Tôi kết hôn năm 2016 nhưng cuộc sống gia đình không hạnh phúc. Chồng tôi bỏ sang Lào làm ăn, sinh sống và mất liên lạc. Sau đó, tôi nghe chồng tôi đang sống chung với một phụ nữ khác ở bên đó và đã có con.
Giờ tôi muốn đơn phương ly hôn có được không, thẩm quyền giải quyết ở đâu?
Một bạn đọc gửi câu hỏi đến Tuổi Trẻ Online.
Luật sư TRẦN THỊ HẬU - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng - tư vấn:
Theo khoản 1, điều 51, Luật hôn nhân gia đình năm 2014, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.
Do đó, nếu đối phương (vợ hoặc chồng) không đồng ý ký vào đơn thì bên còn lại có thể làm đơn ly hôn theo yêu cầu của một bên.
Về căn cứ xin đơn phương ly hôn được quy định tại điều 56, Luật hôn nhân gia đình 2014: "Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được".
Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như nêu trên hay không.
Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
Về thẩm quyền giải quyết ly hôn:
Theo khoản 25, điều 3, Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định: "Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài".
Theo quy định này, quan hệ hôn nhân giữa chồng bạn và bạn là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Tiếp đó, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định tòa án cấp tỉnh nơi bạn cư trú có thẩm quyền giải quyết yêu cầu ly hôn của bạn.
Mời bạn đọc đặt câu hỏi để được luật sư tư vấn
Bạn có vấn đề về hôn nhân gia đình, tài sản, đất đai, bản quyền, hợp đồng kinh tế, thuế... cần được luật sư tư vấn cụ thể, vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận