07/12/2015 11:35 GMT+7

​Có đâu thương ta được như Sài Gòn?

ĐẶNG HUỲNH MAI ANH
ĐẶNG HUỲNH MAI ANH

TTO - London vào đông lạnh giá, tôi vừa xem clip nhạc "Thật bất ngờ" của ca sĩ Trúc Nhân - một bài hát mang hơi hướng châm biếm, lạ thay sao tôi vẫn thương cái “xã hội thu nhỏ” trong clip nhạc ấy quá.

Ảnh tư liệu.

Thì ra khi đi xa, mới nhận ra mình luôn luôn nhớ thương một quê nhà - cho dù nơi đó có “người lắm chuyện, ngoài đường xô bồ, bon chen”.

Bởi có nơi đâu người ta sống cạnh nhau vừa chật chội, vừa gần gũi như những chung cư ở Hà Nội hay Sài Gòn giống trong MV Thật bất ngờ mà Trúc Nhân đã quay hình?

Có nơi đâu tôi từng đi qua trên thế giới này, các cụ già ra tập dưỡng sinh cùng nhau ở những buổi sáng trong lành, những người đàn ông ngồi đánh cờ bên hè phố, cạnh đó là một xe bánh mì ngon hơn mọi thể loại Mc Donald?

Đặng Huỳnh Mai Anh sinh năm 1992, hiện đang theo học thạc sĩ ngành Phân tích chính sách kinh tế quốc tế tại Trường ĐH Westminster (London, Anh). Cô từng đoạt Giải thưởng lãnh đạo môi trường trẻ tuổi Bayer toàn cầu (Global Bayer Young Environmental Leader Award) 2012 và là tác giả quyển sách Chuyện thực tập - Từ giảng đường đến văn phòng (2013).

Những “hồn văn hóa thị dân” sống động, thân thương và gần gũi đến thế, liệu bạn có thể thấy ở đâu ngoài Việt Nam quê mình?

Để rồi giữa một London tráng lệ và đa sắc màu, tôi vẫn thấy kém xa sự nhộn nhịp và sinh động của Sài Gòn. 

Thì ra mình tìm kiếm không chỉ những cơ hội mà tìm kiếm chính cái nguồn cội của mình hòa trong cái hồn nơi mình lớn lên.

Lâu lâu, mọi người lại xôn xao những chuyện "chảy máu chất xám", du học sinh "đi luôn hay về", rồi "nhà nước có biết trọng nhân tài" chưa?

Kể từ trước khi lên đường đi học ở xứ người, tôi đã nhiều lần vu vơ hỏi: “Em đi học rồi, em có trở về không?". Và tôi tự trả lời bằng hai điều sau:

1. Ai cũng có một sự lựa chọn của mình

Chẳng phải chúng ta luôn kêu gọi hãy sống vì giấc mơ của mình và đừng sống cuộc đời của người khác? Chẳng phải chúng ta luôn khuyến khích các bạn trẻ hãy sống thật với chính mình và đừng để kỳ vọng của mọi người giết chết sự khác biệt đấy sao? 

Tôi thấy chúng ta vẫn luôn đòi hỏi người ta phải thành thật, phải là chính mình. Nhưng chính chúng ta (nói thì nói thế) nhưng đôi khi cũng chưa sẵn sàng để đón nhận sự thật. Mình vẫn cứ soi mói về cách người ta nói tiếng Anh, về người mà họ yêu, về những sự lựa chọn của họ.

Chúng ta chỉ quan tâm họ có làm điều chúng ta - "đám đông" muốn, mà chẳng thèm nhìn xem họ có đang hạnh phúc không, có thoải mái không, có được là chính họ không. 

Tôi thiết nghĩ trước khi họ có thể cống hiến cho người khác thì đầu tiên tôi muốn thấy họ được hạnh phúc với bản thân mình. 

Thế thì sao cứ nhất thiết đòi hỏi ai ra đi cũng phải trở về. Nếu họ tìm thấy họ trong một cuộc đời mới trên một đất nước mới, miễn là vẫn tâm huyết làm việc và công hiến, chưa cần biết cho dân tộc, quốc gia nào, thì đấy vẫn đáng trân trọng.

Một trang báo Tuổi Trẻ về "Tình người Sài Gòn".

2. Đừng nhận những thứ mình không thể trả

Tôi cho rằng việc đi hay ở còn nằm ở ngành học của mỗi người. Không phải ngành nào đem về VN cũng có đất dụng võ, như thế quả đúng là phí hoài. Nhưng khi đã biết mình muốn làm gì, đã hiểu xu hướng của ngành, đã dự đoán được tương lai sau khi học, họ đã có thể ngờ ngợ: mình sẽ đi luôn hay trở về.

Nếu đã chọn "đi không rằng buộc" thì đừng xin học bổng của chính phủ, đừng theo đuổi đam mê bằng tiền bạc và sự kỳ vọng của những người mong bạn trở về.

Hãy dùng tài năng để xin các học bổng khác mà ở đó không có bất kỳ đòi hỏi nào rằng bạn phải trở về phụng sự đất nước. Hãy để sự đầu tư, nguồn ngân sách của Tổ quốc cho những người sẽ trở về. 

Nhưng thế thôi, tôi nghĩ đáng trách không ở quyết định đi hay ở, mà rằng đừng bắt đầu những hy vọng mình không thể đáp ứng.

Ở một góc nhìn cá nhân: Vì sao tôi sẽ về Việt Nam?

Huyền, một bạn nữ cùng phòng của tôi ở London (Anh), đang học ngành Kinh doanh Quốc tế, bảo tôi rằng bạn thấy Việt Nam là một thị trường đang phát triển sẽ có nhiều cơ hội cho bạn hơn.

Điều đó làm tôi nhớ có lần mình từng đọc được rằng: “Chính những hạn chế của xã hội lại là cơ hội để mình có nhiều việc cống hiến cho xã hội đó hơn”. Điều này cũng tùy theo ngành học, nhưng chúng tôi, những người muốn trở về là bởi đã nhìn thấy được mình sẽ làm những gì ở Việt Nam.

Xin đừng bảo rằng chúng tôi mơ mộng, chúng tôi đã lớn lên ở Việt Nam, chúng tôi có thể lường trước phần nào những khó khăn sẽ đón chờ mình.

Nhưng, như trong đầu tư, món gì càng rủi ro thì tỷ suất sinh lời càng cao. Đừng vẽ ra nhiều cái sợ và không trở về nữa...

Một góc Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

Còn lần, vu vơ tôi nói với một người chị: "London quyến rũ quá, không biết có ngày nào em yêu London hơn cả Sài Gòn mất không?".

Chị bảo tôi: "Cũng có thể. Rồi một ngày em yêu London nhiều hơn Sài Gòn nhưng London sẽ không bao giờ thương em nhiều được như Sài Gòn vẫn luôn thương em".

Vậy cho nên, tôi chưa biết mình đi bao lâu và bao xa nhưng sẽ không ngày nào trong chuỗi hành trình đó tôi không nghĩ đến ngày trở về.

Có đâu thương ta được như Sài Gòn?

*Mời bạn có những câu chuyện văn hóa thị dân, lối sống và giới trẻ có thể gửi về cho báo Tuổi trẻ Online theo địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn
ĐẶNG HUỲNH MAI ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên