25/02/2025 08:31 GMT+7

Cơ cấu tổ chức mới của Bộ Ngoại giao có gì thay đổi?

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 28 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.

Cơ cấu tổ chức mới của Bộ Ngoại giao có gì thay đổi? - Ảnh 1.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO

Theo đó, Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đối ngoại trong hệ thống chính trị. Bao gồm: công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, công tác về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và hoạt động của các cơ quan đại diện. 

Bộ Ngoại giao cũng quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật; tham mưu định hướng chiến lược và tổ chức triển khai đường lối, chủ trương, chính sách và các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân và công tác đối ngoại tại địa phương theo quy định.

Theo nghị định mới, cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao bao gồm 25 đơn vị. Cùng với Văn phòng bộ, Thanh tra bộ, bộ này sẽ có 12 vụ. Bao gồm các vụ: Châu Âu; Châu Mỹ; Đông Bắc Á; Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương; Trung Đông - Châu Phi; Chính sách đối ngoại; Ngoại giao kinh tế; ASEAN; Các tổ chức quốc tế; Luật pháp và Điều ước quốc tế; Thông tin báo chí; Tổ chức cán bộ. 

Bộ Ngoại giao có 5 cục bao gồm: Cơ yếu - Công nghệ thông tin; Lãnh sự; Lễ tân nhà nước và Phiên dịch đối ngoại; Ngoại vụ và Ngoại giao văn hóa; Quản trị tài vụ. 

Ngoài ra, bộ có các đơn vị gồm: Sở Ngoại vụ TP.HCM; Ủy ban Biên giới quốc gia; Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Học viện Ngoại giao; báo Thế Giới và Việt Nam; các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, sẽ do Chính phủ thành lập và do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý.

Như vậy so với nghị định cũ, cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao có 28 đơn vị, thì nay cơ cấu tổ chức mới giảm 3 đơn vị. Bao gồm: Vụ Hợp tác kinh tế đa phương; Vụ Chính sách đối ngoại, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO. Đối với Vụ Biên phiên dịch đối ngoại được gộp vào Cục Lễ tân nhà nước.

Theo quy định, bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao, ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Bộ Ngoại giao.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức thuộc bộ, trừ Học viện Ngoại giao. Hiện Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đang kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. 

Cơ cấu tổ chức mới của Bộ Ngoại giao có gì thay đổi? - Ảnh 3.Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Thái Lan cùng uống cà phê, thăm hoàng thành sau hội đàm

Sau những giờ phút làm việc hiệu quả, hai bộ trưởng Việt Nam và Thái Lan đã cùng hòa vào không khí lịch sử của Hoàng thành Thăng Long, trò chuyện thân tình bên tách cà phê.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên