốc - Ảnh 1.

Ngạc Thị Ương muốn vượt qua định kiến “con gái học nhiều làm gì” đã ăn sâu trong nếp nghĩ đồng bào quê mình - Ảnh: THẾ THẾ

Ngạc Thị Ương và mẹ đang nhổ mấy bụi sắn trồng ké trên đất hàng xóm phía sau nhà. Đón khách, nữ tân sinh viên ngành marketing Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM dáng người thấp khép nép bên con đường gió bụi gần nhà kể: "Mình đã nhập học và cũng có việc làm thêm ở Sài Gòn rồi".

Bà Tống Thị Thúy (mẹ Ương) kể vợ chồng bà rời Cao Bằng vào Đắk Lắk từ 2006, làm lụng mãi mà vẫn nghèo. Ba mẹ từng bảo Ương nghỉ học, làm công nhân rồi lấy chồng, sinh con chứ nhà nghèo quá. Nói với con gái vậy nhưng ba mẹ lòng đau thắt, còn Ương đã khóc mấy hôm liền, tự hỏi "Sao con gái phải nghỉ học?".

Ương không muốn đời mình cũng như mấy chị trong làng nghỉ học sớm, đi làm công nhân, lập gia đình, có con phải gửi về quê cho ông bà nuôi vì vất vả quá, thậm chí mấy năm không được gặp con. Ương dùng "lý lẽ" đó thuyết phục ba mẹ, bạn muốn vượt con dốc định kiến của cộng đồng, ít nhất với cuộc đời mình.

Nhà có 5 sào đất lúa, 1ha trồng sắn nhưng thiếu trước hụt sau. Cứ một buổi đi học, buổi còn lại bạn theo cha mẹ lên nương rẫy, ai thuê gì làm nấy. Nghĩ tới khoản học phí 30 triệu đồng/năm, Ương đã định đầu hàng. Nhưng bất ngờ, nhận tin con gái đậu đại học, ba mẹ ủng hộ Ương đi học dù "chưa biết xoay tiền thế nào". Hai vợ chồng vất vả mười mấy năm cũng chỉ dựng được cái nhà tạm nhưng thấy con quyết tâm học quá, bà Thúy vay nóng 20 triệu đồng cho con nhập trường.

Đặt nỗi buồn một mình xuống thành phố nhập học qua một bên, Ương đi tìm chỗ trọ, tranh thủ kiếm việc làm thêm. "Hiện mình đang làm thêm ở xưởng đóng gói bánh kẹo, tiền công 100.000 đồng/ngày cũng lo được tiền ăn. Chắc sẽ tìm một việc nữa và cố gắng săn học bổng", Ương tính.

Ương khoe thích học về chăn nuôi hoặc marketing vì nghĩ chuyện ra trường tìm cách giúp bà con vùng biên giới quê mình thay đổi phương thức canh tác, chăn nuôi để tăng thu nhập, kinh tế gia đình ổn thì mới thôi bắt con nghỉ học sớm, nhất là con gái. Cuối cùng bạn chọn học marketing vì muốn quảng bá cho nông sản quê mình đi xa hơn.

"Cái nghèo cản bước nhiều bạn được học nên chỉ khi kinh tế gia đình khá lên mới mong xóa định kiến học nhiều tốn tiền. Mình tin bản thân sẽ tìm được lối đi khác so với nhiều chị phải nghỉ học sớm ở quê mình", cô gái Nùng Ngạc Thị Ương bày tỏ.

69 học bổng cho khu vực Tây Nguyên

69 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khu vực Tây Nguyên sẽ được nhận học bổng Tiếp sức đến trường hôm nay 11-12. Mỗi học bổng 15 triệu đồng.

Tổng kinh phí chương trình hơn 1 tỉ đồng do Quỹ đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền) tài trợ. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tặng quà cho tân sinh viên, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) trao ba laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.

Tiếp sức đến trường: Tiếp sức đến trường: 'Chở' tương lai con trên xe hàng rong của mẹ

TTO - Dù biết chỉ dựa vào xe hàng rong của mẹ sẽ khó lo đủ cho con trong suốt 4 năm sắp đến, người mẹ đơn thân tin rằng nếu con được tiếp sức đến trường, bà sẽ thực hiện được ý nguyện nuôi con trai học xong đại học.

TÂM AN - THẾ THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên